Tòa Tối cao bác đơn 2 công dân 'ở tù xong mới biết bị oan'

Mới đây, TAND Tối cao có văn bản trả lời đối với ông Vũ Văn Điện (51 tuổi) và Đinh Trọng Khang (55 tuổi, cùng trú tại Nam Định) về việc đề nghị xem xét giải quyết bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Ông Điện và Khang là hai nhân vật trong loạt bài “Ở tù xong lên mạng đọc tin mới biết mình bị oan”PLO đã phản ánh trước đó.

Trong văn bản trả lời, TAND Tối cao cho biết quy định pháp luật và thực tiễn thi hành từ năm 1990 cho thấy các cá nhân có hành vi mua bán, vận chuyển pháo nổ với khối lượng từ 2 kg trở lên thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Pháp luật hiện hành cũng quy định pháo nổ là hàng cấm, người mua bán pháo nổ đều có thể bị xử lý về tội mua bán hành cấm theo quy định của pháp luật hình sự.

Tuy nhiên, giai đoạn từ ngày 1-7-2015 đến 1-1-2017, pháp luật về quản lý pháo nổ có những điểm không thống nhất: pháp luật về thương mại quy định pháo nổ là hàng cấm, pháp luật về đầu tư lại quy định pháo nổ là hàng kinh doanh có điều kiện.

Ông Khang và Điện thực hiện hành vi mua bán trái phép 25,3 kg pháo nổ vào ngày 29-11-2015, bị điều tra, truy tố và xét xử về hành vi này nhưng sau đó đã được TAND Cấp cao tại Hà Nội áp dụng pháp luật theo hướng có lợi, tuyên bố không phạm tội và đình chỉ vụ án.

“Vì vậy, hai ông không phải là người bị oan do không thực hiện hành vi phạm tội, nên không thuộc trường hợp được bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước” - TAND Tối cao kết luận.

Hai ông Điện Và Khang trong một lần tới TAND Tối cao để khiếu nại

Trao đổi với PV, cả hai ông Vũ Văn Điện và Đinh Trọng Khang đều không đồng tình với văn bản trả lời của TAND Tối cao.

Trong khi đó, LS Nguyễn Anh Đức (Đoàn LS TP Hà Nội), người đại diện theo ủy quyền của ông Điện và Khang, cho rằng quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội đã xác định hành vi của hai ông không cấu thành tội phạm.

Ngoài ra, khoản 4 Điều 18 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định: “Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp người đã chấp hành xong hình phạt tù có thời hạn mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác hành vi không cấu thành tội phạm”. Do đó, hai ông thuộc phạm vi nhà nước có trách nhiệm bồi thường.

Cũng theo LS Đức, TAND tỉnh Nam Định không thụ lý giải quyết yêu cầu bồi thường của hai ông thể hiện sự chây ỳ, né tránh trách nhiệm sau khi đã tuyên bản án oan; văn bản trả lời của TAND Tối cao là chưa khách quan và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.

Chưa hết, ngay trong quyết định giám đốc thẩm đã tuyên bố chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý hành chính đối với hai ông nhưng tới nay thì vẫn chưa thực hiện nội dung này.

“Thời điểm bị bắt, luật quy định hành vi mua bán phảo nổ chỉ bị xử phạt hành chính nhưng cơ quan tố tụng lại xử phạt tù, giờ nói rằng đó là cho họ được “hưởng lợi” thì không rõ lợi ở đâu, điều này không thể chấp nhận được” - LS Đức nói và khẳng định sẽ cùng hai ông Điện, Khang theo đuổi vụ việc đến cùng.

Ở một diễn biến khác, PV Pháp Luật TP.HCM đã đặt lịch và gửi nội dung làm việc tới TAND Tối cao về vụ việc trên từ nhiều tháng nay và nhiều lần gọi hỏi nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi nào. 

Diễn tiến vụ việc

Ngày 19-11-2015, ông Điện và Khang bị bắt quả tang buôn bán 25,3 kg pháo nổ. TAND tỉnh Nam Định sau đó xét xử và tuyên phạt mỗi người 12 tháng tù về tội buôn bán hàng cấm.

Ra tù, ông Điện phát hiện thời điểm mình bị bắt, theo Luật Đầu tư năm 2014 thì kinh doanh pháo nổ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện chứ không phải là hành vi cấm đầu tư. Tức người buôn bán pháo nổ sẽ không bị xử lý hình sự và chỉ bị xử phạt hành chính.

Hai ông nhiều lần đến TAND tỉnh Nam Định kêu oan, yêu cầu xin lỗi và bồi thường nhưng đều không được chấp nhận.

Ngày 12-3-2018, quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội đã hủy bản án của TAND tỉnh Nam Định, tuyên bố hai ông không phạm tội và đình chỉ vụ án.

Theo quyết định giám đốc thẩm, theo Luật Đầu tư 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư năm 2014, từ ngày 1-7-2015 đến 1-1-2017, không xác định pháo nổ là hàng cấm và không xử lý hình sự đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ trong nội địa quy định tại Điều 155 BLHS 1999.

Vì vậy hành vi buôn bán 25,289 kg pháo nổ của ông Điện và ông Khang vào ngày 19-11-2015 không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng phải được xử lý theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do đó chuyển vụ việc cho cơ quan xử lý vi phạm hành chính để xử phạt theo thẩm quy định.

Nhận được quyết định giám đốc thẩm, hai ông tiếp tục yêu cầu TAND tỉnh Nam Định bồi thường oan nhưng vẫn không được chấp nhận. Cả hai khởi kiện ra TAND TP Nam Định cũng bị trả lại đơn.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia hình sự khẳng định có cơ sở để hai ông Điện và Khang yêu cầu bồi thường oan.

Trong đó, ông Võ Văn Thêm, nguyên Phó viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM, cho rằng quyết định giám đốc thẩm đã tuyên hai ông không phạm tội và đình chỉ vụ án. Quyết định này sau đó có hiệu lực pháp luật, không bị xem xét lại, do đó bất kỳ cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào cũng phải chấp hành.

Từ đó có cơ sở thể hiện hai ông Điện và Khang bị xét xử oan sai. Hai ông này có quyền yêu cầu cơ quan tố tụng đã làm oan mình bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm