Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, ngày 21-5 tới đây TAND TP Tuy Hòa (Phú Yên) sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án cố ý gây thương tích xảy ra cách đây bảy năm tại xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa.
Vụ án này được đưa ra xét xử sau gần bốn năm điều tra lại. Lần này, tòa triệu tập anh Nguyễn Thanh Tùng (29 tuổi, ngụ xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, Phú Yên) với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trước đây, Tùng từng là bị cáo của vụ án này.
Đánh nhau từ chuyện không đâu
Cáo trạng của VKSND TP Tuy Hòa ban hành hồi tháng 3-2016 xác định: Chiều 6-6-2013, Nguyễn Thanh Tùng cùng nhóm bạn địa phương tổ chức ăn nhậu. Trong lúc nhậu, có người nói “Ở thôn Sơn Thọ, xã Hòa Kiến có ông sửa xe nói trai thôn Long Phụng qua chơi là “kết” lắm!”. Cả nhóm bèn kéo nhau đến đó “xem thử”.
Khi đến tiệm sửa xe của Đỗ Văn Đông ở thôn Sơn Thọ, một thanh niên trong nhóm của Tùng hỏi Đông: “Sao mấy thằng ở thôn Long Phụng qua chơi, mấy ông đánh miết vậy?”. Nghe vậy, Đông bỏ chạy. Đỗ Minh Tuấn (anh họ Đông) vào tiệm sửa xe lấy tuýp sắt ra đánh Tùng một cái trúng vào tay làm Tùng bị thương nhẹ. Tùng ôm Tuấn ngã xuống, làm rơi tuýp sắt. Sau đó, Tuấn bị các thanh niên đi cùng với Tùng đánh, gây thương tích 33%.
Ngoài ra, Đông dùng rựa đuổi đánh một thanh niên trong nhóm của Tùng gây thương tích 14%.
Sau thời gian điều tra, ngày 24-3-2014, Công an TP Tuy Hòa khởi tố Tùng về tội cố ý gây thương tích. Bốn ngày sau, Tùng bị bắt tạm giam. 14 tháng sau, Tùng được tại ngoại. Hai thanh niên đi cùng Tùng là Nguyễn Văn Tình và Hồ Văn Nhật (cùng ngụ xã Hòa Trị) và cả Đỗ Văn Đông cũng bị khởi tố về tội danh trên.
Anh Nguyễn Thanh Tùng cho rằng mình không phạm tội. Ảnh: TẤN LỘC
Tòa từng tuyên vô tội
Trong suốt quá trình điều tra, truy tố và tại các phiên tòa, Tùng đều cho rằng mình không phạm tội. Tùng khai do bị Tuấn dùng tuýp sắt tấn công trước nên Tùng mới ôm vật ngã Tuấn để phòng vệ.
TAND TP Tuy Hòa từng ba lần mở phiên xử nhưng đều trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Những lần ấy tòa đều yêu cầu điều tra để xác định Tùng có hành vi cố ý gây thương tích với vai trò đồng phạm hay chỉ phòng vệ chính đáng.
Tại phiên tòa hồi tháng 6-2016, TAND TP Tuy Hòa nhận định: Hành vi của Tùng mang tính chất phòng vệ chính đáng, thật sự cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự của mình. Do đó, tòa không đủ căn cứ để kết luận Tùng phạm tội như cáo trạng đã quy kết.
Từ đó, HĐXX đã tuyên bố Tùng không phạm tội cố ý gây thương tích. Các bị cáo còn lại bị tòa phạt từ hai năm đến hai năm sáu tháng tù, riêng bị cáo Đông bị phạt một năm sáu tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Đổi tội danh rồi đình chỉ bị can
Xử phúc thẩm hồi tháng 12-2016, TAND tỉnh Phú Yên nhận định: Cấp sơ thẩm chưa điều tra làm rõ để xác định khi Tình, Nhật đánh Đỗ Minh Tuấn thì Tùng có nhìn thấy hay không? Tư thế của Đỗ Minh Tuấn lúc bị đánh như thế nào? Có hoàn toàn bị Tùng khống chế hay hai bên giằng co nhau thì bị đánh? Tòa phúc thẩm cho rằng những tình tiết này chưa được làm rõ thì chưa đủ căn cứ vững chắc để tuyên Tùng không phạm tội.
TAND tỉnh nêu: Những thiếu sót trong quá trình tố tụng, tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu điều tra bổ sung. Việc cơ quan điều tra thực hiện không đầy đủ, dẫn đến cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Do đó, TAND tỉnh tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Sau ba năm điều tra lại, tháng 12-2019, Cơ quan CSĐT Công an TP Tuy Hòa ban hành quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thanh Tùng. Theo đó, Tùng bị khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng thay cho tội cố ý gây thương tích.
Đến ngày 4-2-2020, Cơ quan CSĐT Công an TP Tuy Hòa ban hành quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Nguyễn Thanh Tùng. Lý do đình chỉ: Trong quá trình điều tra vụ án, do có sự thay đổi về chính sách pháp luật nên hành vi phạm tội gây rối trật tự công cộng của bị can Nguyễn Thanh Tùng không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Do đó, bị can Nguyễn Thanh Tùng được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong khi đó, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND TP Tuy Hòa, ba bị can Nguyễn Văn Tình, Hồ Văn Nhật, Đỗ Văn Đông vẫn bị VKSND TP Tuy Hòa truy tố tội cố ý gây thương tích.
Cơ quan điều tra Công an TP Tuy Hòa đình chỉ sai luật? Trong vụ này, cơ quan điều tra (CQĐT) Công an TP Tuy Hòa (Phú Yên) đình chỉ điều tra bị can đối với anh Tùng về tội gây rối trật tự công cộng với lý do: “Trong quá trình điều tra vụ án, do có sự thay đổi về chính sách pháp luật nên hành vi phạm tội gây rối trật tự công cộng của bị can Nguyễn Thanh Tùng không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”. Điều 318 BLHS 2015 (tội gây rối trật tự công cộng) quy định theo hướng bất lợi hơn cho người phạm tội so với tội này ở Điều 245 BLHS 1999. Bộ luật Hình sự 1999 quy định hậu quả bắt buộc là phải gây hậu quả nghiêm trọng, còn BLHS 2015 quy định chỉ cần ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội là đã cấu thành tội phạm. Vì vậy, trong danh mục một số quy định có lợi cho người phạm tội trong BLHS 2015 (ban hành kèm theo Công văn số 276 ngày 13-9-2016 của TAND Tối cao) không có tội danh gây rối trật tự công cộng. Do đó, việc CQĐT vận dụng điểm a khoản 1 Điều 29 BLHS 2015 để đình chỉ điều tra bị can đối với anh Tùng là không đúng nội dung, tinh thần của quy định này. Bởi chính sách pháp luật thay đổi theo hướng tăng tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi gây rối trật tự công cộng chứ không thay đổi theo hướng giảm nhẹ hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự của hành vi gây rối trật tự công cộng. Hơn nữa, hai bản án của hai cấp tòa trước đây đều không nói đến dấu hiệu gây rối trật tự công cộng. Bản án phúc thẩm lần 1 chỉ yêu cầu điều tra làm rõ anh Tùng có đồng phạm về hành vi cố ý gây thương tích hay không. Nếu qua điều tra, không có hoặc không đủ căn cứ chứng minh anh Tùng đồng phạm về tội cố ý gây thương tích, hành vi của anh Tùng được xác định là phòng vệ chính đáng thì CQĐT phải đình chỉ điều tra bị can đối với anh Tùng về tội cố ý gây thương tích (với lý do hành vi không cấu thành tội phạm). Vì vậy, việc CQĐT thay đổi tội danh và đình chỉ điều tra bị can đối với anh Tùng với lý do nói trên là không đúng pháp luật. Luật sư NGUYỄN VĂN DŨ, Đoàn Luật sư TP.HCM HOA THI ghi |