Thật thà khai báo thành ra tăng nặng
Tại buổi sơ kết, đại diện ngành tòa án các tỉnh, thành khu vực phía Nam đã trình bày những khó khăn, bất cập trong công tác xét xử ở địa phương.
Phó Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng - bà Hoàng Thị Minh Hương cho biết đã nêu một số vấn đề vướng mắc trong việc áp dụng tình tiết tự thú để giảm nhẹ cho bị cáo trong các vụ mua bán trái phép chất ma túy.
Theo bà Hương, mặc dù tội phạm ma túy ở Lâm Đồng không nhiều như các TP lớn khác nhưng trong quá trình xét xử, tòa xét thấy có nhiều vấn đề bất cập. Ví dụ như đối tượng mua bán ma túy bị bắt quả tang có một lần nhưng trong quá trình điều tra, đối tượng khai ra nhiều lần nữa và được công an điều tra xác minh rõ đối tượng này đã nhiều lần bán ma túy, thành tình tiết định khung, lên khung thành tình tiết phạm tội nhiều lần.
“Qua các đợt tập huấn thì TAND Tối cao cũng cho phép áp dụng tình tiết tự thú để làm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Bị cáo ra tòa cũng nói cơ quan điều tra khuyên hãy thật thà khai báo để được Nhà nước khoan hồng nhưng vì thật thà khai báo mới lên khung hình phạt. Chúng tôi rất lăn tăn vấn đề này”.
Phó Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng - bà Hoàng Thị Minh Hương phát biểu.
Giải đáp về vấn đề này, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho rằng: Theo quy định, thực hiện hai lần là phải định khung, còn việc áp dụng tình tiết tự thú thì theo quy định pháp luật. “Khai ra thì xử như thế còn nếu không khai mà cơ quan chứng minh được thì cũng xử thế thôi. Cái các đồng chí băn khoăn ở đây là nếu họ không khai ra thì không chứng minh được. Nhưng đây là thuộc về nghiệp vụ quá trình điều tra khai thác để đối tượng khai ra”.
Cấp ủy chỉ đạo xử sai thì làm thế nào?
Bên cạnh đó, đại diện ngành tòa án Lâm Đồng cũng có ý kiến về việc đưa các vụ án ra xét xử lưu động. Mặc dù TAND Tối cao chưa có chỉ đạo ngừng xét xử lưu động nhưng đa số địa phương nghĩ rằng đã dừng. Riêng cấp ủy Lâm Đồng rất quan tâm và yêu cầu phải xử lưu động và sẵn sàng chi tiền để xét xử lưu động. Việc Tòa Tối cao đưa ra chỉ tiêu một năm phải xét xử lưu động đã gây áp lực cho thẩm phán.
“Đôi khi tòa án cấp huyện không có vụ án nào đáng để đưa đi xét xử lưu động nhưng vì chỉ tiêu phải đưa đi xét xử lưu động dẫn đến án xử lưu động không có sự chọn lựa, có những vụ án rất đơn giản vì thế tác dụng phòng ngừa tội phạm không thuyết phục. Vì thế chúng tôi đề nghị TAND Tối cao không đưa chỉ tiêu xét xử lưu động nhưng vẫn giữ công tác xét xử lưu động” - Phó Chánh án Hương đề nghị.
Giải đáp, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết: Các ý kiến về vấn đề xét xử lưu động thì Tòa Tối cao đang nghiên cứu và sẽ có chỉ đạo loại án nào cần phải xử lưu động và xét xử như thế nào.
Quang cảnh buổi sơ kết.
Cũng tại đây, một số địa phương trình bày khó khăn khi xét xử theo chỉ đạo của cấp ủy. Theo Chỉ thị 15 thì một số vụ án phải báo với cấp ủy để xin đường lối chỉ đạo. Vậy nếu chỉ đạo của cấp ủy không đúng pháp luật thì tòa phải chấp hành hay phải xin ý kiến Tòa Tối cao và nếu xử theo chỉ đạo của cấp ủy mà sai thì như thế nào.
Về việc này, ông Tuệ nói: “Chỉ thị 15 là phải tuân theo rồi nhưng đừng đổ lỗi cho Đảng. Cấp ủy không ai buộc các đồng chí phải xử bao nhiêu năm, có tội hay không có tội, vấn đề các đồng chí phải phân tích cho họ biết có tội hay không có tội, đề nghị xử bao nhiêu năm. Đồng thời phải báo cáo là chuẩn bị xử vụ nào, mức án đề nghị ra sao và dĩ nhiên phải theo pháp luật. Nếu có sự can thiệp nào đó mà các đồng chí xử sai thì các đồng chí phải chịu trách nhiệm đầu tiên, Vũng Tàu là một bài học”.