'Tôi mang tiếng là em ông Triệu Tài Vinh từ bao năm nay'

Chiều 18-10, sau năm ngày xét xử vụ gian lận điểm kỳ thi THPT quốc gia 2018, TAND tỉnh Hà Giang tuyên bố nghị án kéo dài, dự kiến sẽ tuyên án vào ngày 25-10.

"Tôi lên giám đốc sở ông Triệu Tài Vinh có biết đâu"

Tại tòa ngày 18-10, cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT Triệu Thị Chính, bị cáo duy nhất kêu oan, đã tự bào chữa cho mình. Bà Chính bị truy tố và đưa ra xét xử về tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn gây ảnh hưởng tới người khác để trục lợi. “Hôm nay tôi đứng đây, dù tòa tuyên tội tôi như thế nào, tôi cũng ngẩng cao đầu nói với toàn nước Việt Nam: Tôi không phạm tội” - bà Chính nghẹn ngào nói.

“Tất cả những người nhắn tin cho tôi, tôi không liên hệ với bất kỳ người nào. Các tin nhắn tôi trả lời, nếu có, thì chỗ nào thể hiện tôi nhận hoặc đòi lợi ích vật chất hoặc phi vật chất? Nếu không chứng minh được điều này thì sao lại buộc tội tôi” - bà Chính nói và đồng thời khẳng định bà đã hết tuổi bổ nhiệm.

Toàn cảnh phiên tòa. Ảnh: ĐỨC MINH

“Có cả những điều tế nhị trước kỳ thi. Thầy Sử (Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Văn Sử, đã nghỉ hưu), thầy Bình nói “Chị hết nhiệm kỳ bổ nhiệm rồi, năm nay căng thẳng lắm, chị làm giúp em” hay “Cô làm giúp tôi, tôi sắp nghỉ hưu rồi”" - bà Chính nhớ lại.

“Nếu có, tôi phải nhận lợi ích từ bảy người nhờ tôi qua ông Vũ Văn Sử, chứ tôi không nhận từ ông Triệu Tài Vinh. Tôi mang tiếng là em ông Triệu Tài Vinh từ bao năm nay nhưng tôi lên hiệu trưởng, tôi lên giám đốc sở ông Triệu Tài Vinh có biết đâu?” - bà Chính gay gắt nói và khẳng định ông Vũ Văn Sử chưa bao giờ hứa cho bà lợi ích phi vật chất, khi mà sau kỳ thi tốt nghiệp, ông Sử sẽ nghỉ hưu.

Cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT nhận sai khi đưa danh sách 13 thí sinh nhờ bị cáo Nguyễn Thanh Hoài xem điểm môn ngữ văn nhưng bà Chính khẳng định bà không phạm tội, không làm gì khuất tất.

Các luật sư của bà Chính cũng khẳng định thân chủ mình vô tội. Luật sư cũng đề nghị mở cuộc điều tra chứng minh có yếu tố vụ lợi trong vụ án hay không, nếu cơ quan tố tụng Hà Giang không đủ năng lực thì chuyển cơ quan có thẩm quyền.

“Thương các cháu Hà Giang mình”

Tranh luận lại, đại diện VKS khẳng định Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang vẫn đang tiếp tục điều tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý theo quy định pháp luật. “Chúng tôi khẳng định vụ án này không dừng lại ở đây. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục điều tra, xử lý” - đại diện VKS nói.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: ĐỨC MINH

Về vấn đề “lợi ích phi vật chất”, đại diện VKS dẫn chính lời bào chữa của luật sư bà Chính: “Việc nhờ xem điểm là món quà thầm kín để thân chủ tôi trong cuộc họp HĐND sắp tới có thể thông tin cho các vị lãnh đạo”. Đại diện VKS cho rằng lời này của luật sư đã khẳng định việc có “lợi ích phi vật chất” hay không?

VKS cũng khẳng định trong danh sách 13 thí sinh, có hai thí sinh là người thân của bị cáo Chính. Như vậy, nếu nâng điểm trót lọt, bị cáo Chính cũng “được lợi”, anh em người thân của bị cáo Chính cũng được lợi, từ đó làm ảnh hưởng đến sự công bằng của những thí sinh khác.

Đại diện VKS cũng cung cấp những “chứng cứ vật chất” khẳng định bà Chính đưa danh sách cho bị cáo Nguyễn Thanh Hoài để “nhờ nâng điểm” chứ không phải “nhờ xem điểm”. Đáng chú ý là nội dung các tin nhắn từ số điện thoại của bà Chính.

Nội dung tin nhắn đầu tiên là của bà Nga, Sở Tài chính (theo luật sư đây là vợ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn). Theo đó, bà Nga (số máy 0912.437.xxx) nhắn tin cho bà Chính với nội dung: “Mình là Nga, ở Sở Tài chính. Mình có đứa cháu thi 12 vừa rồi. Bạn giúp mình với nhé”. Bà Nga sau đó nhắn tin họ tên thí sinh, ngày sinh, số CMND, môn thi toán - văn - ngoại ngữ, số phòng thi.

“Bạn thông cảm nhé, vì đang trong thời gian chấm bài mình cũng không dám gọi điện mà chỉ nhắn tin thôi. Cám ơn bạn nhiều” - bà Nga nhắn tiếp.

Các bị cáo Chính, Lương, Hoài. Ảnh: ĐỨC MINH

Bà Chính sau đó nhắn lại: “Hôm nay em mới đọc tin nhắn chị ơi. Vâng, em đang làm thi, tối cũng phải ăn cơm cùng đoàn thanh tra Bộ… Em sẽ cố gắng xem xét môn thi tự luận, khó khăn lắm chị ạ. Thương các cháu Hà Giang mình nhưng quy chế chặt, thanh tra, giám sát liên tục, lại chấm bằng máy nữa nên không thể làm gì được. Có gì chị thông cảm và chia sẻ với em nhé!”.

Bà Nga nhắn tin trả lời: “Chị cám ơn nhé. Em cứ xem xét giúp được đến đâu hay đến đó em nhé…”.

“Dạ, em cám ơn chị. Em sẽ cố gắng trong khả năng” - bà Chính nhắn lại.

Một “chứng cứ vật chất” khác được VKS công bố là nội dung tin nhắn của bà Chính với bà Chúng Thị Chiên (Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang). “Chị có ở cơ quan không hay đi công tác?” - bà Chiên nhắn. Bà Chiên sau đó tiếp tục nhắn họ tên con gái bà, số báo danh kèm nội dung “Cám ơn chị nhiều”.

“Chị nhắn cho em số phòng thi của cháu và môn tổ hợp là khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội nhé” - bà Chính nhắn lại.

“Nội dung tin nhắn đọc thế này tất cả luật sư hiểu là chỉ nhờ xem điểm hay thế nào? Còn chúng tôi khẳng định đây không phải nhờ xem điểm mà là nhờ nâng điểm” - VKS kết luận.

Kết thúc phần tranh luận, chủ tọa Vương Thị Thu Hà cho biết HĐXX sẽ nghị án kéo dài và tuyên án vào 8 giờ ngày 25-10.

Các bị cáo nói lời sau cùng

Là người đầu tiên nói lời sau cùng, cựu trưởng Phòng khảo thí Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang Nguyễn Thanh Hoài thừa nhận cáo trạng VKS truy tố ông là đúng người, đúng tội. "Máy tính của tôi đang bị thu giữ có nhiều đề thi và gia phả. Tôi xin copy để cho con tôi được biết về gia phả" - bị cáo nói.

Bị cáo Vũ Trọng Lương (cựu phó trưởng Phòng khảo thí) nói mình đã nhận thức rõ được hành vi phạm tội, bản thân đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. "Bị cáo xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân tỉnh Hà Giang, xin lỗi bố mẹ, người thân, bạn bè" - Vũ Trọng Lương một lần nữa bày tỏ sự ân hận và mong được nhận bản án thấp nhất để có cơ hội làm lại từ đầu.

“Khi xảy ra sự việc, là một nhà giáo, tôi vô cùng đau xót” - cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT Triệu Thị Chính bày tỏ. Bà Chính nói dù việc 107 thí sinh Hà Giang được nâng điểm vượt khỏi sự kiểm soát của bà nhưng lúc đó với cương vị phó giám đốc, bà đã nhận trách nhiệm về mình.

Bà Chính cũng nhận sai khi đưa danh sách 13 thí sinh cho Nguyễn Thanh Hoài để nhờ xem điểm. "Tôi xin lỗi lãnh đạo tỉnh, ngành giáo dục và nhân dân tỉnh Hà Giang. Tôi sẵn sàng chịu kỷ luật trong ngành nhưng tôi khẳng định tôi không phạm tội" - bà Chính nói tại tòa.

Nói lời sau cùng, cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Văn Khuông cũng gửi lời xin lỗi Đảng, nhân dân, người thân và gia đình vì sai lầm của bản thân. Ông Khuông cám ơn HĐXX đã đánh giá, xem xét các sai phạm và chỉ ra những thiếu sót trong cuộc sống và công việc của bị cáo.

"Gần 40 năm công tác, tôi không nghĩ sẽ phải nhận cái kết cay đắng như thế này" - bị cáo nói và cho rằng mình đã thiếu kiến thức pháp luật, thiếu sự thận trọng, cảnh giác. Ông Khuông cũng mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để tuổi già được thanh thản.

Bà Lê Thị Dung (cựu cán bộ Công an tỉnh Hà Giang) đồng ý với truy tố của VKS và mong tòa giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội sửa sai, chữa bệnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm