Tổng Bí thư: Chấn chỉnh tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai

(PLO)- Thường trực Ban chỉ đạo yêu cầu tập trung thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, chấn chỉnh tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, làm việc cầm chừng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 10-5, Ban Nội chính Trung ương - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (BCĐ) đã thông tin tới các cơ quan báo chí về kết quả cuộc họp thường trực BCĐ do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì sáng cùng ngày.

Ban Nội chính Trung ương thông tin kết quả cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: PHƯỚC.H

Ban Nội chính Trung ương thông tin kết quả cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: PHƯỚC.H

Sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Tài liệu phát ra cho thấy tại cuộc họp này, Thường trực BCĐ đã lần đầu tiên xác định nhiệm vụ ưu tiên là “chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”.

Các biểu hiện nêu trên được nhận diện là một biểu hiện của tiêu cực, gây nhiều hệ lụy xấu, làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì vậy cần tập trung chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng này.

Nhiệm vụ này được đặt ở vị trí số 1 trong các nhóm nhiệm vụ mà Thường trực BCĐ yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chức năng triển khai trong thời gian tới, với tinh thần đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) “kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Thường trực BCĐ giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo tổ chức kiểm tra, thanh tra xử lý nghiêm một số trường hợp người đứng đầu về trách nhiệm chính trị trong việc để xảy ra việc đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng ở đơn vị, địa phương mình qua đó răn đe, chấn chỉnh các biểu hiện tiêu cực này.

Đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm... là một biểu hiện của tiêu cực, cần tập trung chấn chỉnh, khắc phục ngay.

Từ chức và cho từ chức là cách làm mới, nhân văn

Thông tin về kết quả cuộc họp, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết Thường trực BCĐ đã đánh giá về những kết quả mới khi xem xét, xử lý trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, đã có những vị lãnh đạo từ chức và được Đảng xem xét cho từ chức vì lý do trách nhiệm.

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá đây là cách làm mới, nhân văn” - ông Dũng chia sẻ.

Trong cuộc họp, Thường trực BCĐ cũng đánh giá một số tồn tại, hạn chế trong công tác PCTNTC. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm có băn khoăn là các cơ quan bảo vệ pháp luật làm nghiêm vậy mà đối tượng tham nhũng vẫn chưa biết sợ, vẫn ngang nhiên vi phạm. Nguyên nhân một phần do công tác khắc phục sơ hở, lỏng lẻo trong chính sách còn chậm.

Về tình trạng đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định có đề cập hiện tượng văn bản lòng vòng, địa phương đùn đẩy, cứ đụng việc là hỏi các cơ quan trung ương, còn cơ quan trung ương thì chậm trả lời hoặc trả lời chung chung.

Năm tháng, kỷ luật hơn 100 tổ chức Đảng, hơn 3.600 đảng viên

Từ tháng 1-2023 đến nay, các cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 100 tổ chức Đảng, hơn 3.600 đảng viên. Trong đó, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý kỷ luật 12 tổ chức Đảng, 26 cán bộ từ cấp giám đốc sở và tương đương trở lên.

Trong số này có một nguyên ủy viên Trung ương Đảng, ba chủ tịch, nguyên chủ tịch UBND cấp tỉnh, hai sĩ quan cấp tướng. Các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đã chuyển 137 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 232 tập thể và 1.146 cá nhân.

Tổng Bí thư yêu cầu “bốn hơn, ba không”

Kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh công tác PCTNTC thời gian tới cần thấm nhuần tinh thần “bốn hơn, ba không”: Tích cực hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn; không đùn đẩy, không né tránh, không đổ lỗi khách quan.

Người đứng đầu BCĐ cũng yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, hoàn thiện thể chế, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý từ sớm, từ xa. Tăng cường kiểm tra, xử lý suy thoái tiêu cực, vi phạm đạo đức, lối sống. “Tổng Bí thư nói để xảy ra mới xử lý là thất sách. Cần phải phòng ngừa, xử lý từ khi vi phạm nhỏ, không xảy ra vi phạm lớn” - Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng thuật lại.

Đáng chú ý, từ kinh nghiệm chỉ đạo xử lý vụ án Việt Á, Thường trực BCĐ đã cho ý kiến về chủ trương phân loại xử lý các đối tượng trong vụ án đăng kiểm. Cơ chế phân hóa xử lý, làm sao xử lý nghiêm kẻ chủ mưu cầm đầu, người cố tình vi phạm, tham nhũng nhưng có cơ chế khoan hồng, xử lý phù hợp với đối tượng đăng kiểm viên, người làm công ăn lương. Việc này được giao cho VKSND Tối cao tham mưu xây dựng cơ chế cụ thể.

Chia sẻ thêm với Pháp Luật TP.HCM, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết dù đã có chủ trương, xây dựng thành cơ chế phân hóa xử lý đối tượng trong vụ án Việt Á nhưng không thể lấy cơ chế ấy để áp dụng cho chùm vụ án đăng kiểm.

“Tính chất hai vụ khác nhau nên không thể dùng chung. Tuy nhiên, thực tế xử lý vừa qua, cơ quan tố tụng các địa phương đã mạnh dạn áp dụng các quy định pháp luật hiện hành, chính sách nhân đạo, nhân văn khi xử lý sai phạm ở các trung tâm đăng kiểm. Qua đó đã hạn chế phần nào tác động không mong muốn tới hoạt động của hệ thống đăng kiểm” - ông Yên nói.

Khôi phục xử lý các vụ việc có đối tượng bỏ trốn

Ngoài các nội dung nêu trên, ông Đặng Văn Dũng cho biết tại cuộc họp này, Thường trực BCĐ đã thống nhất yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng khôi phục xử lý các vụ án có đối tượng bỏ trốn, vì vậy mà đình chỉ điều tra. Trên cơ sở tiền lệ xét xử vụ án AIC có nhiều bị can bỏ trốn, các vụ án trước đây sẽ được nghiên cứu, xử lý với tinh thần là đối tượng sai phạm “chạy trời, đi nước ngoài” cũng không thoát trách nhiệm được.

Về một số nội dung khác, Thường trực BCĐ quyết định thành lập năm đoàn kiểm tra để kiểm tra, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế về việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về PCTNTC. “Kiểm tra để trả lời câu hỏi vì sao chủ trương, chính sách về PCTNTC như vậy, xử lý nghiêm như vậy mà tham nhũng, tiêu cực vẫn xảy ra” - ông Dũng cho biết.

Ngoài ra, cùng với việc khẳng định tính đúng đắn của chủ trương thành lập BCĐ cấp tỉnh, thời gian tới BCĐ Trung ương sẽ tổ chức hội nghị sơ kết một năm hoạt động của BCĐ cấp tỉnh, do Tổng Bí thư chủ trì, cả tập trung và kết nối trực tuyến với địa phương.•

Xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan PCTNTC

Về các điểm mới từ sau phiên họp thứ 23 của BCĐ, Thường trực BCĐ ghi nhận kết quả PCTNTC trong chính các cơ quan có chức năng PCTNTC.

Theo đó, đã khởi tố, điều tra hai thiếu tướng đã nghỉ hưu trong lực lượng vũ trang, 14 cán bộ thanh tra, giám sát của các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, 12 cán bộ thanh tra các địa phương…

Ở mảng kết quả này, chỉ riêng tỉnh An Giang đã có 12 cán bộ là viện trưởng, phó viện trưởng VKSND cấp huyện, trưởng phòng, trưởng công an một số huyện, TP bị xử lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm