BẾ MẠC HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 8 KHÓA XIII

Tổng Bí thư: Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược 'phải có con mắt tinh đời'

(PLO)- Tổng Bí thư cho biết việc xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược khóa XIV phải được làm từng bước, từng việc, chắc chắn và chặt chẽ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-10, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XIII đã bế mạc sau bảy ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và đầy tinh thần trách nhiệm.

Quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt là bước cuối

Phát biểu bế mạc tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết trung ương ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo đã công phu, nghiêm túc chuẩn bị tờ trình và dự kiến quy hoạch BCH Trung ương Đảng khóa XIV có chất lượng.

Tờ trình và dự kiến quy hoạch có sự kế thừa, bổ sung, phát triển đúng đắn, phù hợp về cách làm và bài học kinh nghiệm có được từ các nhiệm kỳ trước, đặc biệt là nhiệm kỳ khóa XIII. “Đây là một việc làm hết sức quan trọng và cần thiết” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

p5-anh chinh.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN

Cũng theo Tổng Bí thư, trung ương yêu cầu ngay sau hội nghị này, căn cứ vào kết quả giới thiệu của trung ương, sự rà soát, thẩm định của Ban Chỉ đạo, các ban Đảng trung ương và các cơ quan chức năng, Bộ Chính trị sớm xem xét, quyết định một bước quy hoạch BCH Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026-2031, làm cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát đối với những cán bộ đã được đưa vào quy hoạch.

Thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng

Tại hội nghị, trung ương đã thảo luận và thống nhất quyết định thành lập năm tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng. Cụ thể là Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Điều lệ Đảng và Tiểu ban Tổ chức phục vụ đại hội.

Tổng Bí thư yêu cầu các tiểu ban cần khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch để sớm đi vào hoạt động, bảo đảm chất lượng và hiệu quả.

Nếu phát hiện có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì phải kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch. Đồng thời tiếp tục xem xét, phân tích kỹ lưỡng chất lượng, cơ cấu, thành phần trên các lĩnh vực công tác để kịp thời phát hiện, kiến nghị, giới thiệu bổ sung quy hoạch, báo cáo Bộ Chính trị trình trung ương xem xét ở các hội nghị sau.

“Đây là bước khởi đầu quan trọng của quá trình xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ khóa XIV với tinh thần là phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ” - Tổng Bí thư khẳng định và cho hay quy hoạch xong BCH Trung ương mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sau đó mới đến quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt.

Đừng “thấy đỏ tưởng là chín”, có khi “xanh vỏ mà đỏ lòng”

Người đứng đầu Đảng yêu cầu xác định quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là công việc rất hệ trọng của Đảng được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và tuyệt đối của BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Việc quy hoạch cần thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, các cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu theo đúng quy định; bảo đảm quy trình chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch. Quy hoạch phải coi trọng chất lượng gắn với cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.

Ông cũng lưu ý cần tạo sự đồng bộ, tổng thể, liên thông trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; gắn kết với công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ và công tác chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ tới.

“Lấy quy hoạch BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước làm cơ sở cho công tác nhân sự BCH Trung ương Đảng tại Đại hội lần thứ XIV của Đảng” - Tổng Bí thư nói và khẳng định công tác cán bộ là công tác con người, hết sức quan trọng nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm. Do đó, việc này đòi hỏi phải rất công tâm, khách quan, trong sáng, đặc biệt là phải có con mắt tinh đời, đừng “nhìn gà hóa cuốc”, đừng “thấy đỏ tưởng là chín”, có khi “xanh vỏ mà đỏ lòng”.

Dự báo tăng trưởng 2023 khoảng trên 5%

Tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội…

Theo đó, trong chín tháng năm 2023, kinh tế nước ta tiếp tục có nhiều điểm sáng, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế và công nghiệp từng bước được phục hồi, GDP tăng 4,24%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,16%, giải ngân vốn đầu tư công tăng gần 5% với khoảng 110.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước, nhiều dự án, công trình xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng cho đất nước được khởi công xây dựng...

Dự báo đến hết năm 2023, tăng trưởng GDP của cả nước đạt khoảng trên 5%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; thu ngân sách nhà nước có thể đạt, thậm chí vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra...

Tổng Bí thư nêu rõ thời gian tới, kinh tế thế giới nói riêng và tình hình quốc tế nói chung có thể sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức mới. Trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, chúng ta tiếp tục phải đối mặt với không ít những hạn chế, yếu kém và nhiều khó khăn, thách thức lớn.

Trong những tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024, Tổng Bí thư yêu cầu cần tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả các chủ trương, chính sách và mục tiêu, nhiệm vụ đã được trung ương thảo luận kỹ lưỡng và thống nhất đề ra trong kết luận của hội nghị lần này.

Cùng với đó, tập trung ưu tiên thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục theo dõi sát tình hình quốc tế và trong nước để kịp thời có những quyết sách phù hợp, hiệu quả; phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023 và cả nhiệm kỳ khóa XIII.

“Ban cán sự Đảng Chính phủ cần khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của trung ương để hoàn chỉnh các tờ trình, báo cáo, bảo đảm chất lượng, sát hợp với thực tế và có tính khả thi cao trình Quốc hội xem xét, quyết định” - Tổng Bí thư nêu.

Lấy “yên dân” là nhân tố quyết định mọi thắng lợi

Tổng Bí thư cho hay trung ương đã nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Nghị quyết có nhiều nội dung kế thừa và đổi mới, bổ sung, phát triển quan trọng so với Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI. Trong đó tập trung vào đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cách tiếp cận cũng được điều chỉnh, từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội.

Tổng Bí thư khẳng định chính sách xã hội là chính sách đối với con người, vì con người, xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải luôn lấy con người làm trung tâm. Chính sách xã hội phải hướng tới toàn dân, bảo đảm toàn diện, công bằng, hiện đại, bao trùm, bền vững.

Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt nghị quyết mới của trung ương về nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng này.

Luôn luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. “Dựa vào dân, lấy “dân làm gốc”, khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống văn hóa, yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân”, lấy “yên dân” là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Hội nghị cũng thống nhất cao rằng trong bối cảnh tình hình mới và yêu cầu, nhiệm vụ mới đòi hỏi phải ban hành nghị quyết mới của trung ương về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà, bồi đắp nguyên khí quốc gia vững mạnh hơn nữa, đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm