Sáng 29-9, HĐND TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học "Quảng cáo trên địa bàn thành phố: Thực trạng, giải pháp và kinh nghiệm quốc tế".
Mở đầu hội thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ chia sẻ với nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, dân cư đông đúc, mức độ tiêu dùng sản phẩm đứng đầu cả nước, TP.HCM đang trở thành địa chỉ vàng cho các doanh nghiệp triển khai chiến dịch truyền thông quảng bá thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ của mình.
Bà Nguyễn Thị Lệ đánh giá ngành quảng cáo đã trở thành một ngành công nghiệp quan trọng vì các sản phẩm, dịch vụ được tung ra thị trường ngày càng nhiều, đa dạng, chức năng tương đồng, giá thành cạnh tranh.
Theo bà Lệ, hoạt động quảng cáo trên địa bàn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong xử lý sai phạm chưa được làm rõ.
Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo dù có thực hiện nhưng chưa quyết liệt, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp vi phạm nhiều lần, không chấp hành các nội dung xử phạt nhưng chưa có biện pháp xử lý phù hợp.
Công tác cấp phép và quản lý hoạt động quảng cáo chưa được công khai, minh bạch. Việc quản lý nguồn thu từ quảng cáo chưa chặt chẽ gây thất thoát, lãng phí nguồn ngân sách nhà nước.
Vì vậy, bà Lệ cho rằng cần có những nhóm giải pháp hoàn chỉnh, cân bằng giữa lợi ích xã hội, doanh nghiệp và nhà nước để giải quyết thực trạng này. Thậm chí, cần thiết phải học hỏi, vận dụng những kinh nghiệm quốc tế để đưa hoạt động quảng cáo trở thành một trong những ngành công nghiệp văn hoá trọng điểm của TP.HCM.
Tham luận tại hội thảo, TS Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Văn hóa và Xã hội - HĐND TP.HCM, cho biết tính đến tháng 3-2023, toàn TP.HCM có 300.044 biển hiệu, bảng quảng cáo.
Chính quyền địa phương đã kiểm tra, khảo sát là 47,8% biển hiệu, bảng quảng cáo. Trong đó có 17% vi phạm các quy định với tổng số tiền xử phạt hơn 24,3 tỉ đồng.
Dựa trên các con số này, TS Nguyễn Minh Nhựt ước tính số biển hiệu, bảng quảng cáo vi phạm các quy định trên địa bàn TP vào khoảng 34%.
TP.HCM cũng đã có chủ trương kiểm tra, khảo sát các biển hiệu, bảng quảng cáo ngoài trời. Dù vậy, các địa phương vẫn chưa chú trọng công tác này như quận 7 (4,7%), quận 11 (10,8%), huyện Bình Chánh (5,8%).
TS Nguyễn Minh Nhựt cho rằng cần quan tâm đúng mức để kịp thời chấn chỉnh và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trong thời gian tới góp phần nâng cao nhận thức của tổ chức cá nhân trên địa bàn TP.
Theo ông, TP.HCM cần xây dựng chiến lược, chính sách phát triển hoạt động quảng cáo trên địa bàn trong thời gian tới. Trong đó tập trung nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý hoạt động quảng cáo để nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và hậu kiểm của chính quyền địa phương.
Cần tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại TP.HCM theo các quy định. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để giúp chính quyền địa phương thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước tại cơ sở.
Thống kê, rà soát và xử lý phù hợp đối với những công trình quảng cáo ngoài trời không đúng quy hoạch và quy định. Làm rõ trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương để xảy ra những công trình quảng cáo ngoài trời không đúng quy định nhằm chấn chỉnh, xử lý, không để tiếp tục tái diễn;
Chính quyền TP cần xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa các Sở, ngành và địa phương về quản lý, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP và đặc biệt quan tâm đến công tác hậu kiểm…
Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, mỗi năm ngành quảng cáo giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động. Tính đến năm 2020, TP.HCM có hơn 6.084 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo với hơn 54.000 lao động, đóng góp khoảng 1,8% GRDP của TP .
Trong dự kiến đề án phát triển ngành quảng cáo, TP đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành này đóng góp 2,6% GRDP cho địa phương (khoảng 32.000 tỉ).