TP.HCM: Bụi PM2.5 vượt ngưỡng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người dân

(PLO)- Hàm lượng các vật chất siêu nhỏ (PM2.5) tại Hà Nội, TP.HCM hiện đang vượt quá tiêu chuẩn khuyến nghị cho sức khỏe.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 8-6, Viện Môi trường và Tài nguyên, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) và Đại học Dublin-Ireland tổ chức hội thảo quốc tế Mô hình hóa tác động của không khí ô nhiễm và biến đổi khí hậu đối với sức khỏe cộng đồng tại TP.HCM.

Xe máy chiếm phần lớn lượng phát thải ở TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Xe máy chiếm phần lớn lượng phát thải ở TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Nhiều nguyên nhân gây ÔNKK

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết, ô nhiễm không khí (ÔNKK) tiếp tục là một vấn đề lớn ở TP.HCM, Hà Nội và các TP lớn khác trên cả nước. Hàm lượng các vật chất siêu nhỏ (PM2.5) tại Hà Nội, TP.HCM hiện đang vượt quá tiêu chuẩn khuyến nghị cho sức khỏe.

ÔNKK nói chung và phơi nhiễm các vật chất siêu nhỏ nói riêng hiện nay là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các rủi ro về sức khỏe bệnh tật như bệnh về đường hô hấp, các nguy cơ dẫn đến tử vong sớm,….

PGS-TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ONKK và Biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP.HCM) đánh giá, các nguồn giao thông chiếm lượng phát thải lớn nhất đối với nhiều chất ô nhiễm. Trong đó, xe máy chiếm lượng lớn. Ngoài ra, các ngành công nghiệp cũng là nguồn phát thải cao.

"Để giảm ÔNKK, tôi đề xuất việc TP.HCM phải làm ngay là cần xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng ÔNKK của TP.HCM từ nay đến 2025, tầm nhìn đến 2030 theo yêu cầu của Bộ TN&MT. Ngoài ra, TP nên kiểm soát ngay khí thải xe gắn máy bằng cách loại bỏ những xe gắn máy cũ nát. Thực hiện ngay việc kiểm tra khí thải xe gắn máy, nếu không đạt chuẩn khí thải phải loại bỏ hoặc yêu cầu người dân duy tu, bảo dưỡng”- PGS-TS Hồ Quốc Bằng chia sẻ.

7 loại bệnh tự miễn có liên quan đến ÔNKK

Đánh giá về ảnh hưởng của ÔNKK đến sức khoẻ con người, PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan, chủ tịch hội hen suyễn, dị ứng và miễn dịch lâm sàng TP.HCM, cho rằng ÔNKK gây ra tác động nặng nề lên sức khoẻ con người, đặc biệt là trẻ em.

Hệ hô hấp là cơ quan đầu tiên chịu ảnh hưởng và đem chất ô nhiễm đi khắp cơ thể. Bệnh nhân tim mạch, hô hấp thường bị đợt cấp khi ÔNKK tăng gia tăng. Ngày nay lại phát hiện thêm bảy loại bệnh tự miễn có liên quan đến ÔNKK.

"Hơn 1.000 người tại TP.HCM chết mỗi năm là do ÔNKK, các nguyên nhân gây tử vong có liên quan ÔNKK là nhồi máu cơ tim, bệnh lý hô hấp và ung thư phổi"- PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan nói.

Tại hội thảo, TS. Ricardo Simon Carbajo - Giám đốc Trung tâm Đổi mới và Phát triển, Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo Ireland, Đại học Dublin, Ireland, đã có báo cáo về dự án ứng dụng theo dõi chất lượng không khí HealthyAIR.

Theo đó, HealthyAIR có thể đo được nhiều chất gây ÔNKK như PM2.5, CO, O3, NO2, SO2…HealthyAIR sử dụng số liệu đo liên tục từ sáu trạm quan trắc không khí tự động đặt tại TP.HCM.

HealthyAIR đưa ra các khuyến cáo, cảnh báo về chất lượng không khí cho các nhóm đối tượng có các bệnh như hen suyễn, viêm xoang, hô hấp…

Sau khi thu thập và phân tích dữ liệu ÔNKK nhóm nghiên cứu phân tích tác động ô nhiễm. Sau đó, dự án sẽ phát triển các mô hình học để dự đoán mức độ của ÔNKK đối với sức khỏe cộng đồng bằng cách phân tích sự tương quan mức độ ÔNKK trong các khoảng thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn tại TP.HCM.

“Chúng tôi sử dụng sáu trạm quan trắc để thu thập dữ liệu về sau đó phát triển trung tâm nghiên cứu về khí thải. Đồng thời, thu thập các nguồn ô nhiễm từ giao thông, dân cư…

Sau khi thu thập dữ liệu và xử lý và đưa ra những dự đoán về ONKK thông qua app, nhóm phát triển chính sách để đưa ra chính sách để làm thế nào để giảm ONKK. Dự án cũng nghiên cứu ảnh hưởng ÔNKK đến sức khoẻ và đưa ra cảnh báo...”- TS. Ricardo Simon Carbajo chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm