TP.HCM cần mạnh dạn thử nghiệm nhiều cơ chế mới

(PLO)- Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM cho rằng cần xây dựng mô hình thể chế, quản trị công ở các đô thị tập trung đến 90% GDP của cả nước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 18-10, Đoàn khảo sát nhóm 6 Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN trong 40 năm qua đã có buổi làm việc với Thành ủy TP.HCM.

P3_40-nam-tp.hcm-doi-moi.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Phó Trưởng nhóm 6 Ban Chỉ đạo tổng kết Trung ương, Trưởng đoàn khảo sát, phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: THANH THÙY

Quan tâm hơn đến quản trị đô thị

Phát biểu tại buổi làm việc, PGS-TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, nhìn nhận nước ta đang ở trong thời kỳ mà xu thế đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh. Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2025, Việt Nam có 42 triệu dân sống ở thành thị (chiếm 41%). Đến năm 2040, con số này là hơn 50%.

“Với số dân ở thành thị như thế thì câu chuyện đặt ra không chỉ là của TP.HCM, Hà Nội hay là Đà Nẵng về thực hiện mô hình chính quyền đô thị mà là mô hình thể chế, quản trị công ở những đô thị tập trung đến 90% GDP của cả nước. Toàn bộ trí tuệ, công nghệ đều tập trung ở đây” - PGS-TS Nguyễn Tấn Phát nói và cho rằng quản trị đô thị là vấn đề cần quan tâm trong thời điểm này.

PGS-TS Nguyễn Tấn Phát cũng cho rằng 40 năm qua, công cuộc đổi mới đã có những thành tựu nhất định. Dù vậy cũng cần nhìn vào thực tế để thấy các vấn đề còn tồn tại, từ đó có câu trả lời xác đáng hơn. Ông dẫn chứng ở các TP lớn cứ mưa xuống là ngập nước, kẹt xe; liệu hạ tầng bệnh viện, hệ thống các trường công lập hay mức sống hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu của người dân?...

“Đây là những câu chuyện rất đáng quan tâm để có thể định hình rõ hơn về công cuộc đổi mới trong thời gian tới” - ông Phát nhấn mạnh.

Đánh giá về những nội dung được phân cấp, giao quyền trong mô hình chính quyền đô thị ở các TP lớn, PGS-TS Nguyễn Tấn Phát cho rằng mô hình này đang vận hành theo “cơ chế xin thêm”. Do đó, cần nhanh chóng hoàn thiện các thể chế để vận hành các đô thị vì đây là xu hướng tất yếu.

Theo ông, hầu hết các quốc gia đều muốn quản trị theo hướng tập trung quyền lực về trung ương nhưng suy cho cùng thì quyền lực lại tập trung về các bộ, ngành. Chính điều này sẽ cản trở sự phát triển của địa phương, dẫn đến tình trạng luật lắt léo, quy định chồng chéo.

Một số ý kiến tại hội nghị cũng chỉ ra bất cập khi từ chủ trương, nghị quyết đến luật, nghị định, thông tư hướng dẫn là một quá trình kéo dài, làm mất cơ hội phát triển.

Qua 40 năm đổi mới, TP.HCM luôn giữ vững ổn định chính trị, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển, kinh tế duy trì tăng trưởng hằng năm ở mức cao.

Xây dựng TP.HCM là trung tâm của khu vực Đông Nam Á

Kết luận buổi làm việc, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó Trưởng nhóm 6 Ban Chỉ đạo tổng kết Trung ương, Trưởng đoàn khảo sát, nhìn nhận qua 40 năm đổi mới, TP.HCM đã giữ vững ổn định chính trị, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển, kinh tế duy trì tăng trưởng hằng năm ở mức cao.

TP.HCM luôn tìm tòi, sáng tạo, mạnh dạn thử nghiệm nhiều cơ chế, chính sách mới để thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị có nhiều tiến bộ…

Cạnh đó, TP.HCM cũng chỉ ra những khó khăn hiện nay như mô hình tăng trưởng kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu, đóng góp vào nền kinh tế của cả nước có xu hướng giảm trên một số phương diện. Việc phát huy các nguồn lực để phát triển kinh tế có mặt chưa hiệu quả; hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị chưa có bước đột phá về phát triển đồng bộ, hiện đại để có thể đáp ứng yêu cầu phát triển.

Ông Đinh Tiến Dũng mong TP.HCM tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị...

Mặt khác, TP.HCM cần đổi mới sáng tạo không ngừng, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; xây dựng TP thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước..., tiến tới xây dựng TP.HCM là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.•

Cần độ giãn để đưa ra cái mới, chấp nhận rủi ro

Chia sẻ thêm tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho rằng qua từng thời kỳ, phương thức lãnh đạo đã có sự thay đổi. Ông đơn cử như lúc chống dịch COVID-19, để phù hợp với thực tế, Thành ủy TP.HCM đã ban hành chỉ thị, nghị quyết, UBND TP xây dựng kế hoạch…, sau đó thành lập trung tâm chỉ huy để chỉ đạo chống dịch.

Đề cập đến vai trò lãnh đạo của cấp ủy, ông Nguyễn Hồ Hải đánh giá đây là chỗ dựa cho cán bộ để khơi dậy tinh thần sáng tạo. “Chính quyền các cấp tổ chức thực hiện nghiêm quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Đảng ủy cấp trên cơ sở và trực thuộc trung ương phải thấy được có những cái giữa thực tiễn và pháp luật chưa phù hợp; có những vấn đề pháp luật chưa quy định nhưng thực tiễn đã có. Từ đó cho phép có độ giãn để đưa ra cái mới và đánh giá hiệu quả hay không, đi kèm với đó là chấp nhận rủi ro” - ông Hải nói.

Ông cũng cho rằng phải có những đánh giá toàn diện chứ không chỉ áp dụng các quy định của pháp luật một cách cứng nhắc làm hạn chế vai trò, sức sáng tạo của cấp ủy các cấp. Mặt khác, cần đặt vai trò, lợi ích của người dân, đảm bảo an dân và chăm lo, quản lý xã hội lên trên hết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm