TP.HCM cần một cơ chế vượt trội, đột phá thật sự

(PLO)- Chuyên gia cho rằng trong nghị quyết mới cần trao quyền nhiều hơn cho TP.HCM để TP thực hiện vai trò đầu tàu của mình.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 30-3, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP và các bộ, ngành trung ương tổ chức tọa đàm thảo luận và góp ý dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Cần thoát khỏi cơ chế xin - cho

TS Trần Du Lịch chia sẻ về bản chất, nghị quyết mới sẽ tập trung vào hai nhóm nội dung là cơ chế tập trung phân cấp, phân quyền và tạo động lực, huy động nguồn lực ngân sách, nhà đầu tư, đội ngũ khoa học kỹ thuật. Dự thảo nghị quyết lần này được kỳ vọng sẽ giải quyết những vấn đề căn cơ mà TP đang gặp phải, giúp TP bứt tốc để thể hiện vai trò đầu tàu, dẫn dắt của mình.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, chủ trì buổi tọa đàm thảo luận và góp ý dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. Ảnh: LONG HỒ

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, chủ trì buổi tọa đàm thảo luận và góp ý dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. Ảnh: LONG HỒ

Ông Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhìn nhận quá trình xây dựng nghị quyết mới TP.HCM đã nêu rõ những khó khăn và đưa ra các nhóm giải pháp để thực hiện. Do đó, TP cần hướng tới xây dựng cơ chế mang tính vượt trội thực sự.

Ông Nguyễn Văn Giàu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề TP.HCM cần triển khai ngay hiệu quả kinh tế số, xã hội số và tổ chức bộ máy dựa trên hai yếu tố này. Cùng với đó, TP cũng nên đi tiên phong trong việc dám nghĩ, dám làm; nâng cao tính năng động, sáng tạo…

PGS-TS Võ Trí Hảo, nguyên Trưởng khoa Luật Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng việc soạn thảo dự thảo cần rõ ràng, cụ thể để không mất thời gian đi xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan. “Thà xin một lần chứ đừng xin 25 lần” - ông Hảo nói và đề nghị cần soạn thảo theo hướng quy định chi tiết cơ chế về phân cấp, phân quyền cho TP, thay vì cơ chế xin - cho.

Không đặt nặng nguồn thu, chỉ mong có cơ chế vượt trội

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết hiện Chính phủ đang hoàn thiện nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, đưa vào hồ sơ đăng ký bổ sung cho chương trình xây dựng pháp luật năm 2023.

Trong lần xây dựng nghị quyết mới này, TP.HCM không đặt trọng tâm vào việc khai thác nguồn thu như Nghị quyết 54 hiện hành. Thay vào đó, TP đề nghị được thí điểm cơ chế vượt trội, đột phá để huy động nguồn lực, phát huy tiềm năng của TP. Một trong những mục tiêu đó là: TP.HCM phải là cực tăng trưởng của vùng động lực kinh tế Việt Nam, là đầu tàu, trung tâm về nhiều mặt, là địa phương có năng lực hội nhập và cạnh tranh quốc tế.

“Đó là những việc luật chưa quy định hoặc đã có các quy định nhưng còn chồng chéo với nhau. Không giải quyết được các vấn đề để TP phát triển thì làm sao khai phóng hết các nguồn lực. Từ đó khó thực hiện mục tiêu Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 mà Bộ Chính trị đã ban hành” - ông nói.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho hay dự thảo nghị quyết mới tập trung vào những cơ chế, chính sách để phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, tạo sự chủ động cho TP.

Theo ông Mãi, TP sẽ tiếp thu các ý kiến để cùng Bộ KH&ĐT hoàn thiện hồ sơ. Giữa tháng 4, TP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đầu tháng 5 có dự thảo nghị quyết chính thức.

Cần nhạc trưởng vùng và hình thành ngân sách liên vùng

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, ĐH Fulbright, đề cập đến việc thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) được đề cập tới trong dự thảo nghị quyết mới.

Trong dự thảo nghị quyết, TP.HCM đề xuất áp dụng mô hình TOD đối với ba dự án gồm tuyến metro số 1, metro số 2 và đường vành đai 3. Theo chuyên gia này, TP cần áp dụng mô hình TOD cho tất cả dự án metro và các dự án giao thông đô thị, dự án giao thông liên kết vùng.

Theo ông, nếu muốn tạo đột phá, nghị quyết mới không nên giới hạn trong địa bàn TP.HCM. Ví dụ, với các dự án của TP.HCM đi qua các địa phương khác thì HĐND TP và các tỉnh được quyết định các vấn đề như bổ sung ngân sách, tăng chi phí đầu tư theo cơ chế vượt trội này. “Nếu được như vậy, sự thay đổi của TP.HCM sẽ có tác động lan tỏa cho cả vùng, giúp giải quyết nhiều dự án có tính kết nối, liên vùng trong thời gian tới” - ông Thành nói.

Đồng tình với ý kiến trên, GS-TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nói thêm tinh thần bao trùm của nghị quyết này phải là “trao quyền nhiều hơn, kiểm soát ít hơn”. “Để làm điều này, lãnh đạo phải có trách nhiệm hơn, các sở, ngành cũng phải nâng cao năng lực phụng sự” - GS-TS Nguyễn Trọng Hoài nói.

GS-TS Nguyễn Trọng Hoài cho rằng dự thảo cần tiếp cận ở góc độ mở rộng phạm vi không gian địa lý, bởi nếu tiếp cận từ nguồn lực mang tính giới hạn của TP sẽ rất khó tạo đột phá. Từ đó, ông đề xuất nên làm rõ vai trò của TP.HCM trong việc thực hiện quy hoạch vùng Đông Nam Bộ.

“Khi có hội đồng vùng, ngân sách vùng, TP.HCM phải tham gia quy hoạch vùng với tư cách là nhạc trưởng, là thành phần then chốt, hình thành ngân sách vùng!” - GS-TS Nguyễn Trọng Hoài nói.

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhìn nhận dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 có thuận lợi là được rút kinh nghiệm từ Nghị quyết 54 và tiếp thu một số cơ chế đặc thù ở các tỉnh.

Theo TS Thành, dự thảo nghị quyết mới cần nhấn mạnh rõ vai trò của TP.HCM trong sự phát triển của cả nước. Những cơ chế, chính sách hiện nay chưa đủ sức để giải quyết những vấn đề đang đặt ra cho TP.HCM.

Một thực tế mà TP đang đối mặt hiện nay là tốc độ tăng năng suất lao động của TP đang có xu hướng giảm. Vì vậy, nghị quyết mới cần giải quyết được những vấn đề này.

Ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh xây dựng nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 là câu chuyện tầm cỡ quốc gia chứ không phải chỉ TP.HCM; tạo cơ chế, chính sách để thúc đẩy một cực phát triển của đất nước. Ông Bình cho rằng nếu chúng ta tạo một động lực thật sự thì chắc chắn tác động của TP.HCM đối với cả nước sẽ cao hơn nữa, không dừng lại ở 20%-25% GDP. Đây sẽ là một cực phát triển trong giai đoạn mới của Việt Nam.

GS-TS Nguyễn Trọng Hoài cho hay TP.HCM là địa phương đủ tiềm năng, nguồn lực để thực hiện các thử nghiệm. Những sự thử nghiệm này cần trao quyền nhiều hơn, giúp TP.HCM tìm ra các nhân tố để phát triển tương xứng với vị thế và kỳ vọng.

TP.HCM cần “hộp cơ chế thử nghiệm” chính sách

TP.HCM cần mạnh dạn thử nghiệm mô hình sandbox - hộp cơ chế thử nghiệm chính sách. Với cơ chế này thì mục tiêu trở thành trung tâm tài chính của TP.HCM sẽ đạt được. Các nước phát triển như Anh, Mỹ… đã áp dụng mô hình này và gặt hái được nhiều thành công.

Nếu TP thử nghiệm mô hình sandbox, có thể coi toàn bộ TP.HCM là một mô hình lớn; hoặc thành lập một số cơ chế thử nghiệm theo từng nội dung như về tài chính, về chính quyền đô thị cho TP Thủ Đức…

Ví dụ, việc hình thành TP Thủ Đức là một chiếc hộp thử nghiệm chính sách đối với lĩnh vực chính quyền đô thị; việc hình thành trung tâm tài chính là một hộp thử nghiệm trong lĩnh vực kinh tế.

Dù vậy, tôi ủng hộ cách tiếp cận theo từng nội dung, bởi nếu cùng lúc thử nghiệm nhiều chính sách sẽ gây khó về nguồn lực, thời gian…

TS NGUYỄN SỸ DŨNG,nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Tăng năng lực thiết kế, đối thoại

Một vấn đề cần quan tâm là năng lực của chính quyền trong quá trình “làm ăn”, đối thoại với các doanh nghiệp tư nhân. TP cần các cơ chế, chính sách để thiết kế dự án, tư duy, thương thảo… và ký hợp đồng giữa chính quyền TP với nhà đầu tư.

Hợp đồng là luật và ai vi phạm sẽ bị kiện, kể cả chính quyền. Trong khi doanh nghiệp có luật sư giỏi, cố vấn giỏi, còn chính quyền thì không có kinh phí để trả cho luật sư đi cãi.

Muốn vậy thì TP phải có đủ ngân sách để thực hiện. TP phải có năng lực để cùng thiết kế, cùng đối thoại và không để tư nhân dẫn dắt mình. Về mặt tổ chức, phải có phòng, ban về vấn đề PPP, có đủ năng lực về thiết kế, quy hoạch, tài chính dự án, pháp chế… Ban này phải tập hợp được nguồn lực để đối thoại với các nhà đầu tư…

Theo tôi, PPP chỉ là một công cụ trong tầm nhìn đó để thu hút tư nhân đầu tư vào. Đây cũng là con dao hai lưỡi, nếu không khéo chỉ bán cơ hội cho người ta làm rồi chúng ta đi lo những rắc rối đằng sau. Khi đó, chính quyền chưa ngang tầm với cuộc chơi.

PGS-TS PHẠM DUY NGHĨA,ĐH Fulbright

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm