Sáng 30-3, Đoàn ĐBQH TP.HCM phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, các cơ quan Trung ương tổ chức tọa đàm thảo luận và góp ý dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM, cho biết, hiện Chính phủ đã hoàn thiện hồ sơ đăng kí bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2023.
Toàn cảnh buổi tọa đàm góp ý dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. |
Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết trong lần xây dựng nghị quyết mới này, TP.HCM không đặt trọng tâm vào việc khai thác nguồn thu như Nghị quyết 54 hiện hành. Thay vào đó, TP đề nghị được thí điểm cơ chế vượt trội, đột phá để huy động nguồn lực, phát huy tiềm năng của TP.
"Đó là những việc luật chưa quy định, luật có quy định nhưng còn chồng chéo với nhau, không giải quyết được các vấn đề để TP phát triển để làm sao khai phóng hết các nguồn lực phát triển để thực hiện mục tiêu mà các Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 mà Bộ Chính trị đã ban hành" - ông nói.
Cụ thể, TP.HCM phải là cực tăng trưởng của vùng động lực kinh tế Việt Nam, là đầu tàu, trung tâm về nhiều mặt, là địa phương có năng lực hội nhập và cạnh tranh quốc tế.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói TP muốn xin cơ chế thí điểm những vấn đề vượt trội trong nghị quyết mới. Ảnh: THANH TUYỀN |
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, quan điểm xây dựng Nghị quyết mới của TP là đáp ứng tiêu chí đột phá, vượt trội. Dự thảo Nghị quyết mới có đề xuất của TP và những gợi ý, giao nhiệm vụ từ phía các cơ quan Trung ương, các bộ, ngành và chuyên gia.
"TP làm việc này không phải chỉ cho TP mà là cho cả nước. TP không đặt sự so sánh với các địa phương khác, không phải cho TP quá nhiều cơ chế mà tạo điều kiện cho TP phát triển cũng là động lực phát triển của cả nước" - ông Phan Văn Mãi nói.
Chủ tịch UBND TP cũng cho hay Dự thảo Nghị quyết mới tập trung vào những cơ chế, chính sách để phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, tạo sự chủ động cho TP. Từ những gì TP đã làm và rút kinh nghiệm, Trung ương có phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương khác.
Người đứng đầu chính quyền TP cũng mong các chuyên gia góp ý để TP triển khai hiệu quả. Sau khi được Quốc hội thông qua sẽ làm ngay để đạt hiệu quả như mong muốn.
Dự thảo Nghị quyết mới với gần 40 nội dung, trong đó tập trung vào bốn nhóm chính sách: nhóm nội dung, cơ chế Nghị quyết 54 hiện hữu mà TP muốn tiếp tục thực hiện; nhóm đã có trong Nghị quyết đặc thù với các địa phương khác; nhóm những nội dung dự kiến đưa vào sửa đổi các luật thì TP thí điểm thực hiện trước; nhóm mới do TP chủ động đề xuất từ gợi ý của Trung ương.
Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh TP sẽ tiếp thu các ý kiến để cùng Bộ KH&ĐT hoàn thiện hồ sơ. Giữa tháng 4, TP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đầu tháng 5 có dự thảo Nghị quyết chính thức.
Trước đó, Chính phủ có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54) nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá để TP.HCM phát triển đúng tầm nhìn.
Trước đó, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với UBND TP.HCM, các bộ, ngành có liên quan lập đề nghị xây dựng nghị quyết.
Hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết đã được Bộ Tư pháp thẩm định và được Chính phủ xem xét, thông qua tại Nghị quyết số 38 với bảy nhóm chính sách đặc thù, gồm: nhóm chính sách về quản lý đầu tư; nhóm chính sách về tài chính, ngân sách; nhóm chính sách về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; nhóm chính sách về thu hút nhà đầu tư chiến lược; nhóm chính sách về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nhóm chính sách về tổ chức bộ máy của TP.HCM; nhóm chính sách về tổ chức bộ máy TP Thủ Đức.
Trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung soạn thảo bổ sung Nghị quyết mới vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 theo trình tự thủ tục rút gọn; trình Quốc hội cho ý kiến thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo quy trình một kỳ họp.