TP.HCM chỉ có 3/737 đề án liên doanh liên kết được phê duyệt

(PLO)- Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Trần Mai Phương cho biết đã tiếp nhận 737 đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê của 546 đơn vị, nhưng chỉ có ba đề án được TP phê duyệt và xem xét phê duyệt.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-10, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng chủ trì buổi giám sát việc thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị đối với Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở KH-ĐT và Sở TT&TT.

a2846acabf25687b3134.jpg
Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng chủ trì buổi giám sát. Ảnh: THANH THUỲ

Đề án liên doanh liên kết còn "ách tắc"

Tại buổi giám sát, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Cao Thanh Bình đã hỏi Sở Tài chính trong việc tham mưu cho TP về đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê (đề án liên doanh liên kết).

Ông Bình cho rằng đây là vấn đề khó, cần xem xét đưa vào nội dung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Ông Bình phân tích theo Luật quản lý, sử dụng tài sản công, UBND, Chủ tịch UBND TP phê duyệt đề án này. Với khối lượng đề án rất lớn, hồ sơ pháp lý phải đảm bảo đầy đủ thủ tục và vẫn đang bị “ách tắc”.

“Nếu đề án này không được thực hiện kịp thời thì lãng phí rất lớn về nguồn lực nhà đất công cũng như khó khăn cho các đơn vị trong vận hành " - ông Cao Thanh Bình nhấn mạnh.

Ông Cao Thanh Bình nói thêm mới đây, Bộ Tài chính có văn bản trả lời đối với trường học, bệnh viện, việc bãi giữ xe, căn tin không cần xây dựng đề án.

Hiện đề án xây dựng rất nhiều nhưng khi Sở Tài chính thẩm định thì số lượng bị trả về cao, lý do không đảm bảo các tiêu chí trong hồ sơ. Theo ông, việc chậm được phê duyệt đề án do nhiều yếu tố, có cả khách quan và chủ quan, nhưng TP cũng cần xem lại trách nhiệm của mình.

Trưởng ban Văn hoá - Xã hội HĐND TP cũng đề cập nên chăng đề xuất nghị quyết chuyên đề để tháo gỡ.

Phó Giám đốc Sở Tài chính TP Trần Mai Phương thông tin lại hiện sở đã tiếp nhận 737 đề án của 546 đơn vị, nhưng chỉ có 3 đề án đã được TP phê duyệt và xem xét phê duyệt.

UBND TP cùng Sở Tài chính đã làm việc với Bộ Tài chính để tháo gỡ các khó khăn trong lĩnh vực này. Không chỉ TP.HCM mà các địa phương đều vướng

Bộ đã có văn bản trả lời, với những tài sản được đầu tư từ ngân sách Nhà nước, được Nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp nhưng không sử dụng hết công suất, cần thiết phải liên doanh liên kết với đơn vị bên ngoài thì xây dựng đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với các vị trí mặt bằng sử dụng để thực hiện nhiệm vụ phụ trợ, nhiệm vụ chính trị của cơ quan thì không phải xây dựng đề án và thủ trưởng đơn vị được quyết định. Để có khung pháp lý chặt chẽ hơn, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sửa đổi các quy định, TP và các tỉnh, thành đang chờ quy định mới để triển khai đồng bộ.

Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng yêu cầu Sở Tài chính tham mưu UBND TP cho ý kiến về việc ủy quyền cho UBND quận thẩm định, phê duyệt phương án cho thuê liên doanh liên kết do đơn vị quản lý.

Cho UBND quận quyết định chủ trương đầu tư dự án do quận quản lý

Báo cáo tại buổi giám sát, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết Nghị quyết số 131 quy định chính quyền địa phương ở quận tại TP là UBND quận, không còn cấp HĐND.

UBND quận quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách quận, phường trực thuộc theo quy định của Luật Đầu tư công; chưa quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách TP.

Trong khi đó, Luật Đầu tư công năm 2019 lại quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách TP thuộc HĐND quận.

chinh-quyen-do-thi-nghi-quyet-131.jpg
Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo tại buổi giám sát. Ảnh: THANH THUỲ

Vì vậy, để làm cơ sở thực hiện bố trí nguồn vốn ngân sách TP bổ sung có mục tiêu cho các quận, Sở KH&ĐT kiến nghị dựa trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của quận đã được UBND TP phê duyệt, UBND quận quyết định chủ trương đầu tư (điều chỉnh), Chủ tịch UBND quận quyết định đầu tư (điều chỉnh) đối với các dự án nhóm C do quận quản lý.

Về đề xuất này, ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó trưởng Ban Đô thị HĐND TP.HCM cho rằng cần phải cân nhắc bởi theo Luật Đầu tư công 2019: “Cấp quyết định chủ trương đầu tư thì có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương”.

Với các dự án đã được HĐND TP phê duyệt trước đó, nếu bây giờ chuyển về cho HĐND cấp quận điều chỉnh sẽ không đúng với Luật Đầu tư công. Từ đó, ông Thanh cho rằng có thể điều chỉnh kiến nghị theo hướng HĐND ủy quyền cho Chủ tịch UBND quyết định điều chỉnh dự án theo luật, không cần chuyển quyền về UBND quận.

Phía Sở KH&ĐT thông tin lại TP hiện đã phân cấp, phân quyền rõ ràng cho địa phương, nếu cứ đẩy tất cả về thẩm quyền của Chủ tịch UBND TP sẽ dễ quá tải việc. Sở cũng đã báo cáo nội dung trên ra Bộ Nội vụ để xem xét tìm ra giải pháp.

Theo Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Văn Dũng, Nghị quyết 131 có nêu rằng nếu trường hợp có quy định khác nhau cùng một vấn đề giữa nghị quyết với luật được ban hành trước ngày nghị quyết có hiệu lực thì áp dụng theo nghị quyết. Từ đó, ông yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát để tham mưu cho TP để thực hiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm