Tại buổi họp báo về kết quả lựa chọn sách giáo khoa (SGK) năm học 2020-2021 do Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp với Sở TT&TT tổ chức sáng 24-6, Sở GD&ĐT đã công bố kết quả chọn lựa SGK tại TP.
Hơn 400 trường chọn bộ Chân trời sáng tạo
Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, tất cả bộ SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt đều được chọn, tùy theo môn. Đa số đơn vị chọn sách theo bộ để đảm bảo tính xuyên môn, liên môn khi triển khai chương trình. Tuy nhiên, vẫn có một số đơn vị chọn theo môn học do Thông tư 01 giao cho các nhà trường chủ động, thảo luận phương án lựa chọn.
Trong đó, qua thống kê có 80% trong 554 trường tiểu học lựa chọn bộ sách Chân trời sáng tạo (không đều ở các môn, môn tiếng Anh hơn 60%).
Ông Nguyễn Thành Trung, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT, cho biết đây là một kết quả hoàn toàn bình thường bởi các nguyên nhân.
Bộ sách Chân trời sáng tạo lần đầu tiên và duy nhất có sự tham gia của các tác giả miền Nam. Nhiều phương ngữ, dữ liệu đưa vào sách mang đặc trưng của vùng miền.
Bộ sách được các thầy cô giáo, những người đang trực tiếp đứng lớp, tham gia trong quá trình đổi mới phương pháp dạy - học, kiểm tra - đánh giá của TP, nêu những chủ trương, biện pháp đổi mới cũng được thể hiện nhiều và sát hợp với giáo viên TP.
Mặt khác, tỉ lệ chọn các sách bộ Chân trời sáng tạo tại TP.HCM cao nhưng trên tổng thể, bộ sách cũng được các tỉnh, thành phía Nam lựa chọn nhiều. Cụ thể Bến Tre 90% các trường chọn bộ sách; Bà Rịa-Vũng Tàu chọn các môn tiếng Việt, đạo đức, mỹ thuật đạt 100%...
Phó giám đốc Sở GD&ĐT cũng bổ sung bộ sách này được các trường chọn lựa là nhờ vào uy tín tác giả. Trước đây, viết SGK là những giáo sư, tiến sĩ có chuyên môn sâu, giảng dạy ở đại học hay viện nghiên cứu. Lần này, tham gia biên soạn còn có các giáo viên giỏi, cán bộ quản lý của TP. Trong đó có những gương mặt giáo viên tiểu học nổi tiếng của TP nên các thầy cô cảm thấy gần gũi, dễ hiểu.
Giáo viên Trường Tiểu học Yên Thế, quận Tân Bình (TP.HCM) chọn lựa SGK lớp 1. Ảnh: NTCC
Trung bình mỗi bộ SGK 300.000 đồng
Mới đây, một số nhà xuất bản (NXB) đã công bố giá SGK mới. Theo đó, giá SGK chương trình mới cao gấp ba lần sách hiện hành.
Về vấn đề này, ông Hiếu chia sẻ sách hiện hành do NXB Giáo dục Việt Nam thực hiện nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT. Sách in đại trà, dùng chung trong cả nước. Hiện nay, một chương trình, nhiều bộ SGK, nhiều đơn vị tham gia làm sách với chất lượng in và hình ảnh tốt hơn. Do đó, giá sách sẽ do các NXB quy định.
“Giá mỗi bộ SGK trung bình 300.000 đồng đúng là khá cao” - ông Hiếu thừa nhận. Tuy nhiên, ông Hiếu cũng cho biết: “TP có khoản kinh phí hỗ trợ các trường trang bị cơ sở vật chất, thiết bị. Các trường trang bị tủ sách dùng chung. Những em chỉ mua được vài cuốn hoặc không mua được có thể mượn sách tại thư viện”.
Liên quan đến việc một số cán bộ của Sở từng nhận thù lao của NXB Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định điều đó không ảnh hưởng đến việc lựa chọn sách của các trường. “Sở không có động thái nào áp đặt, chỉ đạo ngầm đối với các trường trong việc lựa chọn SGK. Các trường tự chủ trong việc lựa chọn sách. Hơn nữa, giáo viên của TP không dễ bị chi phối, bị áp đặt” - ông Hiếu nói. |
“Hiện tại, theo thông tin từ các NXB, SGK chưa xuất hiện trên thị trường vì việc tập huấn cho giáo viên chưa hoàn tất, tuy nhiên một số cửa hàng đã bán SGK mới. Phụ huynh muốn mua sách có thể đăng ký tại trường vì NXB sẽ cung cấp tận nơi. Phụ huynh có thể mua từ các nơi khác, điều này không bắt buộc” - phó giám đốc sở chia sẻ thêm.
Về cơ sở vật chất phục vụ cho chương trình mới, ông Hiếu chia sẻ đây là vấn đề nan giải của TP. Theo chương trình mới, học sinh lớp 1 sẽ học hai buổi/ngày. Tuy nhiên, với điều kiện cơ sở vật chất cũng như tốc độ tăng dân số cơ học tại TP.HCM đó là một thách thức. Một số quận, huyện chỉ đạt khoảng 20% học sinh học hai buổi/ngày.
“Để giải quyết vấn đề, ngành giáo dục đang chỉ đạo rà soát, nơi nào thiếu thiết bị dạy học thì mua mới. Các trường nên ưu tiên cho học sinh lớp 1. Đối với những quận, huyện đông dân cư có thể linh hoạt thiết kế việc dạy học 6-7 buổi/tuần. Thậm chí, các trường có thể tận dụng ngày thứ Bảy để triển khai các hoạt động tập trung” - ông Hiếu nói.
TP.HCM dự kiến tựu trường ngày 1-9 Ban đầu Sở GD&ĐT TP.HCM dự kiến tham mưu UBND TP ngày tựu trường của học sinh là 31-8, khai giảng ngày 5-9. Tuy nhiên, do Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo khung kế hoạch thời gian năm học (áp dụng từ năm học 2020-2021) nên sở đang chờ thông báo chính thức từ Bộ. Nếu những năm trước TP thường tựu trường trước khai giảng hai tuần để họcsinh làm quen trường lớp, chuẩn bị sách vở... thì năm nay do ảnh hưởng dịch COVID-19, Sở GD&ĐT dự kiến tham mưu UBND TP theo hướng học sinh tựu trường vào ngày 1-9, trước khai giảng một tuần. Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM |