Theo báo cáo cuối kỳ (tháng 7) của Liên danh tư vấn gửi Bộ GTVT, tổng diện tích ga Sài Gòn dự kiến khoảng 10,6ha. Trong đó bao gồm diện tích nhà ga khoảng 5,7ha, quảng trường ga 2,3 ha.
Hiện nay, quỹ đất dữ trữ, phát triển ga hiện hữu còn lại khoảng 2,6ha (dùng quỹ đất này mở rộng ga), công trình khác (cây xanh, hàng rào…).
Tuy nhiên, trong báo cáo giữa kỳ (đầu năm nay) thì chỉ đề xuất mở rộng ga Sài Gòn từ 6,14 ha (diện tích ga hiện hữu) lên thành 6,85 ha.
Đề xuất mở rộng ga Sài Gòn thêm hơn 4ha
“Ga Sài Gòn/Hòa Hưng là ga hành khách trung tâm của TP.HCM (nằm ở quận 3), tổ chức chạy tàu khách xuyên tâm qua ga trung tâm theo hướng ga An Bình - ga Bình Triệu – ga Sài Gòn – ga Tân Kiên” - báo cáo cuối kỳ của Liên danh Công ty CP Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam và Trung tâm Tư vấn - Đầu tư phát triển giao thông vận tải (liên danh tư vấn) nêu.
Quảng trường ga được điều chỉnh hướng ra đường Cách Mạng Tháng 8 để thuận tiện trong việc kết nối/trung chuyển hành khách với tuyến metro số 2. Tại quảng trường ga bố trí bến xe buýt, taxi, bãi đỗ phương tiện cá nhân phục vụ việc thu gom và phân tán khách đi, đến ga.
Khu vực xung quanh quảng trường ga định hướng quy hoạch, bố trí bãi/bến đỗ bến xe buýt, taxi, bãi đỗ xe cá nhân nhằm tạo sự thuận tiện cho hành khách, người dân thuận lợi trong quá trình đi lại.
Sở GTVT TP.HCM yêu cầu làm rõ
Ngay khi Liên danh tư vấn đề xuất mở rộng ga Sài Gòn ngay giữa trung tâm TP.HCM (ga nằm quận 3), Sở GTVT TP đã có văn bản gửi Bộ GTVT về góp ý quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM.
"Làm rõ về quy mô, cấu trúc một số nhà ga có sự thay đổi về quy mô, diện tích so với Quy hoạch 568, Quyết định số 568/2013 của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, giá trị thay đổi ga Sài Gòn từ 6,14 ha lên 10,6 ha” - văn bản của Sở GTVT TP nêu.
Sở GTVT cũng đề nghị làm rõ về mức độ ảnh hưởng của ga (khi thay đổi diện tích) đến các quy hoạch đô thị liên quan của TP để đảm bảo tính khả thi của Quy hoạch đường sắt đầu mối đang được xây dựng.
Cũng liên quan đến ga Sài Gòn, Sở GTVT TP kiến nghị Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam làm rõ tính khả thi của việc bố trí đoạn tuyến đường sắt An Bình – ga Bình Triệu – ga Sài Gòn – ga Tân Kiên dài hơn 30 km xuyên tâm TP.HCM.
Sở GTVT yêu cầu cần chứng mình, giải quyết những ảnh hưởng đến các quy hoạch chi tiết xây dựng ở các quận, huyện và TP Thủ Đức mà tuyến đường sắt trên cao này đi qua…
TP.HCM cần bổ sung đoạn đường sắt trên cao ga Sài Gòn-ga Tân Kiên
Theo báo cáo cuối kỳ của liên danh tư vấn trên, TP.HCM cần bổ sung vào quy hoạch đoạn Bình Triệu – Sài Gòn – Tân Kiên. Trong đó có 2 đoạn từ ga Bình Triệu về ga Sài Gòn (Hòa Hưng) và đoạn ga Sài Gòn đi ga Tân Kiên (đoạn này đề xuất bổ sung mới). Cả 2 đoạn đều đi cao trên cầu cạn để tránh giao cắt với đường giao thông hiện hữu.
Tuyến đường sắt trên cao bắt đầu từ ga Bình Triệu, đi trên cao qua TP Thủ Đức, các quận Bình Thạnh, Gò Vấp về quận 3 vào ga Sài Gòn. Sau đó, tuyến tiếp tục đi trên cao (trên cầu cạn) giữa đường 3/2, có đoạn đi bên cạnh cầu vượt thép, có đoạn đi trên cầu vượt thép vào quận 6, về quận Bình Tân và kết thúc ở địa phận huyện Bình Chánh.
Đánh giá về đường sắt trên cao, ông Võ Kim Cương, nguyên Phó KTS trưởng TP.HCM, cho biết tuyến đường sắt trên cao từ lâu đã có trong quy hoạch nhưng chỉ có đoạn từ Bình Triệu về ga Sài Gòn, còn đoạn từ ga Sài Gòn về ga Tân Kiên là đoạn mới.
“Tuyến đi cao trên cầu cạn xuyên TP.HCM bài toán về mặt kỹ thuật là làm sao ít ảnh hưởng đến cuộc sống người dân nhất về tiếng ồn, độ an toàn… Tất cả đều phải được tư vấn tính toán cho hợp lý” - ông Cương góp ý.
Sở GTVT TP.HCM đề nghị Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam bổ sung thuyết minh làm rõ một số vấn đề sau đây trong Quy hoạch đường sắt đầu mối:
Cần xác định rõ cấu trúc tuyến (ưu tiên tuyến đi trên cao hoặc đi ngầm trên địa bàn TP, tại các khu vực đã có mức độ đô thị hóa cao, trừ các khu vực depot) và hành lang tuyến cần đảm bảo, có hành lang và giải pháp cách ly thích hợp để giảm thiểu ảnh hưởng đến các khu vực dân cư dọc hai bên tuyến.
Trong điều kiện TP.HCM đã và đang đô thị hóa rất nhanh chóng, việc xác định chính xác, cụ thể hành lang tuyến công trình là rất quan trọng, tránh để ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị trong các giai đoạn triển khai tiếp theo của các quy hoạch, dự án.