UBND TP.HCM vừa có văn bản đề nghị các dự án trọng điểm cần bố trí vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, trong đó có ba dự án hạ tầng có ý nghĩa quan trọng không chỉ với TP.HCM mà còn phục vụ người dân vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.
Theo đó, UBND TP đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ 17.234 tỉ đồng để thực hiện ba dự án: Đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, rạch Xuyên Tâm và cải tạo kênh Hy Vọng.
Dòng nước dọc tuyến rạch Xuyên Tâm đi qua quận Bình Thạnh và
quận Gò Vấp đang bị ô nhiễm. Ảnh: BPL
Mục tiêu dự án này là để đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, giảm tải cho quốc lộ 22. Đây là tuyến giao thông cao tốc xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng và khu vực kinh tế ASEAN…
Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) với tổng mức đầu tư dự kiến là 9.353 tỉ đồng (chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 4.860 tỉ đồng). UBND TP đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ TP 9.353 tỉ đồng để đầu tư cho dự án.
Mục tiêu dự án là cải tạo thoát nước, môi trường rạch Xuyên Tâm kết hợp xây dựng đường giao thông mới dọc theo hai bên rạch, chỉnh trang đô thị, cải thiện tình hình giao thông và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ dọc tuyến, thu gom nước thải về nhà máy xử lý nước thải tập trung của TP.
Dự án cải tạo kênh Hy Vọng với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.980 tỉ đồng (chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 1.596 tỉ đồng), TP đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ 1.980 tỉ đồng.
Dự án sẽ khơi thông dòng chảy tuyến kênh Hy Vọng, giải quyết tiêu thoát nước mưa, giảm ngập úng cho (lưu vực A41) khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và một phần lưu vực khoảng 51,3 ha khu vực lân cận (khu công nghiệp, công trình công cộng, dân cư).
Ngoài ra, dự án tập trung xây dựng hai tuyến đường dọc kênh bảo đảm giao thông thuận lợi, góp phần cải thiện môi trường, phòng chống ô nhiễm từ rác, nước thải; nâng cấp các hạng mục liên quan để chỉnh trang đô thị, ngăn ngừa rác thải, nước thải từ các hộ dân, khu công nghiệp đổ trực tiếp xuống kênh.
Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết ba dự án nêu trên đều có mục tiêu giải quyết các điểm nghẽn, có động lực tạo bước đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị của TP.
Các công trình này có tính lan tỏa, góp phần hoàn thiện các trục giao thông kết nối liên vùng và khu vực; có tính chất cấp thiết trong quá trình hình thành và phát triển kết cấu hạ tầng, giải quyết các điểm nghẽn về ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường; giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, phòng chống dịch bệnh và tạo động lực đột phá phát triển kinh tế - xã hội.