TP.HCM dự kiến có 2 bến du thuyền hàng trăm tỉ

(PLO)- Các chuyên gia cho rằng Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có tiềm năng lớn về ngành công nghiệp du thuyền gắn với du lịch và cả việc chế tạo du thuyền nên cần có những bến bãi đúng tiêu chuẩn trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản thông tin về việc đầu tư phát triển, khai thác cảng hành khách trên các sông Nhà Bè, Sài Gòn, trong đó có hai bến du thuyền ở Mũi Đèn Đỏ và khu vực cảng Nhà Rồng - Khánh Hội.

Hai bến du thuyền của TP.HCM

“Hiện nay, một công ty đang triển khai dự án khu công viên Mũi Đèn Đỏ (quận 7), trong đó có bến tàu khách quốc tế và một công ty đang triển khai dự án khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội tại quận 4, trong đó có cầu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội” - văn bản do ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, ký gửi UBND TP.HCM nêu.

Trước đó, ngày 22-9-2017, báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng công trình bến tàu khách quốc tế tại khu công viên Mũi Đèn Đỏ cho biết khu bến tàu khách quốc tế (bến du thuyền quốc tế) này có quy mô chiều dài cầu bến 600 m, rộng

22 m, cao độ 2,8 m. Kết cấu bến được tính toán đảm bảo tiếp nhận tàu khách có trọng tải đến 100.000 GT, diện tích sử dụng đất 2 ha. Tổng mức đầu tư hơn 842 tỉ đồng, đầu tư bằng vốn doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo Kế hoạch 3546 ngày 8-6-2017 của UBND TP về phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP giai đoạn 2017-2020, bến tàu khách quốc tế tại khu công viên Mũi Đèn Đỏ được định hướng phát triển khách du lịch đường biển

Theo Sở GTVT TP, khó khăn hiện nay là dự án khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu đô thị kèm theo phải thực hiện báo cáo, trình Thủ tướng có văn bản chấp thuận đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án, trong đó có bến này. Do đó, chủ đầu tư chưa triển khai đầu tư xây dựng bến tàu khách quốc tế được.

Còn khu cảng Sài Gòn - Khánh Hội có tổng chiều dài là 1.800 m, chiều rộng cầu cảng trung bình 12-25 m, cầu cảng được xây dựng bằng bê tông cốt thép kiên cố đảm bảo thuận lợi để phục vụ hoạt động của các tàu khách nội địa, tàu nhà hàng, tàu hành khách quốc tế.

Hiện nay, Công ty CP Cảng Sài Gòn đã di dời toàn bộ thiết bị, cần cẩu trên cảng về khu cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, chỉ còn khai thác đối với tàu chở hàng rời có cần cẩu trên tàu và khai thác một phần 500 m cầu cảng phục vụ tàu du lịch biển và tàu nhà hàng du lịch.

Ngày 22-2-2019, Văn phòng Chính phủ có thông báo về kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM. Trong đó có nội dung: “Cho phép giữ lại, tiếp tục quy hoạch 1.800 m cầu cảng tại khu vực Sài Gòn - Khánh Hội cho các tàu khách quốc tế, tàu nhà hàng và các phương tiện thủy phục vụ du lịch, tạo điều kiện lợi cho việc phát triển các tuyến du lịch đường thủy…”.

Nhu cầu tìm chỗ đậu du thuyền ở TP.HCM là rất lớn. Ảnh: PĐ

Nhu cầu tìm chỗ đậu du thuyền ở TP.HCM là rất lớn. Ảnh: PĐ

Vị trí dự kiến sẽ có hai bến du thuyền tầm cỡ ở TP.HCM. Đồ họa: THÙY TRANG

Vị trí dự kiến sẽ có hai bến du thuyền tầm cỡ ở TP.HCM. Đồ họa: THÙY TRANG

Tuy nhiên, dự án này phải báo cáo Thủ tướng về tình hình triển khai thực hiện công tác di dời cảng Sài Gòn của các đơn vị. Trong đó, báo cáo, trình Thủ tướng chấp thuận tiếp tục thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất tại vị trí cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (cảng cũ) để thực hiện dự án. “Nên đến nay chủ đầu tư chưa triển khai các bước tiếp theo của dự án, ảnh hưởng đến khai thác hành khách du lịch trong nước và quốc tế tại khu cảng” - văn bản Sở GTVT TP nêu khó khăn.

Tiềm năng to lớn về công nghiệp du thuyền

Ông Richard Ward, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Corsair Marine International - chủ nhân hai hãng thuyền buồm danh tiếng Seawind và Corsair Marine, có nhà máy tại TP.HCM, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ngành công nghiệp đóng du thuyền mang lại hàng trăm tỉ USD mỗi năm. Trong đó, Việt Nam là quốc gia biển có nhiều lợi thế để phát triển du lịch và công nghiệp đóng du thuyền.

Bản thân ông đau đáu muốn phát triển trung tâm hàng hải hàng đầu tại TP.HCM nhiều năm nay nhưng do chưa có hành lang pháp lý để thực hiện. Ông cho biết tại TP.HCM có nhiều vị trí rất đẹp và thuận lợi để xây dựng bến du thuyền hay trung tâm hàng hải kết nối thuận lợi để đi sâu vào nội địa và ra hướng biển, do vậy nếu chậm trễ sẽ lãng phí nguồn tài nguyên và đội ngũ lao động Việt Nam có tay nghề trong lĩnh vực đóng tàu.

“Đồng thời, việc có nhiều bến du thuyền tầm cỡ sẽ mở ra không gian rộng lớn hơn cho người dân giải trí, du lịch và bộ môn thể thao du thuyền trên hệ thống sông, biển rất rộng lớn tại Việt Nam” - ông Richard Ward nói.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) - một đơn vị phát triển và phân phối bất động sản, thì cho rằng du thuyền là phương tiện được tầng lớp có điều kiện tài chính rất ưa chuộng, bởi thuận tiện di chuyển, có nhiều tiện nghi bên trong, đồng thời là cách tận hưởng phong cách sống thượng lưu của mình một cách đầy tinh tế.

“Hiện nay, số người có du thuyền ở Việt Nam chưa nhiều, mà lý do chính bởi vì nơi neo đậu hiếm và các địa điểm neo đậu hiện hữu chưa thực sự xứng tầm với giá trị của chiếc du thuyền” - ông Việt đánh giá.

Vì vậy theo ông Việt, việc có thêm những bến đậu đạt chuẩn quốc tế, đội ngũ vận hành chuyên nghiệp sẽ là điều kiện cần và đủ để gia tăng nhanh số lượng du thuyền tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.•

Kiến nghị nhiều nội dung

Về khu bến ở cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, Sở GTVT TP kiến nghị giao Sở TN&MT TP khẩn trương chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan báo cáo, tham mưu, trình UBND TP có ý kiến đối với nội dung dự thảo công văn báo cáo Thủ tướng sau khi thực hiện khảo sát tình hình triển khai thực hiện công tác di dời cảng Sài Gòn của các đơn vị.

Sau khi dự án khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội được Thủ tướng chấp thuận, tiếp tục thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án. Trong quá trình thực hiện dự án, Sở GTVT TP sẽ phối hợp với nhà đầu tư triển khai phần cầu bến Nhà Rồng - Khánh Hội. Phần cầu cảng này dành cho các tàu khách quốc tế, tàu nhà hàng và các phương tiện thủy phục vụ du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các tuyến du lịch đường thủy.

Đối với bến tàu khách quốc tế tại khu công viên Mũi Đèn Đỏ, Sở GTVT TP kiến nghị UBND TP xem xét, báo cáo, trình Thủ tướng xem xét, chấp thuận đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở đô thị quy mô 117 ha tại quận 7 để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm