Ngày 9-10, Thành ủy TP.HCM tổ chức Lễ khai giảng lớp bồi dưỡng cán bộ được quy hoạch Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2025-2030.
Thông tin tại buổi khai giảng, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, cho biết hiện nay TP.HCM có 65 ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ TP (số ủy viên chính thức- PV). Trung ương đã đồng ý tăng thêm 6 ủy viên trong nhiệm kỳ tới.
“Như vậy, TP.HCM sẽ có 71 ủy viên nhiệm kỳ 2025-2030. Theo độ tuổi, nhiệm kỳ này có 50 cán bộ đủ độ tuổi tái cử. TP.HCM sẽ bổ sung khoảng 20 cán bộ ngay Đại hội vào tháng 10-2025”- Bí thư TP.HCM thông tin.
Thông tin này cũng được Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết cho hay khi quán triệt Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, tại hội nghị lần thứ 33 Ban chấp hành Đảng bộ TP nhiệm kỳ khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, diễn ra vào chiều 8-10.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết cho hay, sau khi Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị ban hành, Ban Tổ chức Trung ương đã xây dựng, hướng dẫn thực hiện khi lấy ý kiến các địa phương và tiếp thu nhiều góp ý của TP.HCM. Theo đó, ngoài việc đồng ý tăng số lượng ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM, Trung ương cũng đồng ý tăng số lượng Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ TP Thủ Đức từ 43 lên đến 45 ủy viên.
Tại buổi quán triệt, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, Chỉ thị 35 đặt ra 7 yêu cầu đối với công tác chuẩn bị và tiến hành Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ năm 2025- 2030. Trong đó, bổ sung mới một số yêu cầu, chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc cần tiếp tục chấn chỉnh, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, công tác chuẩn bị nhân sự.
Về tiêu chuẩn cấp ủy viên nhiệm kỳ năm 2025 - 2030, Chỉ thị cơ bản kế thừa tiêu chuẩn nêu tại Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị khóa XII, Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đồng thời, bổ sung, cụ thể hóa quy định về thời gian giữ chức vụ đối với cán bộ được giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn theo Quy định số 80 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm giới thiệu cán bộ ứng cử…
Về cơ cấu, tỷ lệ cán bộ tham gia cấp ủy và chủ trương cán bộ không là người địa phương. Chỉ thị của Bộ Chính trị quy định rõ phải đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy đối với những địa bàn, lĩnh vực quan trọng nhưng coi trọng chất lượng, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, không nhất thiết địa phương, ban, ngành nào cũng phải có người tham gia.
Bên cạnh đó, cấp ủy không nhất thiết quy định thống nhất những chức danh có cơ cấu cứng tham gia ban thường vụ. Số chức danh còn lại do cấp ủy quyết định phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị và tình hình đội ngũ cán bộ…
Về số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp, Chỉ thị lần này xác định số lượng cấp ủy viên cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện như nhiệm kỳ năm 2015-2020; đồng thời bổ sung quy định cụ thể hơn số lượng ban thường vụ cấp ủy cấp huyện từ 13 người, số lượng cấp ủy viên đảng bộ cấp xã không quá 15 người, ban thường vụ không quá 5 người…
Về quy trình nhân sự cơ bản thực hiện theo Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và Quyết định 80 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, đồng thời bổ sung để đảm bảo dân chủ, chặt chẽ trên cơ sở xác định rõ thẩm quyền của tập thể lãnh đạo trong công tác nhân sự, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Riêng quy trình nhân sự tái cử có 2 bước, rút đi một bước so với nhiệm kỳ trước và quy trình nhân sự lần đầu tham gia. Quy trình nhân sự cấp ủy có 5 bước, trong đó bổ sung mới nội dung quy định cụ thể về nguyên tắc lựa chọn và tỷ lệ số dư ở mỗi bước, trình tự thực hiện đối với những người tái cử trước.