TP.HCM họp báo: 'Nóng' chuyện xăng dầu, BOT cầu đường

(PLO)- Có cây xăng đóng cửa là do thiếu hàng cục bộ; thị trường bất động sản TP năm 2023 tiếp tục gặp khó.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 9-2, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM (Ban chỉ đạo) họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TP tuần qua. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì cuộc họp.

10 cây xăng ngưng, tạm ngưng vì thiếu hàng cục bộ

Tại buổi họp báo, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) Ngô Hồng Y cho biết trên địa bàn TP.HCM có hệ thống cung cấp xăng dầu với 15 thương nhân đầu mối nhập khẩu và sản xuất, cung cấp xăng dầu; 61 thương nhân phân phối và một tổng đại lý (36 đại lý, tổng là 449 cửa hàng bán lẻ).

Hiện có sáu cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động do giải thể hoặc xin phép sửa chữa.

Từ sau tết Nguyên đán, không quá 10 cửa hàng ngưng hoạt động hoặc tạm ngưng do thiếu hàng cục bộ.

Phó Giám đốc Sở GTVT Bùi Hòa An trả lời các nội dung liên quan đến lĩnh vực phụ trách. Ảnh: TTBC

Phó Giám đốc Sở GTVT Bùi Hòa An trả lời các nội dung liên quan đến lĩnh vực phụ trách.
Ảnh: TTBC

“Trên 98% số cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP vẫn duy trì hoạt động và đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân” - đại diện Sở Công Thương khẳng định.

Vụ lật đò trên sông Đồng Nai không thuộc TP.HCM

Cũng tại cuộc họp báo, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Hòa An thông tin về vụ lật đò xảy ra trên sông Đồng Nai vừa qua.

Ông An khẳng định sự việc xảy ra không thuộc địa bàn TP.HCM.

Ông An thông tin thêm toàn TP hiện có 22 bến đò ngang, phục vụ gần 3 triệu lượt khách/năm.

Theo ông Ngô Hồng Y, thời gian tới Sở Công Thương vẫn duy trì phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức giám sát hoạt động của các cây xăng, đảm bảo các cửa hàng hoạt động thường xuyên và đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.

Thị trường bất động sản TP chưa ổn định

Thông tin về tình hình nhà ở, bất động sản (BĐS) trên địa bàn TP, ông Vũ Anh Dũng, Phó phòng Phát triển nhà và thị trường BĐS (Sở Xây dựng), cho biết năm 2022, TP có 23 dự án BĐS được xác nhận đủ điều kiện huy động vốn với tổng số căn hộ là 13.086.

Nhìn chung, thị trường BĐS TP.HCM trong năm 2022 có phát triển nhưng chưa ổn định, nguồn cung dự án đối với từng phân khúc nhà ở tăng, giảm không đều; cơ cấu sản phẩm mất cân đối, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, việc kinh tế xuất hiện nhiều diễn biến khó lường khiến nhiều doanh nghiệp BĐS lâm vào cảnh khó khăn, thanh khoản thị trường thấp, nhiều dự án đang xây dựng dở dang phải dừng lại.

Năm nay, Sở Xây dựng dự báo thị trường BĐS tiếp tục gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, sẽ có sự điều chỉnh để giải quyết vấn đề lệch pha cung cầu.

Từ dự báo trên, sở đưa ra một số giải pháp triển khai trong thời gian tới để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở. Tiếp tục rà soát các dự án chậm tiến độ do vướng mắc về pháp lý; dự án chưa nộp tiền sử dụng đất; dự án bị các chủ đầu tư chậm trễ làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Sẽ làm BOT trên nhiều tuyến đường hiện hữu

Phó Giám đốc Sở GTVT Bùi Hòa An cho hay về cơ chế đề xuất áp dụng hình thức hợp đồng BOT đối với hệ thống đường bộ hiện hữu.

Theo đó, sẽ tập trung với các tuyến đường trục chính đô thị kết nối vùng quốc lộ đi qua địa phận TP.HCM như Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, đường trục Bắc - Nam hoàn chỉnh và cắt ngang đường vành đai 2, với quy mô đầu tư mở rộng theo lộ giới quy hoạch đầu tư đường trên cao.

Theo ông An, việc thu hút được vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng từ khu vực tư nhân thông qua hình thức BOT là rất cần thiết.

“Do vốn ngân sách của chúng ta vốn trung hạn năm 2021-2025 bố trí là 141.000 tỉ đồng. Hiện nay vốn đầu tư cho giao thông chỉ đáp ứng khoảng 20% từ đầu tư công cho phát triển hệ thống giao thông TP” - ông An giải thích.

Thời gian qua, TP đã huy động nguồn lực xã hội đầu tư các dự án khoảng gần 10.000 tỉ đồng theo hình thức hợp đồng BOT, hoàn thành đưa vào khai thác.

Nhiều công trình đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao điều kiện sống cho người dân, đảm bảo an toàn giao thông, giảm kẹt xe, tăng cường lưu thông hàng hóa.

Việc áp dụng đối với hình thức hợp đồng BOT là hình thức thu phí trực tiếp của người sử dụng để hoàn vốn đầu tư.

Do đó, quá trình xác định và lựa chọn công trình đầu tư áp dụng hình thức hoạt động nêu trên, TP sẽ chủ động xem xét, đánh giá đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm