TP.HCM huy động tối đa nguồn lực, tăng tốc phát triển năm 2023

(PLO)- Năm 2023, TP.HCM tập trung giải ngân đầu tư công, nâng cao chất lượng công vụ và quyết tâm tạo sự chuyển biến tích cực trong hạ tầng giao thông.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 20-12, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Khắc phục ngay các điểm nghẽn hành chính

Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành đã tập trung đánh giá tình hình kinh tế trong năm qua, phân tích những biến động từ thực tế để đề ra giải pháp trọng tâm cho năm 2023.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhắc lại điểm nghẽn nổi bật của năm 2022 là sự phối hợp giữa các sở, ngành.

Ông yêu cầu trong năm 2023, người đứng đầu sở, ngành có giải pháp thực hiện kỷ cương, kỷ luật để nâng chất lượng, hiệu quả công vụ của từng cơ quan, từng cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời nhận diện rõ những điểm mạnh, yếu để tập trung tháo gỡ. Qua đó thúc đẩy công việc, tăng hấp thụ nguồn lực cho phát triển.

Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HH

Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HH

“Rà soát các công việc còn tồn đọng của người dân, doanh nghiệp, các tồn đọng giữa các cấp, các ngành với nhau để phân nhóm, phân công giải quyết, có tiến độ rõ ràng” - Chủ tịch UBND TP yêu cầu.

Liên quan đến công tác điều hành khối ủy ban, ông Mãi nói từng sở, ngành, quận, huyện phải nắm chắc tình hình, sát với từng diễn biến mới phát sinh để có sự thích ứng phù hợp. “Cái gì thuộc thẩm quyền của mình thì giải quyết ngay, cái gì vượt thì báo cáo để UBND TP xử lý hoặc xin ý kiến trung ương với tinh thần nắm bắt kịp thời để ứng phó với những phát sinh mới” - ông Mãi nhấn mạnh.

Tìm cách đưa tiền vào sản xuất, kinh doanh

Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, ngay trong quý I-2023, TP.HCM phải hoàn thiện kế hoạch đề xuất nâng trần đầu tư công, xây dựng tiêu chí thu hút FDI trong giai đoạn hiện nay; đề án huy động đầu tư xã hội, chính sách phát huy kiều hối; kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… “Nếu có chính sách tốt thì nguồn tiền sẽ chảy vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, sẽ trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế TP” - ông Mãi cho biết và nói cần có kế hoạch để huy động tổng đầu tư toàn xã hội; tập trung hết sức cho giải ngân đầu tư công.

Ông Mãi yêu cầu cần nỗ lực để đến cuối tháng 1-2023 sẽ đạt tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công là 86%.

Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận khối lượng công việc năm 2023 rất lớn, nhiều sự việc phát sinh. Vì vậy, cả hệ thống chính quyền cần nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Tạo vốn từ nguồn nhà đất dôi dư

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Lê Duy Minh cho biết với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 167, sở này sẽ tham mưu UBND TP.HCM về công tác quản lý tài sản công. Theo đó, phương án sẽ là bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá đối với nhà đất dôi dư, không còn nhu cầu sử dụng sau khi sắp xếp lại.

TP sẽ thu hồi các cơ sở nhà đất do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng không đúng quy định, không hiệu quả, tự nguyện trả lại cho Nhà nước để giao cho trung tâm phát triển quỹ đất hoặc trung tâm quản lý nhà và giám định xây dựng; quản lý và đề xuất phương án sử dụng hiệu quả, hoặc đề xuất bán đấu giá tạo nguồn thu nộp ngân sách để chi đầu tư phát triển.

Cạnh đó, năm 2023, Sở Tài chính dự kiến sẽ có thêm nguồn thu từ việc sắp xếp lại, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước; thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển…

Lấy đầu tư công dẫn dắt các nguồn lực

Cùng bàn luận về các giải pháp tạo nguồn thu cho TP, Giám đốc Sở KH&ĐT TP Lê Thị Huỳnh Mai cho hay HĐND TP.HCM đã thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, với nguồn vốn ngân sách của TP.HCM là gần 143.000 tỉ đồng.

Bà Mai nhìn nhận với nguồn vốn này thì TP chỉ cân đối được 21% tổng nhu cầu đầu tư, không đủ để bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp của giai đoạn trước.

Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công còn hạn hữu, TP cần có các giải pháp để lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, đẩy mạnh hợp tác công - tư.

Cạnh đó, cần tạo thêm nguồn vốn; có giải pháp huy động nguồn vốn từ quỹ đất công, tài sản công, cổ phần hóa… với các việc làm cụ thể là: Sớm đấu giá với các khu đất đã có chủ trương, đẩy nhanh việc tính tiền sử dụng đất đối với các khu đất, dự án đã đủ điều kiện.

Đồng thời, có giải pháp thực hiện đề án quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả hơn, trong đó có đề xuất thu hồi thêm đất dọc các công trình, hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá…

Triển khai hàng loạt công trình hạ tầng giao thông

Tại hội nghị, Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm thông tin cuối tháng 12 này, TP sẽ khởi công ba công trình lớn nhằm giải quyết ùn tắc giao thông là nút giao An Phú, mở rộng Quốc lộ 50 và đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa kết nối nhà ga T3.

Cuối tuần này, dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất cũng sẽ khởi công.

Năm 2023, metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ đưa vào khai thác. Tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) sẽ triển khai trước việc di dời hạ tầng kỹ thuật song song việc tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư; năm 2024 sẽ khởi công, hoàn thành vào năm 2028.

Giám đốc Sở GTVT cũng cho biết sở này đang chuẩn bị triển khai những công trình chuẩn bị đầu tư theo hình thức BOT như cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm