TP.HCM kiến nghị chưa hợp nhất các sở, ngành

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Nội vụ về việc không đăng ký thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn theo đề nghị của bộ này vì khối lượng công việc của các sở/ngành, quận/huyện tại TP.HCM là rất lớn và ngày càng nhiều.

Đô thị đặc biệt, dân đông, công việc nhiều

Theo UBND TP, TP.HCM là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế - văn hóa - giáo dục - khoa học công nghệ, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế và là đầu tàu, động lực có sức thu hút, sức lan tỏa mạnh của vùng kinh tế trọng điểm phía nam với quy mô dân số lớn nhất nước, đóng góp cho ngân sách nhiều nhất nước.

Qua thống kê, dân số của TP.HCM hiện nay gần 9 triệu dân, tức gần 1/2 tổng số dân các tỉnh trong một vùng đông dân của cả nước (các tỉnh đồng bằng sông Hồng), gần gấp hai lần tổng số dân của một vùng ít dân nhất (so với các tỉnh Tây Nguyên). Nếu so sánh theo từng tỉnh, dân số TP.HCM gấp 10 lần bình quân dân số của mỗi tỉnh, TP...

Về thu ngân sách nhà nước, bình quân tổng thu ngân sách trên địa bàn TP.HCM chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách cả nước, trong đó chỉ tiêu thu ngân sách được giao hằng năm cao gấp 10-20 lần so với các tỉnh, TP khác.

UBND TP.HCM cho rằng với tính chất đặc thù về phát triển kinh tế-xã hội, có vị trí, vai trò, đặc điểm của đô thị đặc biệt cùng khối lượng công việc giải quyết ngày càng nhiều và có xu hướng ngày càng tăng lên, mức độ phức tạp của công việc càng cao đòi hỏi việc tuân thủ quy trình, quy chuẩn, các kế hoạch, pháp luật phải triệt để và chính xác đang tạo nên áp lực lớn đối với tổ chức bộ máy cũng như đội ngũ cán bộ, công chức của TP.

Do đó, để phù hợp với quy mô rất lớn của TP, việc thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện tại TP.HCM cần được tổ chức nghiên cứu chặt chẽ, đảm bảo thực hiện có hiệu quả trước khi đăng ký thí điểm.

Theo đề án, sẽ thí điểm hợp nhất Sở Tài chính với Sở KH&ĐT thành Sở Tài chính và Kế hoạch. Trong ảnh: Cán bộ Sở KH&ĐT TP.HCM đang hướng dẫn cho người dân đăng ký kinh doanh online trên máy tính. Ảnh: THANH TUYỀN

Hạt nhân vùng, phải dùng cách quản lý khác

Theo UBND TP.HCM, TP chưa thể sớm sáp nhập các sở/ngành do xuất phát điểm từ vị trí, vai trò và quy mô của TP.HCM.

20 là số cơ quan chuyên môn (sở/ngành) hiện có trực thuộc UBND TP; cạnh đó là 12 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp quận/huyện. Trong khi đó, theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, ở cấp tỉnh sẽ giảm xuống còn bốn và ở cấp huyện giảm còn ba đầu mối cơ quan chuyên môn. 

Cụ thể, về vai trò của TP.HCM trong liên kết vùng, hợp tác phát triển với các tỉnh, hiện TP là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, tham gia tổ chức xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện môi trường đầu tư, góp phần giữ tốc độ tăng trưởng bình quân toàn vùng trong 10 năm qua gấp 1,5 lần so với cả nước.

Từ năm 2000, TP.HCM đã ký kết chương trình hợp tác kinh tế-xã hội với 36 tỉnh, TP. Các sở/ngành, đơn vị và hơn 1.134 doanh nghiệp của TP đã ký kết hợp tác tại các địa phương với 1.165 dự án với tổng giá trị ước khoảng 279.503 tỉ đồng. Việc các doanh nghiệp TP đầu tư và hình thành những khu công nghiệp đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các tỉnh trong vùng (từ tỉnh thuần nông nghiệp chuyển sang ngành công nghiệp chiếm phần lớn tỉ trọng trong GDP của tỉnh); góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân địa phương và giảm xu hướng di dân trong độ tuổi lao động vào TP.

Theo UBND TP, với vai trò hạt nhân như nêu trên thì cơ cấu tổ chức, cách quản lý nhà nước của các sở/ngành ở TP.HCM phải khác, chưa thể “y khuôn” các địa phương, tỉnh bạn. Trong hoàn cảnh đó, nhiều năm qua TP đã ra sức hoàn thiện hệ thống chính sách, thể chế và cơ cấu tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực nhằm bảo đảm vấn đề quản lý nhà nước trên địa bàn cũng như bảo đảm vai trò hạt nhân vùng.

Trước đó, Bộ Nội vụ gửi văn bản yêu cầu các địa phương đăng ký thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Cụ thể, ở cấp tỉnh, thí điểm hợp nhất Sở Tài chính với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành Sở Tài chính và Kế hoạch; Sở GTVT hợp nhất với Sở Xây dựng thành Sở Giao thông vận tải và Xây dựng; Sở Nội vụ hợp nhất với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Thành ủy thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ; thanh tra cấp tỉnh với Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy thành Cơ quan Thanh tra - Kiểm tra.

Ở cấp huyện, thí điểm hợp nhất Phòng Nội vụ với Ban Tổ chức cấp ủy cấp huyện thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ; thanh tra cấp huyện với Ủy ban Kiểm tra cấp ủy cấp huyện thành Cơ quan Thanh tra - Kiểm tra; hợp nhất Văn phòng HĐND và UBND với văn phòng cấp ủy cấp huyện thành văn phòng cấp huyện. 

Đang thí điểm nên cần ổn định

Về mô hình tổ chức bộ máy, UBND TP.HCM cho biết Thủ tướng đang cho TP.HCM thí điểm lập Ban quản lý an toàn thực phẩm. Ngoài ra, TP đã có văn bản xin Thủ tướng cho lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND các quận/huyện và tổ chức lại Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc chính quyền cấp quận/huyện thành Trung tâm Phát triển quỹ đất.

TP.HCM cũng đã xin trung ương cho xây dựng đề án mô hình chính quyền đô thị. Vì vậy, TP cần ổn định tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn nên không thí điểm hợp nhất các sở/ngành cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Trước đó, vào tháng 3-2017, UBND TP.HCM cũng đã có công văn góp ý dự thảo nghị định của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và UBND TP.HCM góp ý không hợp nhất Sở Tài chính với Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở GTVT với Sở Xây dựng.

Ông TRẦN QUANG LÂMGiám đốc Sở GTVT TP.HCM:

Khối lượng công việc và nhu cầu của người dân TP.HCM rất lớn

TP.HCM kiến nghị chưa hợp nhất các sở, ngành ảnh 2
 

TP.HCM là một siêu đô thị với dân số đông nhất nước, mật độ dân số khoảng 4.400 dân/km2 thuộc vào loại cao nhất cả nước. TP là đầu mối giao thông của khu vực phía nam về hàng không, cảng biển và đường sắt với quy mô lớn nhất cả nước. Về hàng không, TP.HCM đạt tới 41,2 triệu lượt hành khách/năm thông qua sân bay Tân Sơn Nhất. Sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển là gần 120 triệu tấn/năm…

Về lượng phương tiện cũng lớn nhất cả nước, tính đến tháng 12-2019, TP đang quản lý hơn tám triệu phương tiện gồm ô tô, mô tô. Riêng phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải chiếm 1/4 cả nước với hơn 83.000 đơn vị và hơn 770.000 ô tô kinh doanh vận tải với nhiều loại hình như xe buýt, xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe tải…

Với quy mô dân số và các hoạt động nêu trên kéo theo khối lượng công việc dịch vụ công giải quyết nhu cầu của người dân rất lớn. Đơn cử như lĩnh vực đào tạo cấp giấy phép lái xe, hằng năm Sở GTVT cấp khoảng 550.000 giấy phép lái xe, đồng nghĩa với việc giải quyết 550.000 hồ sơ thủ tục có liên quan. Trung bình mỗi ngày có gần 1.500 hồ sơ thủ tục, chiếm khoảng 22% cả nước.

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết riêng năm 2019 sở này đã nhận hơn 19.500 hồ sơ hành chính, trong đó giải quyết gần 18.000 hồ sơ. Riêng ban giám đốc sở phải chủ trì và dự hơn 550 cuộc họp trong và ngoài sở, qua đó để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyên môn để không chậm trễ, không tồn đọng hồ sơ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. 

Về lĩnh vực đầu tư, nguồn vốn dành cho ngành giao thông hằng năm khoảng 20.000 tỉ đồng. Đi cùng với đó là số lượng hồ sơ thủ tục các công việc như thẩm định, phê duyệt, kiểm tra, thanh tra… cũng rất lớn.

Cũng cần nói thêm, TP.HCM đang trong giai đoạn yêu cầu phát triển nhanh về hạ tầng giao thông (hiện nay mới chỉ đáp ứng 30% so với quy hoạch). Do đó bên cạnh đảm bảo duy trì hạ tầng để đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi cho người dân thì cũng phải tập trung đầu tư xây dựng nhiều công trình mới như hệ thống đường sắt, đường vành đai, các nút giao, các tuyến đường cửa ngõ, cao tốc… Do vậy, khối lượng công việc của ngành giao thông TP rất nhiều, trong khi ở các TP lớn của nước phát triển, hạ tầng giao thông đã cơ bản hoàn chỉnh, chỉ tập trung vào công tác quản lý, bảo trì, khai thác và tối ưu hóa mạng lưới giao thông.

Với khối lượng công việc nhiều và áp lực công việc rất lớn như thế, cán bộ, công chức, viên chức ngành giao thông thường xuyên phải làm việc với cường độ rất cao. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm