Ngày 19-10, UBND TP.HCM thông tin vừa có văn bản gửi Bộ Y tế về việc cung ứng vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng(TCMR) tại TP.HCM.
Theo UBND TP.HCM, năm 2022, chương trình TCMR tại TP đã bị gián đoạn cung ứng một số vaccine trong một khoảng thời gian nhất định, trong đó có vaccine 5 trong 1, bạch hầu - ho gà - uốn ván và vaccine sởi.
Để đảm bảo vaccine phục vụ nhu cầu TCMR của người dân, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ, chỉ đạo chương trình tiêm chủng quốc gia phân bổ vaccine cho TP theo số lượng đã dự trù trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, ngày 15-8, TP.HCM nhận được 12.400 liều vaccine 5 trong 1 do Bộ Y tế phân bổ từ nguồn viện trợ và tài trợ. Sau thời gian triển khai tiêm vaccine cho trẻ em theo đúng quy định, đến ngày 10-10, số vaccine này chỉ còn khoảng 3.000 liều, dự kiến sẽ hết trong vòng hai tuần tới.
Các loại vaccine khác trong chương trình TCMR chỉ còn với số lượng rất hạn chế như vaccine ngừa sởi - rubella còn 2.300 liều, ngừa uốn ván còn 600 liều, ngừa sởi còn 660 liều, ngừa viêm gan siêu vi B còn 89 liều… Theo báo cáo của Sở Y tế, số vaccine này chỉ đủ tiêm trong vòng hai tuần.
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc về cơ chế mua sắm vaccine trong chương trình TCMR, ngày 10-7-2023 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98 về bố trí ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vaccine cho chương trình TCMR.
Chính phủ giao Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương lập kế hoạch, xác định nhu cầu vaccine theo từng chủng loại, cơ cấu vaccine cần thiết, danh mục, lộ trình tiếp nhận từng loại vaccine đảm bảo lộ trình tăng số lượng vaccine trong TCMR thống nhất trong toàn quốc.
Theo đó dự kiến nhanh nhất phải đến cuối tháng 12-2023 mới có nguồn cung ứng trở lại các vaccine thuộc chương trình TCMR, trong đó có vaccine 5 trong 1.
Hiện Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) tiếp tục điều phối hợp lý nguồn vaccine còn lại giữa các địa phương trên địa bàn và hướng dẫn các trạm y tế phường, xã rà soát và quản lý chặt chẽ danh sách trẻ đến lượt tiêm mới, tiêm nhắc lại và triển khai tiêm sớm nhất khi có nguồn vaccine được cung ứng trở lại.