Chiều 28-6, tại tỉnh Tây Ninh diễn ra Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ với chủ đề “Liên kết - Phát triển- Bền Vững”.
Ông Trần Văn Chiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế giá trị tài nguyên du lịch của TP.HCM và năm tỉnh Đông Nam Bộ, UBND năm tỉnh cùng TP.HCM thống nhất ký kết thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020-2025. Năm tỉnh này gồm Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Nội dung liên kết gồm: Công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát triển và liên kết sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến, phát triển nguồn nhân lực du lịch, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (ngoài cùng bên trái) cùng Bí thư Nguyễn Thiện Nhân tham quan các gian hàng giới thiệu điểm đến nổi bật, đặc sản địa phương của các tỉnh tại khu vực triển lãm của hội nghị chiều 28-6
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, năm 2019, Đông Nam Bộ đã đón gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 27,8% so với cùng kỳ, doanh thu đạt 7 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng đó, ngành du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là niềm tự hào của vùng.
Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2020, trước diễn biến COVID-19, phần lớn các quốc gia đóng cửa biên giới, dừng các chuyến bay, hàng loạt các dịch vụ không thiết yếu cũng tạm thời ngưng hoạt động, chuỗi cung ứng hầu như bị đổ gãy.
Sau khi kiểm soát được dịch, các biện pháp trên được nới lỏng nhưng mặt trái của phòng chống dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội. Trong đó, du lịch là một trong những ngành bị thiệt nặng nề. Du khách cân nhắc kỹ khi chi tiêu cho du lịch, đặc biệt là du lịch nước ngoài.
Theo ông Phong, trong 6 tháng đầu năm 2020, vùng Đông Nam Bộ đón 1,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm 65% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh đó, chiến lược, cách tiếp cận để ngành du lịch tiếp tục phát triển cũng phải thay đổi nhằm phù hợp với điều kiện thực tế trong giai đoạn mới.
Đó là cách tiếp cận theo hướng tập trung phát triển thị trường du lịch nội địa và chuẩn bị phát triển thị trường du lịch quốc tế vào thời điểm phù hợp.
Bên cạnh đó, ông Phong cho biết hội nghị còn là dịp để hiểu sâu hơn về tiềm năng, lợi thế, cũng như định hướng phát triển của mỗi địa phương, trong đó có TP.HCM. Hơn 15 năm qua, du lịch đã được xác định là một trong chín ngành dịch vụ chủ yếu và đóng góp khoảng 11% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM.
“Do đó, TP.HCM nỗ lực hết mình để cùng với các địa phương vùng Đông Nam Bộ đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và trở thành cầu nối quan trọng, đẩy mạnh hội nhập quốc tế”, ông Phong khẳng định.
Đánh giá cao nội dung phối hợp của sáu tỉnh, Bí thư thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết về phát triển sản phẩm, nếu các tỉnh phối hợp với nhau sẽ tạo ra các tour có sắc thái khác nhau, đem lại hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng thu hút khách đến nhiều hơn. Gắn với đó, lãnh đạo của sáu tỉnh, thành phố phối hợp đánh giá, phải chuẩn hoá trình độ các điểm đến đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Về vấn đề tiếp thị, lâu nay các địa phương tiếp thị cho các sản phẩm của mình nhưng nếu đã là vùng thì mỗi tỉnh tiếp thị cho mình và cho cả năm tỉnh còn lại. Như vậy, sẽ tăng tần suất quốc tế tiếp cận thông tin gấp năm lần.
Về vấn đề đào tạo nhân lực, mỗi tỉnh thành địa phương không thể mời chuyên gia quốc tế về dạy cho riêng mình. TP.HCM đã phối hợp với các trường đào tạo du lịch ở Úc, làm kế hoạch hỗ trợ nâng cấp du lịch TP.HCM và các tỉnh khác trên hai góc độ. Đó là đánh giá trình độ của các khách sạn, các điểm đến du lịch và đào tạo những người quản lý các khách sạn, điểm đến du lịc. Trước hết là đào tạo các trường du lịch của TP.HCM, và các trường đó sẽ đào tạo cho các trường của các tỉnh khác trong vùng…