Chiều 30-10, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp kinh tế- xã hội tháng 10, 10 tháng năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cuối năm 2023.
Áp lực trong hai tháng cuối năm
Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, nhìn nhận bước sang tháng 10, dù vẫn chịu tác động kép từ những bất lợi bên ngoài và bất cập bên trong nhưng kinh tế TP.HCM vẫn có những điểm sáng, nổi bật là chỉ số sản xuất công nghiệp.
Phân tích kĩ hơn, ông Hoàng cho rằng dù nhiều chỉ số kinh tế của TP tăng nhưng so với trước dịch COVID-19 thì vẫn chưa được phục hồi. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp của TP 10 tháng năm 2023 tăng 3,7% trong khi bình thường, con số này phải 7-8%.
Theo ông Hoàng, sau hai năm thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, kinh tế TP.HCM đang dần hồi phục để quay lại những kết quả của đầu năm 2019. Tháng 10 này, lần đầu tiên chỉ số tiêu thụ hàng hoá của ngành sản xuất công nghiệp tăng 1,5%. Điều này càng khẳng định chu kỳ sản xuất của TP đang vượt qua giai đoạn suy giảm, bước vào giai đoạn sản xuất cuối năm để phục vụ thị trường hàng hoá.
“Hai năm qua chúng ta đã cố gắng rất nhiều nhưng để phục hồi như giai đoạn năm 2019 thì chưa đạt được” – ông Hoàng nói và nhìn nhận hiện TP còn nhiều vấn đề khó khăn sau đại dịch.
Về tỉ lệ giải ngân đầu tư công, Cục trưởng Cục Thống kê cho biết tuy tỉ lệ này vẫn đang thấp (35%) nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ 2022i (29%). Ông Hoàng nhìn nhận để đạt được tỉ lệ giải ngân khoảng 80-90% vào cuối năm thì các tháng còn lại TP phải đạt trung bình 20-30%. Đây là áp lực rất lớn.
Thị trường doanh nghiệp có khởi sắc, mở rộng hơn khi mười tháng năm 2023, số doanh nghiệp tham gia thị trường đạt hơn 53.000 doanh nghiệp và rút khỏi thị trường hơn 28.000 doanh nghiệp, với tỉ lệ 10-5. Trong khi trước đó giai đoạn đầu năm 2023 thì tỉ lệ này là 10-11.
Tăng nguồn thu từ thuế, đất đai
Theo ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài Chính TP.HCM, tình hình trong những tháng tiếp theo sẽ còn nhiều khó khăn. Về tổng thu ngân sách, trong 10 tháng qua ước đạt 372.000 tỉ đồng, đạt 79,35% dự toán.
Người đứng đầu ngành tài chính lo lắng có khả năng hụt thu trong hai tháng cuối năm, con số này là khoảng 20.000 tỉ đồng
Ông dẫn chứng: Phần thu nội địa hiện đạt 83%, còn thu từ xuất/nhập khẩu chỉ 69%. Chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu khá cao. Số thuế thu từ nhập khẩu cũng rất thấp. Dự ước từ đây tới cuối năm hụt 4-5%.
Giải pháp mà ngành tài chính TP đưa ra cho hai tháng cuối năm là tập trung vào các khoản nợ thuế với hơn 40.000 tỉ đồng, trong đó lĩnh vực hải quan là gần 2.000 tỉ. Từ đó, ông đề nghị các cơ quan thuế, hải quan tập trung đẩy mạnh nguồn thu.
Về phương án đẩy mạnh giãn thuế, TP đã thực hiện từ tháng 3-2023. Tính đến tháng 9 có mức giảm khoảng 10.000 tỉ. TP phải cố gắng đến ngày 31-12 thu hồi lại được con số 10.000 tỉ này.
"Đồng thời, phải tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, dù doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn nhưng có một số lĩnh vực còn dư địa. Nhất là với các đơn vị thương mại điện tử trên địa bàn hoạt động rất sôi nổi rồi thì phải quản lý chặt" - ông Minh nói.
Giám đốc Sở Tài chính TP cũng cho rằng các sở, ngành cần cố gắng giải ngân vốn đầu tư công để đẩy thêm phần thuế đi vào trong tiêu dùng, các hoạt động của doanh nghiệp; thúc chi tiêu công, chi tiêu thường xuyên. Đến nay thu dự toán đạt 97% nhưng mức chi chỉ mới đạt gần 60%, tức là trong hai tháng cuối năm tiêu tốn thêm 40% so với cả năm.
Liên quan đến các khoản thu từ đất, ông Minh mong Sở TN&MT cũng cố gắng đẩy mạnh để có số thu này, với các dự án có nghĩa vụ tài chính. Ngoài ra, với các hồ sơ liên quan đến các đơn vị giải quyết nghĩa vụ tài chính công dân thì cũng cố gắng đẩy nhanh tiến độ.
TP cũng cần thực hiện các giải pháp về đất đai, cố gắng làm nhanh việc sắp xếp lại khu vực nhà đất công để sử dụng hiệu quả nhà đất. Sau khi sắp xếp thì sẽ xử lý được tài sản dôi dư bằng các giải pháp đấu giá để tăng nguồn lực tài chính của TP.
Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cũng đồng tình với phương án cần tăng cường các biện pháp để quản lý và bồi dưỡng nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định.
Đồng thời tích cực giải quyết các vướng mắc trong lĩnh vực thuế để tạo điều kiện giúp các cơ sở sản xuất kinh doanh đẩy mạnh hoạt động và thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.
Khách quốc tế đến TP.HCM tăng hơn 55%
Báo cáo tại phiên họp, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM, cho biết trong 10 tháng qua, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 3,7% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,2%; tổng doanh thu du lịch tăng 32,6%; khách quốc tế đến TP ước đạt hơn 4,12 triệu lượt, tăng 55,3%...
TP.HCM cũng duy trì đà tăng trưởng của hoạt động sản xuất công nghiệp và sức mua trong nước, ổn định cung cầu hàng hóa, hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức có sự chuyển biến tích cực.
Các chính sách, văn bản triển khai thực hiện cơ chế thí điểm chính sách đặc thù phát triển TP từng bước được hoàn thiện, tổ chức thực thi tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng giảm về số vốn đăng ký so với cùng kỳ (giảm 4,5%); có 25.086 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng 29,5%; thu hút FDI khoảng 2,31 tỉ USD, giảm 32,3% so với cùng kỳ;
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt 24.199 tỉ đồng (đạt 35% kế hoạch vốn được giao), chưa đảm bảo tiến độ giải ngân theo quy định.