TP.HCM mong muốn doanh nghiệp cùng hiến kế để chuyển đổi số

(PLO)- Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức mong muốn các doanh nghiệp mạnh dạn giới thiệu các giải pháp hiệu quả về chuyển đổi số cho chính quyền TP. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 14-5, HĐND TP.HCM phối hợp Đài Truyền hình TP tổ chức chương trình “Dân hỏi- chính quyền trả lời” tháng 5-2023 với chủ đề “Đầu tư chuyển đổi số trong quản lý nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp”.

TP.HCM muốn hấp thụ nguồn lực xã hội trong chuyển đổi số

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, TP.HCM coi chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất. Từ lâu, TP đã đặt mục tiêu phát triển dựa trên nền tảng công nghệ.

Năm 2021, TP.HCM chi 0,78% ngân sách cho chuyển đổi số, đến năm 2022 con số này là 0,97% và dự kiến năm 2023 là hơn 1%.

UBND TP.HCM cũng đang tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số đồng bộ hơn; giao Sở TT&TT tham mưu, triển khai các ứng dụng, dịch vụ chuyển đổi số cốt lõi để triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống. Cạnh đó, TP.HCM cũng tập trung xây dựng và khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức tại một hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức tại một hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Về đề nghị của cử tri là xây dựng ứng dụng thông tin giải quyết khiếu nại của người dân, ông Dương Anh Đức cho biết UBND TP.HCM đã chỉ đạo Văn phòng UBND TP.HCM có kế hoạch xây dựng phần mềm, sẽ hoàn thành trong năm 2023 với mong muốn giải quyết các khiếu nại của người dân một cách tháo đáo, minh bạch.

Liên quan đến việc doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số, ông Đức nói UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở TT&TT xây dựng kế hoạch hình thành trung tâm chuyển đổi số của TP.HCM.

Sở TT&TT có vai trò cầu nối kết, giới thiệu đến các doanh nghiệp về nhu cầu chuyển đổi số của TP.HCM, doanh nghiệp cũng có thể đưa ra giải pháp cùng với TP.HCM.

"Trong hệ thống doanh nghiệp của TP có đến 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đó là nguồn lực lớn và TP luôn coi trọng, mong muốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng tham gia. Chính quyền TP không phân biệt doanh nghiệp lớn hay nhỏ, công hay tư mà xem xét dựa chất lượng của dịch vụ, giải pháp"- ông Dương Anh Đức khẳng định và mong muốn các doanh nghiệp mạnh dạn giới thiệu các giải pháp hiệu quả về chuyển đổi số.

Ông Dương Anh Đức cũng cho biết TP.HCM là địa phương duy nhất có chương trình kích cầu đầu tư. Tới đây, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thì chương trình này sẽ được mở rộng. UBND TP.HCM sẽ đưa vào loại hình doanh nghiệp được hưởng chính sách như doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ thông tin.

“TP luôn mở rộng cửa, tạo điều kiện sẵn sàng để tiếp thu các ý kiến, giải pháp để hấp thụ những nguồn lực xã hội trong chuyển đổi số, đẩy nhanh tiến độ và chất lượng các dịch vụ chuyển đổi số”- Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức khẳng định.

Diễn đàn cũng ghi nhận ý kiến về việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lực chuyển đổi số. Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết đây là nhiệm vụ TP.HCM triển khai ngay từ đầu trong tiến trình thực hiện chính quyền số.

Năm 2022, TP.HCM đã đào tạo trên 1.000 cán bộ phục vụ chuyển đổi số. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đã tổ chức đào tạo trực tuyến cho cán bộ cấp xã về chuyển đổi số. Riêng TP.HCM đã giới thiệu hơn 500 cán bộ xã, phường, thị trấn tham gia chương trình.

Sắp tới, các sở- ngành TP sẽ có các chương trình đào tạo cán bộ chuyển đổi số cho các địa phương.

Cấp CCCD cho 3.000 nhân khẩu đặc biệt trong năm 2023

Tại chương trình, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM- bà Hồ Thị Lãnh, cho biết TP.HCM được Tổ Công tác Đề án 06 ghi nhận là một trong những đơn vị đi đầu cả nước trong việc thực hiện, triển khai đề án.

Dù vậy, quá trình thực hiện người dân vẫn phản ánh hạ tầng đường truyền còn hạn chế, phải thao tác nhiều lần, nhất là trong các khung giờ cao điểm. Một số dữ liệu công dân chưa được chính xác làm ảnh hưởng đến việc giao dịch và giải quyết các thủ tục hành chính của người dân.

Phó Trưởng phòng PC06 cho hay, Công an TP.HCM sẽ tham mưu Ban chỉ đạo Đề án 06 TP đưa các giải pháp khắc phục về đường truyền, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật... Công an TP.HCM cũng tiếp tục chỉ đạo lực lượng khẩn trương làm sạch dữ liệu công dân, phát huy hiệu quả của đường dây nóng 0693.187.111 để tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh của người dân về cư trú, CCCD, VNEID...

Đồng thời, Công an TP.HCM cũng khuyến nghị người dân chủ động kiểm tra thông tin trên cổng dịch vụ công quốc gia; khi phát hiện sai sót cần liên hệ công an, nơi đăng ký thường trú hỗ trợ cập nhật nhật, chỉnh sửa thông tin.

TP.HCM mong muốn doanh nghiệp cùng hiến kế để chuyển đổi số ảnh 2

Phó Trưởng Phòng PC06, Công an TP.HCM- bà Hồ Thị Lãnh trả lời cử tri trong chương trình. Ảnh: Chụp màn hình.

Phó Trưởng phòng PC06 thông tin thêm, TP.HCM hiện có khoảng 3.000 nhân khẩu đặc biệt (đa phần là không có giấy tờ tùy thân, hiện sống trong các cơ sở bảo trợ của TP).

Công an TP.HCM và Sở LĐ- TB&XH TP đến trực tiếp các cơ sở bảo trợ xã hội để nắm tình hình, phối hợp xử lý để cấp CCCD cho những nhân khẩu này.

Ban chỉ đạo Đề án 06 TP.HCM xác định đây là nội dung trọng tâm và đã có kế hoạch chỉ đạo các sở- ngành có liên quan phối hợp để thu thập thông tin dân cư, kết hợp cấp các loại giấy tờ tùy thân như CCCD, định danh các nhân cho các nhân khẩu đặc biệt; phấn đấu hoàn thành trong năm 2023.

Đồng thời, trước ngày 31-5, Công an TP.HCM sẽ hoàn thành việc cấp CCCD gắn chip cho công dân thường trú và tạm trú trên địa bàn TP.

Tại chương trình, Phó giám đốc Sở GTVT TP Bùi Hòa An thông tin, khi Metro số 1 đi vào vận hành, Sở GTVT sẽ đưa giải pháp thanh toán điện tử trong lĩnh vực giao thông công cộng nhằm giúp người dân chỉ sử dụng một thẻ có thể thanh toán các loại hình vận tải hành khách công cộng.

Hiện nay Sở đã triển khai thanh toán điện tử trên 23 tuyến xe buýt. Trên cơ sở kết quả thí điểm, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân, nhất là sinh viên với trên 14 triệu lượt người sử dụng.

Dựa trên cơ sở đánh giá trong quá trình thí điểm, Sở GTVT đã trình UBND xem xét, thông qua khung tiêu chuẩn kỹ thuật về thanh toán điện tử trong vận tải hành khách công cộng nhằm kết nối, liên thông với các phương thức vận tải hành khách công cộng khác như buýt, Metro, BRT, buýt sông…

Trả lời câu hỏi của cử tri về kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Anh Dũng cho biết đang phối hợp với Sở TT&TT để xây dựng các giải pháp về kĩ thuật.

Theo ông Dũng, hồ sơ sức khỏe điện tử phải được liên thông dữ liệu với tất cả cơ sở y tế trên địa bàn, từ y tế cơ sở cho đến tuyến cuối nên cần rất nhiều thời gian. Trong đó, nhóm đối tượng được ưu tiên tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử là những người thuộc nhóm nguy cơ. Đây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của Sở Y tế TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm