Một số dạ cầu ở TP.HCM được cấp phép đầu tư khai thác như dạ cầu Nguyễn Tri Phương (quận 5), dạ cầu Chà Và (quận 5 và quận 8), dạ cầu Ông Lãnh (quận 1 và quận 4), dạ cầu Calmette (quận 1 và quận 4)… sẽ hết hạn khai thác vào tháng 8-2019.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PVPháp Luật TP.HCM ngày 28-8, ở một số dạ cầu đã dán biển thông báo ngày chính thức trả lại cho TP nhưng tại một số dạ cầu lớn khác hoạt động giữ xe, buôn bán vẫn diễn ra bình thường.
Cụ thể, tại cầu Ông Lãnh (phía đường Võ Văn Kiệt, nối quận 1 và quận 4), dạ cầu được tận dụng làm bãi giữ ô tô, xe máy với diện tích hơn 1.000 m2. Quan sát phía sâu bên trong, mọi hoạt động trông giữ xe vẫn diễn ra bình thường. Người trông giữ xe vẫn kê bàn ghi vé, ở đây luôn có hai người túc trực. Khi PV ngỏ ý muốn gửi xe theo tháng, nhân viên trông xe cho biết ngày 29-8 bãi giữ xe sẽ giải thể để trả lại cho Nhà nước. Cũng tại khu vực cầu Ông Lãnh, ở bãi giữ xe phía khu chợ Gạo, chợ Gà (đường Nguyễn Thái Học, quận 1) được ngụy trang bởi bảng thông báo “bãi giữ xe ngừng hoạt động từ ngày 15-6-2018” nhưng cánh cửa dẫn vào bãi giữ xe vẫn chào đón khi có người có nhu cầu gửi xe.
Bãi giữ xe phía khu chợ Gạo, chợ Gà (đường Nguyễn Thái Học, quận 1) vẫn hoạt động bình thường dù đã gắn bảng thông báo “Bãi giữ xe ngừng hoạt động từ ngày 15-6-2018”. Ảnh: THU TRINH
Không hoạt động nhiều như dạ cầu Ông Lãnh, tại dạ cầu Calmette đang trong quá trình cải tạo phần đất dưới gầm cầu. Tuy nhiên, ở đây xuất hiện một vài hộ dân đang lấn chiếm buôn bán.
Tương tự, tại cầu Nguyễn Tri Phương (nối quận 5 và quận 8) lượng xe vào gửi tại đây đã thưa thớt dần, đồng thời nơi đây cũng đã dán thông báo về việc ngày 30-8 ngưng hoạt động. Theo tìm hiểu của PV, đa số người gửi xe tại các khu vực này vào ban ngày là những người đi chợ và nhân viên văn phòng của các công ty gần đó.
Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), một số dạ cầu ở TP.HCM được cấp phép cho đầu tư khai thác. Theo quy định, đến cuối tháng 8-2019 tất cả dạ cầu đã được cấp phép ở TP.HCM phải ngưng hoạt động khai thác. Trước đó, một số cây cầu đã ngưng hoạt động từ tháng 6-2018 như cầu Vạn Kiếp (quận 8), cầu Nguyễn Văn Cừ (nối quận 4 và quận 1).
Thông tư số 35/2017 của Bộ GTVT quy định các tổ chức, cá nhân không được chiếm dụng gầm cầu làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác. Cụ thể, thông tư này quy định rõ đối với các vị trí gầm cầu đường bộ đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời trước thời điểm Thông tư 35/2017 có hiệu lực thì khi hết thời hạn sử dụng tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng có trách nhiệm hoàn trả hiện trạng ban đầu và bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ. Cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, tiếp nhận mặt bằng do tổ chức, cá nhân bàn giao.
Trường hợp hết thời hạn sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng tạm thời không thực hiện hoàn trả, cơ quan quản lý đường bộ xử lý theo thẩm quyền và thông báo cho UBND các cấp để tổ chức cưỡng chế giải tỏa theo quy định.
TP.HCM kiến nghị làm bãi đậu xe dưới gầm cầu cao tốc Sở GTVT TP.HCM vừa kiến nghị Bộ GTVT cho phép TP được khai thác gầm cầu cạn của các tuyến đường cao tốc để làm nơi đỗ xe, đáp ứng nhu cầu giao thông tĩnh của TP. Theo quy định của Bộ GTVT, việc sử dụng gầm cầu đường bộ trong đô thị làm bãi đỗ xe tạm thời phải được UBND cấp tỉnh quyết định. Đối với gầm cầu trên tuyến quốc lộ đi qua đô thị, Bộ GTVT sẽ quyết định trên cơ sở đề xuất của UBND cấp tỉnh. Sau khi được Bộ chấp thuận, Sở GTVT sẽ làm việc với các đơn vị chủ quản về từng phương án cụ thể nhằm góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP. Ngoài ra, Sở GTVT cũng kiến nghị bộ chuyên ngành cho phép sử dụng đường dưới cầu cạn tuyến cao tốc TP.HCM - Dầu Giây (đoạn từ đường Võ Chí Công đến đường Nguyễn Duy Trinh) làm đường giao thông tạm để giảm áp lực cho đường Nguyễn Duy Trinh (quận 9). LX |