TP.HCM: Nhiều trường tự tin ‘đủ 8 điểm’ để mở cửa

Ngày 20-10, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã công bố ba bộ tiêu chí an toàn tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.

Quyết định này sẽ thay thế Quyết định 1371 ngày 23-4-2020 của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19.

Giáo viên bắt buộc phải tiêm vaccine

Bộ tiêu chí đánh giá an toàn tại cơ sở giáo dục phổ thông gồm 10 thành phần. Ở mỗi tiêu chí, các trường được chấm điểm đạt hoặc không đạt.

Với tiêu chí thành phần đầu tiên 100% giáo viên, cán bộ, nhân viên làm việc trực tiếp tại cơ sở giáo dục phải có mã QR xanh có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế TP.HCM, Sổ sức khỏe điện tử hoặc PC-COVID. Trường hợp không có mã QR xanh, xuất trình giấy tờ sau: (1) là người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh dưới sáu tháng, (2) đã tiêm chủng đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc (3) đã tiêm mũi 1 đối với vaccine phòng COVID-19 tiêm hai mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm. Dưới tỉ lệ này sẽ không đạt.

Học sinh Trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ trong ngày đầu trở lại trường. Đây là một trong hai trường học đầu tiên ở TP.HCM (thêm Trường THCS-THPT Thạnh An) được phép đón học sinh học trực tiếp. (Ảnh chụp sáng 20-10) Ảnh: NGUYỆT NHI

Tùy theo mức độ an toàn mà trường học được hoạt động hay không hoặc phải có biện pháp khắc phục theo đánh giá sau:

Đạt 8-10 tiêu chí: Mức độ an toàn cao (cơ sở giáo dục được tổ chức dạy học).

Đạt 6-7 tiêu chí: Mức độ an toàn (cơ sở giáo dục được tổ chức hoạt động dạy học, trong vòng 48 giờ phải khắc phục các tiêu chí thành phần không đạt để đạt ít nhất tám tiêu chí thành phần).

Đạt dưới sáu tiêu chí thành phần: Chưa đảm bảo an toàn (cơ sở giáo dục chưa được tổ chức hoạt động giáo dục, phải khắc phục các tiêu chí thành phần không đạt để đạt ít nhất sáu tiêu chí thành phần mới được tổ chức dạy học). 

Tiêu chí thứ hai về số lượng học sinh (HS), giáo viên tập trung tối đa cùng một thời điểm thay đổi so với trước đó. Dự thảo trước đó quy định số lớp và số HS tối đa trong mỗi lớp dưới 50% so với tiêu chuẩn. Nay con số này theo quy định của ngành y tế và Sở GD&ĐT. Chi tiết quy định ra sao chưa rõ. Trong đó, đối với cơ sở giáo dục mầm non, với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục chỉ được giữ dưới 15 em.

Còn đối với trung tâm ngoại ngữ, tin học…, bộ tiêu chí quy định số lớp và số học viên trong mỗi lớp dưới 50% số lượng tối đa theo quy mô được duyệt khi cấp phép.

Các tiêu chí còn lại không thay đổi so với dự thảo trước đó. Như khoảng cách HS, giáo viên, cán bộ, nhân viên trong phòng học, phòng thi, phòng làm việc từ 1 m trở lên và khoảng cách HS, giáo viên, cán bộ, nhân viên ngoài phòng học, phòng thi, phòng làm việc từ 2 m trở lên. Nếu thực hiện đúng sẽ được chấm đạt.

Ngoài ra, bộ tiêu chí còn bao gồm các tiêu chí khác như thường xuyên rửa tay với xà phòng, khử khuẩn bàn ghế; đeo khẩu trang khi làm việc; được kiểm tra nhiệt độ, khai báo y tế khi vào trường; phòng học, phòng cách ly đúng quy định; có tổ an toàn COVID-19; tổ chức hoạt động bán trú, căn tin; tổ chức hoạt động nội trú.

Nhiều trường đạt từ tám tiêu chí trở lên

Nhẩm tính theo bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch tại cơ sở giáo dục vừa được công bố, ông Trần Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Đào Duy Anh, quận Tân Phú, cho biết trường đạt tám tiêu chí. Tiêu chí 2 và 10 trường khó có thể đạt. Với tiêu chí 2, nhà trường chờ hướng dẫn thêm của sở về số lượng HS trong một lớp. Hiện tại, phòng học của trường đạt diện tích chuẩn cho 45 HS/lớp. Tuy nhiên, những năm qua, trường luôn duy trì sĩ số không quá 35 HS/lớp. Còn tiêu chí 10, trường không đạt do phải tổ chức hoạt động nội trú.

“Điều quan tâm nhất trước khi mở cửa trường là thực hiện tiêm đủ vaccine cho các em HS. Với trường tư thục sẽ có nhiều khó khăn hơn khi nhiều em vẫn đang ở tỉnh. Các địa phương này chưa có kế hoạch tiêm vaccine cho HS như ở TP.HCM” - ông Minh nói thêm.

Ông Đặng Đình Quý, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình, cho biết với bộ tiêu chí trên, trường đạt khoảng chín tiêu chí. “Nếu cho HS đi học trở lại, thời gian đầu trường sẽ không tổ chức bán trú. Các hoạt động, sinh hoạt ngoài sân sẽ giảm. Số tiết học cũng sẽ giảm, không dạy đầy đủ như trước đó để phù hợp với tình hình” - ông Quý bày tỏ.

Với khối tiểu học, bà Lê Thụy Phương Linh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp, cho hay trường đủ điều kiện hoạt động vì đạt 8/10 tiêu chí. Trường có 33 lớp, với tổng số HS là 1.480 em, sĩ số lớp học khá đông, do đó tiêu chí số lượng HS, giáo viên tập trung tối đa cùng một thời điểm và khoảng cách giữa mỗi người trong phòng học cũng như ngoài phòng học khó có thể đáp ứng.

“Hiện việc học trực tuyến cả cô và trò đều rất vất vả. Nếu các em được đến trường học thì sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, các em đều dưới 12 tuổi không thuộc độ tuổi để tiêm vaccine nên cũng rất lo lắng. Phụ huynh cũng không yên tâm cho con đến trường khi chưa được tiêm ngừa”.

Hiệu trưởng một trường THCS ở Gò Vấp cho rằng nhìn một cách tổng thể, bộ tiêu chí mới cụ thể, chi tiết, chặt chẽ, rõ ràng, phù hợp với tình hình hiện nay. Nó là thước đo để đảm bảo an toàn cho HS khi được cho phép đi học trở lại. Nhà trường đủ điều kiện mở cửa vì đạt từ tám tiêu chí trở lên.

Học sinh vùng dịch nguy cơ thấp và trung bình được học trực tiếp

Các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình) sẽ tổ chức dạy học trực tiếp. Củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

 Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao) sẽ tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, trên truyền hình. Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp. Với cấp học phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, 2, 6, 9 và 12, bảo đảm giãn cách phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và các điều kiện an toàn trong công tác phòng chống dịch.

Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao), căn cứ vào thực tế tình hình và tiến độ triển khai kế hoạch năm học tại địa phương để tổ chức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học...

Bộ GD&ĐT 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm