TP.HCM rục rịch khởi động dự án mở rộng Quốc lộ 13

(PLO)- Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 có tổng kinh phí dự kiến khoảng hơn 9.900 tỉ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND TP.HCM vừa công bố danh mục các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn TP năm 2023, trong đó có dự án mở rộng Quốc lộ (QL) 13 nằm “trên giấy” hơn 20 năm nay. Sở GTVT cho biết dù đưa vào danh mục dự án trọng điểm của năm nhưng dự án đang nằm ở giai đoạn nghiên cứu chuẩn bị đầu tư, nhanh nhất cũng phải đến năm 2025 mới có thể khởi công.

Người dân chờ hơn 20 năm, đường vẫn chưa được mở

Ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM chiều 8-3 tại QL13, đoạn từ cầu vượt Bình Phước đến qua Trường ĐH Luật TP.HCM, nhiều đoạn nhỏ hẹp, người dân buôn bán xuống cả lòng đường.

Quốc lộ 13, đoạn gần nút thắt cổ chai cầu Ông Dầu, TP Thủ Đức thường xuyên kẹt xe, nhất là vào giờ cao điểm. Ảnh: HV

Quốc lộ 13, đoạn gần nút thắt cổ chai cầu Ông Dầu, TP Thủ Đức thường xuyên kẹt xe, nhất là vào giờ cao điểm. Ảnh: HV

“Có chắc năm nay làm không? Năm nào tôi cũng nghe nói, từ năm 2000 đến nay rồi mà có thấy gì đâu, nhà cửa thì không được xây, đường thì kẹt xe liên miên” - anh Dũng (nhà ở mặt tiền QL13, gần ga Bình Triệu, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) cho biết.

Theo anh Dũng, người dân khu vực này đã sống quen với quy hoạch, hai dãy nhà hai bên đường đều thấp tầng vì không được xây do vướng quy hoạch, đa số cho thuê buôn bán, vỉa hè thì lâu lâu lại có đợt phải thu hẹp để có thêm diện tích cho dòng xe chạy.

“Thú thật tôi cũng không biết bao giờ mới mở đường, rồi khi nào bồi thường hay tái định cư cho người dân, tất cả đều rất mù mờ và không thấy có tiến triển gì cả” - anh Dũng nói.

Gần đó, anh Quân (mở quán bán trà sữa ven QL13) cũng cho biết việc nghe sắp mở đường giống như nghe “tin đồn” nhiều năm nay. “Tôi không biết có mở hay không mà lâu lâu lại nghe tin đồn sẽ mở. Tôi nghĩ mở đường sớm để giải tỏa vấn đề kẹt xe ở khu vực này và cũng để giải quyết quyền lợi cho người dân sống trong dự án treo” - anh Quân nêu thực tế.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, cho biết nhiều năm nay dự án QL13 chưa được mở rộng nên khu vực này thường xuyên bị ùn tắc, nhất là giờ cao điểm. Đặc biệt, vào mùa mưa, các phương tiện di chuyển chậm hơn và hầu như cả QL13 bị ùn ứ nặng nề hơn.

Không chỉ vậy, mỗi khi có tàu chạy qua QL13 là khu vực sẽ bị ùn ứ kéo dài, gây ảnh hưởng nhất định đến đời sống của người dân.

“Nhiều năm nay, cử tri trên địa bàn phường thường xuyên kiến nghị mở rộng QL13, song đến nay vẫn chưa triển khai dự án này. Lộ giới quy hoạch QL13 đã có nhiều năm, khi di dời và mở rộng chắc chắn tác động đến người dân ven QL13. Tuy nhiên, người dân cũng đã nắm được thông tin này nên sẽ hiểu và thông cảm” - ông Tuấn cho hay.

Ông Tuấn cũng cho rằng trước tình hình ùn tắc hiện nay, việc mở rộng QL13 là cấp thiết, đây là dự án kết nối liên vùng, sẽ tạo điều kiện cho người dân di chuyển thuận tiện, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Dự kiến năm 2025 khởi công

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết dự án mở rộng QL13 là một trong 34 dự án trọng điểm đã được UBND TP.HCM phê duyệt trong danh mục dự án các công trình giao thông trọng điểm trong năm 2023.

“Do tính chất quan trọng và cấp thiết của dự án, UBND TP đã chỉ đạo sở đưa vào danh mục các dự án trọng điểm để làm cơ sở nghiên cứu chuẩn bị đầu tư.”

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT

Cụ thể, dự án mở rộng QL13 (đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu) sẽ được mở rộng từ bốn làn xe lên tám làn xe, với tổng chiều dài 4,5 km. Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án khoảng 9.900 tỉ đồng.

Ông Bằng cho biết đây là dự án giao thông quan trọng của TP.HCM và đã kéo dài nhiều năm chưa triển khai được do vướng mắc pháp lý và thiếu nguồn lực đầu tư. “Do tính chất quan trọng và cấp thiết của dự án, UBND TP đã chỉ đạo sở đưa vào danh mục các dự án trọng điểm để làm cơ sở nghiên cứu chuẩn bị đầu tư” - ông Bằng nói.

Lý giải thêm về danh mục dự án trọng điểm mà UBND TP vừa phê duyệt, phó giám đốc Sở GTVT thông tin danh mục này được chia làm ba nhóm, bao gồm nhóm nghiên cứu chuẩn bị đầu tư, nhóm tiếp tục thực hiện hoàn thành dự án và nhóm khởi công dự án.

Theo đó, hiện dự án mở rộng QL13 mới chỉ nghiên cứu chuẩn bị đầu tư, nghiên cứu chủ trương để trình Quốc hội để đầu tư theo hình thức BOT trên đường hiện hữu. Trường hợp được Quốc hội chấp thuận thì mới có thể triển khai đầu tư theo hình thức này.

Vì vậy, dự án mở rộng QL13 cần đưa vào danh mục dự án trọng điểm để nghiên cứu về mặt kỹ thuật, tài chính, các hình thức đầu tư và cân đối nguồn ngân sách ra sao, từ đó TP sẽ trình Quốc hội xin bổ sung nguồn vốn trung hạn để triển khai trong thời gian tới.

Theo ông Bằng, dự án mở rộng QL13 có nhiều hình thức đầu tư, nếu TP cân đối được ngân sách thì có thể triển khai đầu tư dự án ngay. Đại diện sở phân tích: Tuy nhiên, dự án này cần một nguồn vốn lớn nên cần cân đối, trình UBND, HĐND TP thông qua các thủ tục mới có thể triển khai.

Ông Bằng cho biết thêm nếu mọi việc suôn sẻ thì các mốc tiếp theo của dự án là: Năm 2023 sẽ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, năm 2024 sẽ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và khởi công vào năm 2025.•

Đề xuất triển khai dự án theo hợp đồng BOT

QL13 tại địa phận TP.HCM dài khoảng 5 km từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu, trước đây thuộc dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2, hình thành từ năm 2001. Công trình khi đó đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Năm 2017, Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tạm dừng hình thức BOT trên đường hiện hữu. Vì vậy, việc triển khai các công trình, bao gồm kế hoạch mở rộng QL13 triển khai theo hình thức BOT phải dừng, chuyển sang sử dụng ngân sách.

Đầu tháng 2, Sở GTVT TP.HCM có văn bản gửi Sở KH&ĐT TP.HCM về bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội, trong đó có đề cập về các dự án BOT trên địa bàn TP.

Theo đó, sở này đề xuất sáu dự án thuộc các công trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường bộ (gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ) hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng BOT, trong đó có dự án mở rộng QL13.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm