Sở GD&ĐT TP.HCM sắp xây dựng trung tâm điều hành giáo dục thông minh tại Sở GD&ĐT nhằm triển khai hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) tại Sở. Đồng thời, Sở cũng xây dựng mô hình trường học thông minh (THTM) trên cơ sở xây dựng lớp học điện tử, trường học điện tử để triển khai thí điểm tại năm trường THPT. Đó là các trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa, Lê Quý Đôn, Nguyễn Hiền, Nguyễn Du.
Triển khai thí điểm năm trường
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và chương trình giáo dục, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết hiện tại trung tâm đang xây dựng đề án mô hình THTM ở các trường để trình UBND TP.HCM cấp nguồn kinh phí. Kế hoạch thực hiện đề án từ năm 2018 đến 2020 với tầm nhìn đến năm 2025.
Theo ông Tuấn, THTM hiểu cơ bản là trang bị các thiết bị thông minh và ứng dụng CNTT trong các hoạt động để tăng cường sự tương tác giữa nhà trường với phụ huynh, giáo viên và học sinh (HS); giúp nâng cao hiệu quả của việc dạy và học trong nhà trường phổ thông. “HS sẽ là đối tượng hưởng lợi ích nhiều nhất. Các em sẽ có điều kiện tiếp cận với những thiết bị học tập hiện đại, những nền giáo dục tiên tiến, có cơ hội giao lưu học hỏi, tích lũy để trở thành một công dân toàn cầu” - ông Tuấn bày tỏ.
Ông Tuấn cho hay sở dĩ Sở chọn năm trường trên để xây dựng mô hình THTM là vì các trường đã có sẵn nguồn lực cũng như vật lực cho việc triển khai. Đồng thời, đội ngũ giáo viên cũng như HS đã được đào tạo, tập huấn đáp ứng các tiêu chí của một THTM.
“Hiện tại trung tâm đang làm khảo sát để lên danh sách các danh mục cơ sở vật chất cần thiết để thực hiện mô hình như phòng thí nghiệm ảo, lắp đường truyền, thư viện thông minh, hệ thống quản lý nhà trường… Sau khi triển khai thí điểm tại năm trường sẽ có sự đánh giá, nhìn nhận để nhân rộng ra các trường khác” - ông Tuấn nói.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 làm bài thi trực tuyến. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Các trường xắn tay áo hưởng ứng
Là một trong năm trường được thí điểm mô hình xây dựng THTM, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, cho biết đây là chủ trương của Sở và hiện tại trường cũng đã bắt tay vào triển khai để đón đầu.
Ông Phú chia sẻ nhà trường đã đầu tư cho toàn bộ giáo viên học tin học văn phòng quốc tế. Hiện đã có 70/105 giáo viên nhận được bằng tin học. Bên cạnh đó, trường còn mời các giáo viên bản ngữ về dạy tiếng Anh quốc tế cho đội ngũ giáo viên. “Việc đào tạo nhân lực là điều kiện cần thiết đảm bảo sự thành công khi triển khai mô hình THTM” - ông Phú khẳng định.
Mặt khác, cũng theo ông Phú, hiện nay nhà trường đã ứng dụng CNTT vào các hoạt động dạy học. Thay vì hướng nghiệp HS theo hình thức cũ như mời diễn giả, tổ chức đi thực tế, nhà trường đã hợp tác với một đơn vị tư nhân tổ chức các tiết học giáo dục hướng nghiệp bằng việc sử dụng máy tính với phần mềm chuyên biệt. Mỗi HS khi đăng nhập vào phần mềm sẽ được cung cấp một tài khoản cá nhân. Khi sử dụng phần mềm, các em sẽ trải qua năm phần trắc nghiệm. Mỗi phần sẽ có rất nhiều câu hỏi để các em trả lời. Sau khi hoàn thành xong, phần mềm sẽ gợi ý một số nghề nghiệp phù hợp với chọn lựa cũng như sở thích của các em.
Bên cạnh đó, mới đây trường đã cho HS làm bài thi trực tuyến. “Tôi thực hiện thi trực tuyến với mong muốn sẽ có thêm nhiều phương pháp để kiểm tra, đánh giá HS, có thể biến smartphone thành một công cụ học tập hữu hiệu” - ông Phú nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho biết việc thực hiện mô hình THTM sẽ theo lộ trình của TP. “Nhà trường sẽ được hỗ trợ trong quá trình triển khai như về công nghệ, điều hành, hệ thống quản lý cũng như trang bị cơ sở vật chất. Hiện nhà trường cũng đã ký những thỏa thuận hợp tác với đơn vị phụ trách” - ông Minh nói.
Ông Minh chia sẻ hiện trường cũng đang triển khai nhiều giải pháp, xây dựng công trình để tiến tới mô hình THTM. Trong đó, điển hình trường đang tập trung xây dựng thư viện thông minh.
Theo ông Minh, THTM nghĩa là sẽ tạo điều kiện cho thầy cô và HS hoạt động giáo dục một cách thuận tiện trên nền tảng ứng dụng CNTT. Đồng thời, nó là một nền giáo dục mở, tạo điều kiện cho HS giao lưu, học hỏi với những nền học thuật tiên tiến của thế giới. Và thư viện thông minh mà trường đang xây dựng hướng tới hai mục tiêu trên.
Giáo viên thiết kế bài giảng E-Learning Ứng dụng CNTT trong trường học là điều kiện cần để xây dựng mô hình THTM. Tại trường phổ thông, có hai mức độ triển khai ứng dụng CNTT. Với mức ứng dụng nâng cao, nhà trường cần phải lựa chọn áp dụng những công nghệ tiên tiến như triển khai hệ thống quản lý hành chính điện tử, hệ thống điểm danh thông minh, hệ thống giám sát an ninh, sử dụng hồ sơ đa dạng, 30% số tiết học có ứng dụng CNTT, tối thiểu 50% giáo viên có năng lực thiết kế bài giảng E-Learning. Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM |