Ngày 2-4, dược sĩ Đỗ Văn Dũng- Trưởng phòng Nghiệp vụ dược thuộc Sở Y tế TP.HCM, cho hay tính đến nay vẫn còn 1.600 nhà thuốc tại TP.HCM chưa kết nối cơ sở dữ liệu dược quốc gia. Nếu các cơ sở này không có lý do chính đáng sẽ bị tạm ngưng kinh doanh thuốc.
Theo ông Dũng, TP.HCM hiện có 4.700 cơ sở đã thực hiện việc kết nối cơ sở dữ liệu trên tổng số 6.300 nhà thuốc (chiếm tỉ lệ 75%). Ý thức được việc không kết nối cơ sở dữ liệu sẽ bị ngưng kinh doanh nên các nhà thuốc cũng đang cố gắng hoàn thành việc này, bằng chứng là số nhà thuốc thực hiện kết nối đang tăng nhanh từng ngày.
Việc kết nối cơ sở dữ liệu giúp nhà quản lý nguồn gốc, tình hình kê đơn thuốc tại Việt Nam. Ảnh: HOÀNG LAN
Trước đó, đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020" của Bộ Y tế bắt buộc các nhà thuốc phải kết nối vào hệ thống dữ liệu dược quốc gia để người tiêu dùng an toàn hơn khi mua thuốc. Hệ thống này sẽ quản lý nguồn gốc, xuất xứ các loại thuốc; kiểm soát chặt việc kê đơn thuốc và bán kháng sinh.
Ngoài ra, với phần mềm này, các nhà thuốc sẽ kết nối với Bộ Y tế và Sở Y tế. Nhờ đó cơ quan quản lý sẽ có đầy đủ thông tin, tránh được thuốc không có nguồn gốc xuất xứ vào hệ thống.
“Các nhà thuốc không kết nối dữ liệu sẽ không duy trì được tiêu chuẩn “Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc GPP”. Điều này có nghĩa là các nhà thuốc này không có đủ tiêu chuẩn để kinh doanh và sẽ bị tạm ngưng”, ông Dũng thông tin thêm.
Cũng theo ông Dũng, Sở Y tế đang tiến hành thành lập đoàn kiểm tra và quyết tâm tuân thủ lộ trình. Quyết liệt trong việc đóng cửa các nhà thuốc chấp hành chưa nghiêm việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia.
Ngoài tập huấn, Sở Y tế đã thông tin cho các nhà thuốc trên địa bàn về các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối để nhà thuốc biết và chọn nhà cung cấp phần mềm phù hợp, tạo điều kiện bình đẳng cho các đơn vị tiếp cận nhà thuốc có nhu cầu.
“Hiện có 37 công ty tham gia cung cấp phần mềm cho các nhà thuốc với chính sách ưu đãi như miễn phí 3, 6 tháng hoặc cả năm, năm tiếp theo tính phí 50%. Việc thực hiện kết nối online khá thuận tiện, nhanh chóng, chỉ trong 1 giờ là có thể kết nối được nên không có lý do gì để trì hoãn”, ông Dũng nói.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho hay Sở Y tế sẽ xem xét việc ngưng kinh doanh từng cơ sở. “Nếu nhà thuốc có những lý do chính đáng như chưa kết nối được phần mềm dữ liệu do trục trặc kỹ thuật từ nhà cung cấp phần mềm hay gặp trục trặc trong việc kết nối dữ liệu xuất – nhập trong quá trình kinh doanh thuốc thì sẽ tiếp tục được cho thêm thời gian tháo gỡ. Đối với những nhà thuốc chưa thực hiện nhưng đưa ra những lý do cá nhân như khó khăn tài chính. Thời gian gấp gáp thì sẽ không được xem xét vì lý do không chính đáng”, ông Dũng cho hay.
Cũng theo ông Dũng, việc có gần 2.000 nhà thuốc chưa cập nhật cơ sở dữ liệu bị ngừng đóng cửa sẽ không ảnh hưởng đến việc cung ứng thuốc cho người dân. Số lượng hơn 4.700 nhà thuốc tiếp tục hoạt động vẫn đủ năng lực phân phối thuốc. Trong đó, các cơ sở nhà thuốc ở huyện ngoại thành ban đầu lo ngại kết nối sẽ khó khăn nhưng qua khảo sát thì đã thực hiện khá tốt.
Ông Dũng cũng nhìn nhận việc nhập dữ liệu lên hệ thống đòi hỏi sự tự giác của các nhà thuốc (không loại trừ có tình trạng bán thuốc kháng sinh nhưng không nhập dữ liệu lên hệ thống). Để kiểm soát việc này, Sở Y tế sẽ thường xuyên thanh kiểm tra để phát hiện cơ sở vi phạm và xử lý nghiêm.