TP.HCM tăng mạnh tỉ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày

(PLO)- Năm học 2023-2024, tỉ lệ học sinh tiểu học TP.HCM được học 2 buổi/ngày đạt 78,8%, tăng 4% so với năm học trước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều nay, 14-8, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 của bậc giáo dục tiểu học.

Tỉ lệ học 2 buổi/ngày đạt gần 80%

Ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT cho biết năm học 2023 - 2024, TP.HCM có 561 trường tiểu học trong và ngoài công lập, với 576 điểm trường, trong đó có 522 trường công lập. Tổng số học sinh là 637.008 em, (giảm 25.926 so với năm học trước).

học 2 buổi
Học sinh Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận Gò Vấp trong 1 tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Toàn TP có 44 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia; 18 trường thực hiện mô hình trường tiên tiến, hội nhập quốc tế.

Tổng số lớp học là 17.382 (tăng 130 lớp). Tỉ lệ phòng học/lớp đạt 0,96; Số lớp học 2 buổi/ngày là 14.362 lớp, chiếm tỉ lệ 82,6% (tăng 1,9%).

Số học sinh được học 2 buổi/ngày 502.200, chiếm tỉ lệ 78,8% (tăng 4%). Trong đó các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 10, Phú Nhuận và huyện Cần Giờ, Nhà Bè có tỉ lệ học 2 buổi/ngày đạt 100%. Tùy điều kiện thực tế, các trường bố trí cho học sinh học trái buổi. Quận Gò Vấp thực hiện phương án “lớp chạy” để tạo cơ hội cho học sinh được học 2 buổi/ngày.

Năm học vừa qua, trung bình sĩ số tiểu học là 36,6 học sinh/lớp (giảm 1,8 học sinh/lớp với năm học 2022-2023).

học 2 buổi
Bà Lâm Hồng Lãm Thuý, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM tặng giấy khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong năm học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Liên quan đến vấn đề trên, bà Lâm Hồng Lãm Thuý, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết dù đã có nhiều nỗ lực tuy nhiên tỉ lệ học 2 buổi/ngày tại TP.HCM vẫn chưa đạt 100%.

“Tôi biết các thầy cô chịu áp lực về gia tăng dân số cơ học cũng như sự ổn định dân cư trong từng địa bàn cũng phức tạp. Do đó, việc đảm bảo sĩ số học sinh/lớp cũng như tỉ lệ học 2 buổi/ ngày chưa đạt như kỳ vọng. Tôi đề nghị các thầy cô phòng giáo dục hỗ trợ các trường trong công tác tuyển sinh, tuyển dụng, đầu tư cơ sở vật chất, đầy đủ trang thiết bị để đảm bảo tỉ lệ học 2 buổi/ngày" - bà Thuý nhấn mạnh.

Theo bà Thuý, đối với các khoản thu, hiện phòng tài chính đã có dự thảo gửi ban giám đốc Sở GD&ĐT. Do đó, khi chưa có văn bản hướng dẫn từ sở, đề nghị hiệu trưởng các trường không thu bất cứ khoản nào.

Sau khi có văn bản hướng dẫn, các trường xây dựng kế hoạch thông qua hội đồng trường để trình cho UBND quận, huyện tham mưu sớm hướng dẫn thu của từng quận, huyện để các trường có sự ổn định trong việc sắp xếp thời khoá biểu cũng như tổ chức các hoạt động của nhà trường.

Học bạ số, giáo dục STEAM đã được triển khai trong năm qua và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm học 2024-2025.

Nhiệm vụ 2024-2025, công tác chuyển đổi số, các nội dung dạy học tích hợp vẫn là trọng tâm. Sắp tới phòng giáo dục tiểu học sẽ tham mưu ban giám đốc ban hành công văn hướng dẫn xây dựng chương trình nhà trường. “Văn bản này cụ thể hơn, bổ sung thêm môn tin học cũng như có những hướng dẫn trao đổi cụ thể để các trường có căn cứ thực hiện" - bà Thuý nhấn mạnh.

Chủ động xây dựng chương trình nhà trường

hoc-2-buoijpg.jpg
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM tặng giấy khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong năm học vừa qua. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Tại hội nghị, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, đã điểm lại những dấu ấn đặc biệt của bậc giáo dục tiểu học TPHCM đạt được trong năm học 2023-2024. Cụ thể, nhiều hội thi được tổ chức thành công, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, đặc biệt như Hội thi giáo viên giỏi; Ngày hội Em yêu sử Việt; Ngày hội giáo dục STEM; Liên hoan phim tiếng Anh cho học sinh tiểu học..

Ngoài ra, trong năm học vừa qua, TP.HCM đã tổ chức tập huấn sách giáo khoa cho 100% giáo viên theo từng khối lớp, chú trọng mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học, giúp thực hiện tốt chương trình, sử dụng hiệu quả thiết bị.

Triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 ở các khối lớp 1, 2, 3, 4.

Các trường tiểu học đã chủ động xây dựng các tiết học mở, lớp học mở. Duy trì thực hiện lớp học số giúp hạn chế bớt khó khăn về giáo viên ở một số môn học đặc thù.

Ông Quốc nhấn mạnh năm học 2024-2025 là lộ trình cuối thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở bậc tiểu học với khối lớp 5. Do đó được xem là năm học bản lề triển khai hiệu quả chương trình ở bậc tiểu học.

“Năm học 2024-2025 TP.HCM xác định chủ đề là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo TPHCM”, với nhiệm vụ hoàn thành nhiều chỉ tiêu, mục tiêu quan trọng của ngành và của thành phố” - ông Quốc nhấn mạnh.

Với riêng việc triển khai chương trình nhà trường, ông Quốc yêu cầu các trường chủ động xây dựng. Trong đó, nhà trường phải chủ động xây dựng khung nội dung, hình thức, phương pháp, phối hợp cùng các đơn vị đối tác, đảm bảo thực hiện xuyên suốt khi thông tin đến phụ huynh...

"Chương trình nhà trường phải được thông qua trong hội đồng trường, thống nhất với phụ huynh học sinh. Phụ huynh học sinh có thể lựa chọn một số hoạt động tham gia, từ đó nhà trường sắp xếp lớp phù hợp" - ông Quốc lưu ý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm