TP.HCM: Trẻ mắc bệnh hô hấp tiếp tục tăng

(PLO)- Tại TP.HCM, bệnh hô hấp ở trẻ tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu giảm, nhiều trẻ chuyển nặng phải thở máy.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chăm cháu ngoại 11 tháng tuổi tại khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP đã ba ngày bà NTBL (ngụ Tiền Giang) cho biết trước đó cháu mắc bệnh tay-chân-miệng, điều trị hai đợt mất 13 ngày tại một BV khác nhưng không hết sốt nên gia đình đưa cháu đến đây.

Chưa hết bệnh này lại mắc bệnh khác

“Bác sĩ (BS) BV Nhi đồng TP sau khi thăm khám chẩn đoán bé mắc viêm phổi. Do khoa Hô hấp đang rất đông bệnh nhi nên bé chưa được chuyển lên” - bà L chia sẻ.

Chị TNPT (ngụ Long An) đưa con trai là bé HDT (ba tháng tuổi) đến khoa Hô hấp của BV Nhi đồng 1 để khám bệnh. Chị cho biết tối hôm trước bé bị ho, khò khè, sổ mũi, có biểu hiện khó thở.

bệnh hô hấp
BS Nguyễn Minh Tiến đang thăm khám cho bệnh nhi mắc viêm tiểu phế quản.
Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“BS nói bé bị viêm phổi, phải nhập viện điều trị và hút đờm. Nãy giờ ngồi chờ, tôi thấy có rất đông người đưa con đến khám bệnh hô hấp, BS lúc nào cũng bận rộn” - chị T chia sẻ.

Dấu hiệu nguy hiểm của bệnh hô hấp: Trẻ ngủ li bì, đánh không thức giấc; bỏ bú hay bú kém ở trẻ sơ sinh; nôn hay không uống được bất kỳ chất lỏng nào đối với trẻ dưới hai tháng tuổi, co giật, tím tái…

BS TRẦN ANH TUẤN, Trưởng khoa
Hô hấp BV Nhi đồng 1

Bé NĐT (ba tháng tuổi), con của chị NTMN (ngụ Bình Thuận), điều trị tại khoa Hô hấp 1 BV Nhi đồng 2 đã năm ngày. Chị N kể trước đó con bị ho có đờm, thở nhanh nên chị bắt xe đò đưa con đến BV.

“Bé bị viêm phổi, phải nhập viện điều trị. Giờ bé không còn ho và thở nhanh nữa. BS nói sẽ sớm được cho về” - chị N nói.

Bệnh tăng kéo dài, nhiều ca nặng

Tại BV Nhi đồng TP, BS CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV, cho biết khoa Hô hấp đang điều trị cho 160 bệnh nhi. Ngoài ra, còn có gần 150 bệnh nhi khác đang điều trị tại các khoa Nội tổng hợp, Ngoại, Tiêu hóa, Tim mạch do khoa Hô hấp thiếu giường.

Chỉ riêng tháng 10, BV tiếp nhận khám ngoại trú gần 5.000 trẻ mắc các bệnh hô hấp như viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen suyễn, hen phế quản, nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Trong đó, khoảng 7%-8% trẻ phải nhập viện. Một số diễn tiến nặng, phải thở CPAP (thở ôxy dòng cao), thở máy, thậm chí can thiệp ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể).

“Trẻ mắc bệnh hô hấp năm nay tăng gấp rưỡi năm ngoái. Với tình hình thời tiết biến động này, bệnh có thể kéo dài đến Tết” - BS Tiến dự đoán, đồng thời cho rằng năm nay mùa mưa kéo dài cũng là nguyên nhân khiến số ca bệnh hô hấp tăng, kéo dài.

“Khoảng ba tháng nay, trẻ mắc bệnh hô hấp tăng. Mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 20 trẻ. Thường khoa chỉ cấp cứu cho trẻ khoảng 6 tiếng nhưng do khoa Hô hấp đang rất đông nên có những trẻ phải nằm lại ba ngày, thậm chí cả tuần” - BS Nguyễn Thị Anh Thư, khoa Cấp cứu, cho biết.

Còn tại BV Nhi đồng 2, BS CKI Lê Thị Thanh Thảo, Phó khoa Hô hấp 1, cho hay ba tuần nay, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 40 bệnh nhi, tăng 40% so với trước.

Theo BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1, hiện bệnh nhi mắc bệnh hô hấp đến khám và điều trị tại khoa có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

“Khi miền Nam vào mùa mưa (từ tháng 8 đến tháng 10), bệnh hô hấp sẽ tăng, đây là quy luật. Bệnh sẽ giảm từ cuối tháng 10, giảm rõ đến tháng 11 và tháng 12 giảm nhiều. Năm nay có khác là giờ này bệnh vẫn ở mức cao” - BS Tuấn nhấn mạnh.

Không phải cứ ho nhiều là bệnh nặng

Theo BS Tuấn, trẻ mắc bệnh chủ yếu là nhiễm trùng hô hấp trên (nhẹ) và nhiễm trùng hô hấp dưới (nặng). Triệu chứng gợi ý của bệnh hô hấp là ho, tuy nhiên mức độ nặng nhẹ của bệnh không song hành với mức độ ho.

“Không phải ho nhiều là bệnh nhiều. Thực tế nhiều trẻ bị viêm hô hấp trên thường ho rất nhiều nhưng không nặng. Trường hợp viêm phổi bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao thì không ho nhiều, thậm chí có trẻ sơ sinh không ho nhưng phổi đã viêm hết hai bên” - BS Tuấn lưu ý.

Theo đó, mức độ nặng nhẹ của bệnh hô hấp là trẻ thở thế nào. Thở nhanh là dấu hiệu sớm nhất báo hiệu trẻ bị viêm phổi. Còn khó thở, thở co rút lõm lồng ngực báo hiệu trẻ bị viêm phổi nặng, phải nhập viện.

BS Lê Thị Thanh Thảo khuyến cáo hiện vẫn còn một số người tự mua thuốc điều trị bệnh hô hấp cho trẻ, hoặc để trẻ sốt quá lâu (3-4 ngày) mới đi khám. Từ đó dẫn đến trẻ đã bị viêm phổi, không được điều trị kháng sinh sớm, dễ bị nặng hơn.

“Khi trẻ có tình trạng sốt liên tục hai ngày, nên đưa trẻ đến khám sớm ở các cơ sở y tế để BS chẩn đoán đúng bệnh. Ngoài ra nên tiêm ngừa cho trẻ đầy đủ, đặc biệt là cúm và phế cầu nhằm giảm bớt các đợt nhiễm cúm, viêm phổi do phế cầu” - BS Thảo khuyên.

Phòng ngừa bệnh hô hấp ở trẻ

- Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ: Trẻ dưới hai tuổi nên tận dụng sữa mẹ nhằm giúp bảo vệ trẻ trước các vi khuẩn tấn công.

- Cho trẻ tiêm ngừa đúng lịch: Giúp trẻ miễn dịch các bệnh thông thường như cúm, bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan siêu vi B, sởi…

- Cho trẻ uống vitamin A định kỳ: Nên đưa trẻ dưới ba tuổi đến các cơ sở y tế để uống vitamin A định kỳ, ngừa các bệnh thiếu vitamin A gây ảnh hưởng đến thị lực, niêm mạc đường hô hấp, đường tiêu hóa... giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch.

BS CKII NGUYỄN MINH TIẾN, Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm