Mới đây, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đã có báo cáo gửi UBND TP.HCM về tiến độ xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và những khó khăn mà đơn vị cùng các nhà thầu đang gặp phải.
Phát sinh chi phí, thiếu nhân lực
Theo MAUR, hiện nay tổng khối lượng toàn tuyến metro số 1 đạt hơn 87%. Cụ thể, gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP) đạt 93%, gói thầu CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát TP đến ga Ba Son) đạt 98,5%, gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) đạt 93,6% và gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) đạt 73,2%.
Theo MAUR, trong quá trình thi công dự án, đơn vị thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, MAUR đã triển khai đăng ký, tổ chức tiêm chủng cho các nhân sự chuyên gia, kỹ sư, nhân viên và công nhân của tư vấn chung NJPT cùng các tổng thầu của dự án, nhằm tăng hiệu quả phòng chống dịch.
Các tổng thầu đã tuân thủ tốt việc phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 đúng nguyên tắc 5K như đeo khẩu trang, xịt khuẩn, quản lý địa điểm các công nhân thuộc nhà thầu phụ. Song song đó MAUR cũng tiến hành xét nghiệm nhanh để đảm bảo phát hiện sớm chuỗi lây nhiễm.
Tuy nhiên, các tổng thầu của dự án cũng có báo cáo đang gặp nhiều khó khăn trong việc lập kế hoạch di chuyển khi tuân thủ quy định “một cung đường - hai địa điểm”.
Cụ thể, các tổng thầu gặp khó vì thiếu hụt nhân lực, chi phí phát sinh khi yêu cầu các thầu phụ thực hiện chỉ duy nhất một cung đường vận chuyển... Các nhà thầu cũng gặp khó khăn khi không chuẩn bị kịp cơ sở vật chất để đáp ứng phương châm “ba tại chỗ”.
Công nhân, kỹ sư tuân thủ 5K và được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19
ngay tại công trường. Ảnh: CTV
Toàn công trường chỉ còn 500 công nhân một ngày
Theo nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, hiện nay gói thầu CP1a, nhà thầu đang cố gắng đáp ứng tối đa các quy định về vừa thi công vừa phòng chống dịch của TP.HCM, song các chi phí hoạt động đang là một gánh nặng.
Nguồn tin cho biết hiện nay các gói thầu đều gặp khó khăn trong việc thi công bởi phải tuân thủ các quy định “một cung đường - hai địa điểm” hoặc “ba tại chỗ”. Đến thời điểm hiện tại, đã có gói thầu phải tạm dừng thi công vì không đáp ứng được các yêu cầu đề ra.
Riêng gói thầu CP1a (ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP), nhà thầu vẫn đang cố gắng đáp ứng tối đa các quy định của TP. Tuy nhiên, việc tăng chi phí gây áp lực rất lớn cho nhà thầu và không biết sẽ “gồng” được tới khi nào.
Dự án nào có thể bố trí chỗ ăn, ngủ cho công nhân ngay tại nơi làm việc thì vẫn tiếp tục duy trì hoạt động. Theo đó, toàn bộ công nhân, kỹ sư sẽ sinh hoạt trong các thùng container được đặt tại công trường. Tất cả đều phải tuân thủ các quy định về đảm bảo phòng chống dịch, giữ khoảng cách, khử khuẩn, đo thân nhiệt…
Về phía MAUR thì luôn đề nghị các tổng thầu tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, bao gồm việc bố trí chỗ ăn, ở với phương châm “ba tại chỗ”. Đồng thời lên các phương án xử lý khi có các trường hợp mắc COVID-19 tại công trường phù hợp với tình hình hiện tại để chủ động kiểm soát.
Theo MAUR, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có các vấn đề bất cập hoặc chưa nắm rõ hướng dẫn về các biện pháp phòng dịch, các tổng thầu cần liên hệ cơ quan y tế và chính quyền địa phương tại khu vực thi công để được hướng dẫn cụ thể.
Ngày 17-8, trao đổi với PV, lãnh đạo Ban quản lý dự án 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cho biết hiện nay, trên công trường chỉ còn khoảng 500 công nhân đang thi công. Số lượng công nhân này đã giảm hơn 160 người so với tuần trước và giảm đáng kể so với thời gian chưa có dịch. Tuy nhiên, việc giảm số lượng là để đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 mà UBND TP.HCM đưa ra.
Lãnh đạo Ban quản lý dự án 1 cho biết trước những khó khăn trên, nhà thầu cũng đang từng bước khắc phục. MAUR đang chủ động làm việc với các nhà thầu, tùy từng khu vực, vị trí nhà thầu sẽ có phương án nhất định để thực hiện “một cung đường - hai địa điểm” hoặc “ba tại chỗ”. Tuy nhiên, tất cả đều phải đảm bảo phòng chống dịch.
Cùng ngày 17-8, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết việc bố trí thi công và tuân thủ các quy định phòng chống dịch sẽ do MAUR và các nhà thầu lên kế hoạch và thực hiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì việc an toàn, phòng chống dịch được ưu tiên số một. Theo đó, các đơn vị khi hoạt động, thi công phải đảm bảo tuân thủ các quy định phòng chống dịch mà UBND TP.HCM đã đưa ra.•
Đặt mục tiêu chống dịch lên trên hết Trước đó, Sở GTVT TP.HCM có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong hoạt động thi công xây dựng công trình giao thông và tại các cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn TP. Trong đó, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị, các chủ đầu tư và nhà thầu thi công các công trình giao thông phải tổ chức triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND TP tại Công văn số 2337/UBND-TH ngày 13-7. Chủ đầu tư và đơn vị thi công cần chấp hành các quy định của chính quyền địa phương và chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc đảm bảo các điều kiện hoạt động của đơn vị mình theo yêu cầu trong công tác phòng chống dịch COVID-19. “Đặt mục tiêu đảm bảo an toàn phòng chống dịch lên trên hết, trước hết, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn TP.HCM” - văn bản của Sở GTVT nêu. |