“UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định 26/2017 quy định việc (CPXD) có thời hạn. Tuy nhiên, quyết định này không nói rõ về việc CPXD đối với đất quy hoạch là hỗn hợp và dân cư xây dựng mới như Quyết định 27/2014 trước đây. Điều này khiến các địa phương bối rối”.
Thông tin trên được các địa phương phản ánh tại buổi họp với Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa vào ngày 13-7.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn cho hay điều kiện để được CPXD chính thức là phải phù hợp với mục đích sử dụng đất, phù hợp quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500. Đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị. Ngoài ra đất phải không được tranh chấp, khiếu nại.
Cán bộ hướng dẫn người dân thủ tục cấp phép xây dựng tại quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: VIỆT HOA
“Do đó, đất hỗn hợp hoặc dân cư xây mới nằm trong khu vực đã có quy hoạch 1/500 thì được CPXD chính thức. Trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết thì được CPXD có thời hạn với quy mô như đã quy định tại Quyết định 26” - ông Tuấn nói.
Theo giám đốc Sở Xây dựng, theo quy định hiện nay, để CPXD thì cần phải có một trong ba yếu tố: Quy hoạch chi tiết 1/500, quy chế quản lý kiến trúc hoặc thiết kế đô thị. Tuy nhiên, cả ba yếu tố này hiện TP chưa có đầy đủ nên việc CPXD đang dựa vào Quyết định 135/2007, Quyết định 45/2012 của TP về quy chế quản lý kiến trúc cho nhà liên kế trong khu đô thị hiện hữu kết hợp thêm các quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng. Do đó, việc CPXD được giải quyết đánh đồng cho mọi trường hợp nhà ở riêng lẻ tại đô thị trong khi từng khu vực sẽ có những chỉ tiêu, quy chế quản lý riêng. Thậm chí nhà ở nông thôn tại các xã ở các huyện ngoại thành cũng áp dụng các văn bản của nhà ở đô thị. Điều này là chưa phù hợp, do đó cần phải sớm thực hiện một trong ba yếu tố nêu trên để làm cơ sở CPXD.
Theo Phó Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Thanh Toàn, hiện TP đã phủ kín quy hoạch phân khu 1/2000 nhưng rất khó để phủ kín quy hoạch chi tiết 1/500.
Ông Toàn khẳng định việc làm quy hoạch 1/500 là không khả thi và sẽ rất lãng phí. “Bằng chứng là trong suốt 20 năm TP chỉ làm được 4.000 đồ án quy hoạch 1/500. Hơn nữa, để làm được quy hoạch này thì phải chi tiết đến từng thửa đất, trong khi đó nhà của người dân xây dựng biến động thường xuyên nên sẽ phải chạy theo để cập nhật là không phù hợp” - ông Toàn nói.
Xây dựng thiết kế đô thị để cấp phép Về thiết kế đô thị, hiện toàn TP mới chỉ có một số khu vực như trục đường Phạm Văn Đồng, xa lộ Hà Nội, đường Võ Văn Kiệt, khu trung tâm TP 930 ha và đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú). Hiện TP vừa thông qua danh mục 20 tuyến đường sẽ làm thiết kế đô thị. Trong đó có 12 tuyến đã được ghi vốn để thực hiện trong năm tới. Chủ yếu là các tuyến dọc theo kênh rạch để làm luôn công tác chỉnh trang đô thị. Giải pháp tốt nhất để làm cơ sở CPXD chính là xây dựng thiết kế đô thị hoặc quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc. Chỉ cần bổ sung vào quy hoạch phân khu 1/2000 là có thể CPXD. Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở QH-KT TP.HCM |