Ngày 3-7, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế do bị cáo Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang cùng đồng phạm thực hiện.
Phiên tòa dự kiến xét xử từ ngày 3 đến ngày 8-7. Chủ toạ phiên tòa là thẩm phán Ngô Ngọc Thắng.
Các bị cáo Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang, Hoàng Ngọc Phượng Trân (em ruột của Trang), và Ngô Thị Bích Thủy (kế toán) bị đưa ra xét xử về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn. 36 bị cáo khác bị đưa ra xét xử về các tội mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế.
Theo cáo trạng, từ tháng 4-2017 đến tháng 3-2023, Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang đã sử dụng CMND/CCCD của người quen hoặc mua tại các tiệm cầm đồ; mua lại các pháp nhân rồi thuê Ngô Thị Bích Thủy làm dịch vụ thành lập pháp nhân mới/thay đổi pháp nhân.
Trên thực tế các pháp nhân này không hoạt động (công ty ma), nhằm mua bán trái phép hóa đơn GTGT khống (không thực hiện việc mua bán, giao nhận hàng hóa, dịch vụ), thu lợi bất chính.
Sau khi lập các công ty ma, Mỹ Trang tìm khách hàng theo thông tin trên mạng internet, liên hệ qua Zalo để chào bán hóa đơn GTGT khống với giá 1,5-2%/tổng trị giá ghi khống trên hóa đơn trước thuế GTGT.
Để hợp thức hóa việc mua bán, Mỹ Trang yêu cầu khách hàng lập hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng nguyên tắc về việc mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ.
Khách hàng có nhu cầu mua hóa đơn GTGT sẽ liên lạc với Mỹ Trang thông qua điện thoại, cung cấp thông tin công ty, loại hàng hóa, số lượng, đơn giá ghi khống trên hóa đơn, thông tin hợp đồng, giá trị hợp đồng cần xuất khống.
Mỹ Trang chỉ đạo Hoàng Ngọc Phượng Trân soạn thảo hợp đồng, xuất mẫu hóa đơn để khách hàng xác nhận; sau khi khách hàng xác nhận đồng ý với nội dung hóa đơn nháp và đạt thỏa thuận giá thì tiến hành thực hiện việc thanh toán.
Để tránh bị phát hiện, mỗi công ty được thành lập, sau khi hoạt động khoảng 3-4 tháng, Mỹ Trang sẽ đóng mã số thuế, ngưng giao dịch, sử dụng công ty ma mới nhằm tránh sự kiểm tra của cơ quan thuế.
Kết quả điều tra xác định Mỹ Trang đã sử dụng 41 công ty ma, gồm: 21 công ty mua lại; lập mới 10 công ty tại TP.HCM và 10 công ty tại Đồng Nai.
Quá trình điều tra xác định, 31 công ty tại TP.HCM đã xuất khống 35.273 hóa đơn GTGT cho hơn 6.476 cá nhân/tổ chức. Tổng trị giá hàng hóa/dịch vụ ghi trên hóa đơn trước thuế GTGT là hơn 4.035 tỉ đồng, thuế GTGT hơn 389 tỉ đồng. Tổng giá trị trên hóa đơn sau thuế GTGT hơn 4.424 tỉ đồng.
Bị cáo Trang thu lợi bất chính theo tỉ lệ từ 1,5% - 2%/tổng giá trị ghi trên hóa đơn trước thuế GTGT, tương đương 60-80 tỉ đồng. Bị cáo Hoàng Ngọc Phượng Trân thu lợi bất chính 500 triệu đồng và Ngô Thị Bích Thủy thu lợi bất chính 589 triệu đồng.
Cũng theo cáo trạng, để thuận tiện thực hiện hành vi phạm tội, Mỹ Trang đã thuê bị cáo Phượng Trân cùng các bị cáo khác để phụ giúp nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh; giao nhận giấy tờ, chứng từ; quản lý con dấu của các công ty; kế toán…
Đồng thời, 13 bị cáo là môi giới (F1, F2) đã mua lại các hóa đơn GTGT khống với mức phí từ 1,8% đến 4,5% rồi bán lại cho doanh nghiệp với mức phí 3% đến 10% để hưởng chênh lệch.
Đối với các bị cáo là nhân viên kế toán, giám đốc, phó giám đốc các công ty, đã có hành vi mua hóa đơn GTGT khống có nguồn gốc từ hai bị cáo Mỹ Trang và Phượng để đưa vào sử dụng, quyết toán, kê khai với các cơ quan thuế nhằm mục đích trốn thuế.
Cáo trạng xác định, bị cáo Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang là người tổ chức, chủ mưu việc thực hiện tội phạm. Hành vi của các bị cáo trong vụ án đã gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước đặc biệt lớn.
Riêng 10 công ty Trang lập tại tỉnh Đồng Nai để thực hiện việc phát hành hóa đơn, đã được CQĐT tách hành vi làm rõ, xử lý sau.