TP.HCM xin tiếp tục cấp phép xây dựng tạm

“Năm 2016 là năm mà việc cấp phép xây dựng gặp rất nhiều khó khăn” - ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết tại buổi làm việc của Ban Pháp chế HĐND TP.HCM về tình hình cấp phép xây dựng chín tháng đầu năm vào ngày 25-10.

Xây dựng tạm gặp khó

Ông Hùng cho biết TP.HCM đã ban hành Quyết định 21/2013 và Quyết định 27/2014 cho người dân có nhà đất nằm trong khu vực quy hoạch nhưng chưa có quyết định thu hồi đất, chủ đầu tư chưa triển khai thực hiện thì được phép xây dựng tạm. Trong vòng năm năm mà Nhà nước thực hiện quy hoạch thì người dân không được bồi thường về vật kiến trúc nhưng sau năm năm mà không thực hiện quy hoạch thì được bồi thường. “Quy định tạo điều kiện cho nhiều người dân được cấp phép xây dựng, đã tháo gỡ được rất nhiều khó khăn về nhà ở cho người dân TP” - ông Hùng nói.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, bổ sung: “Quyết định 27 ra đời xuất phát từ thực tiễn, mang hơi thở của cuộc sống tại TP.HCM chứ không phải ra đời theo kiểu có luật, có nghị định, thông tư thì phải có quyết định để hướng dẫn chi tiết. Hơn nữa, kể từ khi ban hành quyết định này đã góp phần giải quyết được rất nhiều nhà ở cho người dân. Riêng một năm sau ngày ban hành có đến 7.000 trường hợp được cấp phép xây dựng có thời hạn”.

Tuy nhiên, Quyết định 27 được ban hành dựa vào Luật Xây dựng cũ nên không còn hiệu lực khi Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực vào ngày 1-7-2015. “Luật Xây dựng mới quy định được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn nếu phù hợp với mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, nếu phù hợp với mục đích sử dụng đất thì đó là điều kiện để cấp phép xây dựng chính thức chứ không cần cấp phép tạm” - ông Hùng phân tích.

Ông Hùng cũng cho biết Sở đang sửa đổi Quyết định 27 để tuân thủ đúng luật mới song sẽ kế thừa những điểm đúng đắn của Quyết định 27 để phù hợp với thực tiễn TP.

Người dân đang làm thủ tục cấp phép xây dựng tại UBND quận Tân Bình. Ảnh: HTD

Run tay xử lý vi phạm xây dựng

Liên quan đến việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết hiện nay các nghị định hướng dẫn thi hành gồm Nghị định 180/2007 và Nghị định 121/2014 đều đã hết hiệu lực. Do chưa có văn bản mới thay thế nên các địa phương vừa xử lý vi phạm vừa run khi áp dụng các quy định cũ.

Ông Hùng cho hay Sở Xây dựng đã báo cáo Bộ Xây dựng cho tiếp tục thực hiện hai nghị định trên trong khi chờ đợi ban hành văn bản mới thay thế. Đầu tháng 10-2016, Bộ Xây dựng có công văn đồng ý với kiến nghị của TP.HCM, trong đó lưu ý được phép áp dụng hai Nghị định 180 và 121 trừ những điều khoản trái với Luật Xây dựng mới. “Sở Xây dựng đã có văn bản gửi các quận, huyện vẫn xử lý theo tinh thần của hai nghị định này nhưng không cắt điện, nước khi cưỡng chế công trình sai phạm vì Luật Xây dựng mới không cho phép” - ông Hùng thông tin.

Theo ông Hùng, năm 2016 toàn TP.HCM vẫn còn hơn 2.000 trường hợp vi phạm. Trong số này có hơn 1.000 trường hợp xây dựng không phép, tập trung tại các quận 12, Thủ Đức và huyện Bình Chánh. Tuy nhiên, tình trạng xây dựng không phép tràn lan như thời gian trước đã không còn. “Một trong những biện pháp mạnh mà Sở Xây dựng đưa ra nhằm giải quyết tình trạng nhũng nhiễu, tiếp tay cho xây dựng không phép là xử lý cán bộ vi phạm. Những hình thức xử lý kỷ luật mạnh hơn, ngoài việc cảnh cáo, nhắc nhở thì sẽ buộc thôi việc nếu phát hiện cán bộ nhận tiền của dân để dung túng cho việc xây dựng không phép” - ông Hùng nhấn mạnh.

“Một cửa liên thông” trong cấp phép xây dựng

Sở Xây dựng đang chuẩn bị thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” điện tử trong công tác cấp phép xây dựng tại:

1. Trục đường Lũy Bán Bích, đoạn cầu Tân Hóa đến giao lộ Âu Cơ - Lũy Bán Bích (quận Tân Phú).

2. Bốn ô phố trước hội trường Thống Nhất, phường Bến Nghé (quận 1).

3. Tuyến đường Trường Sơn - Phan Đình Giót - Trần Quốc Hoàn (quận Tân Bình).

4. Khu công nghệ cao TP (quận 9).

5. Khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP.

Theo đó, Sở Xây dựng sẽ tiếp nhận và giải quyết đồng thời các thủ tục cấp giấy phép xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế xây dựng và tổ chức liên thông với các sở, ngành khác như: thỏa thuận tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết 1/500; thẩm duyệt PCCC; bảo vệ môi trường (phê duyệt đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường); thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật.

________________________________

TP.HCM đã nhiều lần kiến nghị với Bộ Xây dựng cả bằng văn bản và làm việc trực tiếp. Bộ Xây dựng ghi nhận thiếu sót này và sẽ trình Quốc hội sửa Luật Xây dựng 2014. Trong thời gian chờ sửa luật, TP.HCM cũng đã kiến nghị cho phép áp dụng Quyết định 27 để giải quyết việc xây dựng cho người dân, nếu không thì sẽ bị đứng hết.

Ông TRẦN TRỌNG TUẤN, Giám đốc Sở Xây dựng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm