Ông Qian Qihu, viện sĩ của Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, ngày 11-1 nói với tờ Thời báo Hoàn cầu rằng Trung Quốc đang phát triển một tổ hợp phòng thủ dưới lòng đất có khả năng đánh chặn các tên lửa siêu thanh, có thể vô hiệu hóa bất cứ hệ thống phòng thủ nào hiện nay.
Ông Qian Qihu. Ảnh: Thời báo Hoàn cầu
Theo ông Qian, hệ thống phòng thủ được ông nhắc đến gọi là “Vạn Lý Trường Thành bằng thép dưới lòng đất”. Hệ thống này gồm một loạt cơ sở phòng thủ nằm sâu dưới các ngọn núi.
Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc, mặc dù địa hình đồi núi hiểm trở đủ để chặn đứng các cuộc tấn công của kẻ thù, song lối vào và lối ra của nhưng cơ sở này dễ bị tổn thương. Vì thế, ông Qian cho biết ý tưởng của ông bao gồm nâng cấp những hệ thống phòng thủ có đủ năng lực bảo vệ các hạ tầng cơ sở trên mặt đất, cũng như bảo vệ được toàn bộ tổ hợp.
Ông Qian gọi “Vạn Lý Trường Thành bằng thép dưới lòng đất” này là "tuyến phòng thủ cuối cùng" của Trung Quốc.
Chuyên gia quân sự 82 tuổi cho biết nếu các tuyến phòng thủ khác như hệ thống đánh chặn tên lửa chiến lược, hệ thống chống tên lửa và ngay cả hệ thống phòng không cũng không thể phát huy được chức năng đánh chặn tên lửa siêu thanh và vũ khí thông minh, ý tưởng của ông sẽ giải quyết được vấn đề này.
Một xe quân sự chở tên lửa DF-21D của Trung Quốc năm 2015. Ảnh: GETTY
“Tổ hợp này có thể đánh chặn một tên lửa siêu thanh có vận tốc di chuyển ít nhất là Mach 5 nếu các hệ thống chống tên lửa khác thất bại” - ông Qian cho hay.
“Giáo phát triển thì khiên cũng phải phát triển. Kỹ thuật phòng thủ của chúng tôi phát triển kịp thời khi các vũ khí tấn công của đối thủ đặt ra những thách thức mới”- ông này nói thêm.
Trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Hoàn cầu hôm 11-1, ông Qian cho biết ông bắt đầu xây dựng ý tưởng bức tường thép dưới lòng đất khi nhận thấy tình hình chính trị đang hết sức bất ổn khi nhiều cường quốc như Mỹ, Nga lao vào cuộc đua chế tạo vũ khí siêu thanh.
Trong bài phát biểu thông điệp liên bang hồi tháng 3-2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ sáu vũ khí được ông mô tả là “bất khả chiến bại” mà Moscow đang phát triển. Trong danh sách đó có tên lửa hành trình siêu thanh Kinzhal có thể đạt vận tốc Mach 10 (tức bay nhanh gấp 10 lần tốc độ âm thanh) và tổ hợp Avangard với đầu đạn siêu thanh có thể đạt tới vận tốc Mach 20. Nga cũng vừa thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh Avangard lần cuối cùng và sẽ đưa vào biên chế trong năm nay.
NASA công bố hình ảnh tên lửa Pegasus mang máy bay nghiên cứu siêu thanh X-43A với tốc độ bay Mach 10 hồi năm 2004. Ảnh: GETTY
Mỹ trong khi đó cũng đầu tư rất nhiều vào công nghệ siêu thanh. Tháng 8-2018, nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ đã giành được hợp đồng trị giá 480 triệu USD từ Lầu Năm Góc để phát triển cặp vũ khí siêu thanh gồm vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (Air-Launched Rapid Response Weapon) và vũ khí tấn công thông thường siêu thanh (Hypersonic Conventional Strike Weapon).
Từ năm 2010, Mỹ cũng đã bắt đầu thử nghiệm máy bay siêu thanh Boeing X-51 Waverider có thể đạt tốc độ Mach 6. Một thiết bị khác của Mỹ là máy bay phản lực không người lái X-43A của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hiện giữ kỷ lục với tốc độ bay lên tới Mach 9.6.
Trong khi đó, danh hiệu máy bay có người lái nhanh nhất hiện nay thuộc về Mikoyan-Gurevich MiG-25 của Nga với tốc độ Mach 2,8.
Ông Qian Qihu, 82 tuổi, từng giữ hàm tướng trong quân đội Trung Quốc và hiện là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Học viện Kỹ thuật Trung Quốc. Cuối tuần trước, ông cùng với chuyên gia radar Liu Yongtan nhận giải thưởng lớn về quốc phòng tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh với trị giá giải thưởng lên tới 1,18 triệu USD. |