Trên số trước, chúng tôi phản ánh nhiều con suối ở các huyện Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ… bị phân heo đầu độc. Giếng nước của người dân, các cánh đồng bị bỏ hoang, còn người dân đang hằng ngày chịu đựng mùi hôi thối từ các trại heo.
Người dân kêu than, chính quyền đã biết nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu nào để xử lý triệt để chuyện này.
Cấp phép xong rồi bỏ mặc
Bà Lê Thị Hồng, trưởng ấp Cây Xoài, xã Tân An (Vĩnh Cửu), khái quát: Chỉ trong ấp đã có khoảng 20 trang trại chăn nuôi heo đang hoạt động và các trại heo đang hành hạ người dân xung quanh.
“Trong đó, hai trang trại của bà Trần Ngọc Bảo Ngân và của ông Ngô Đức Quang nhiều lần xả thải, gây ô nhiễm cho kênh N3 và dân cư. Cơ quan chức năng có lập biên bản xử phạt, yêu cầu chủ trang trại cam kết không gây ô nhiễm nhưng đâu lại vào đấy…” - bà Hồng nói.
Theo đánh giá của HĐND huyện Vĩnh Cửu, các trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hàng loạt trại heo lớn, có vốn đầu tư nước ngoài như Công ty Velmar, Công ty Velbred, Công ty France Hybrides, trang trại chăn nuôi heo của bà Bảo Ngân... cũng chưa có giải pháp khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường, chưa có đơn vị nào thực hiện được quy chuẩn môi trường theo quy định.
“Vi phạm chủ yếu là xả thải trực tiếp chưa qua xử lý, vượt nhiều lần quy chuẩn kỹ thuật chăn nuôi nhưng chưa được các ngành, các cơ quan chuyên môn kiểm tra, xử lý” - HĐND huyện Vĩnh Cửu đánh giá.
Nước con suối Reo vốn trong vắt giờ đen ngòm, gây ngứa. Ảnh: T.DŨNG
Đặc biệt, trại heo của Công ty Velmar tại xã Vĩnh Tân không có lò tiêu hủy heo bệnh, chôn xác heo trực tiếp tại khu đất xung quanh nhưng chưa có cơ quan nào giám sát, kiểm tra. Còn Công ty Hybrides, huyện đã có thông báo yêu cầu chấm dứt vi phạm môi trường nhưng các cơ quan không báo cáo kết quả thực hiện...
Tiếp tục… hứa
Cũng theo HĐND huyện Vĩnh Cửu, Phòng TN&MT huyện chỉ thực hiện việc kiểm tra ô nhiễm môi trường theo phản ánh của người dân mà chưa đề xuất giải pháp hữu hiệu để xử lý ô nhiễm môi trường; chưa một đơn vị nào bị đề xuất phải chấm dứt hoạt động, di dời như trưởng Phòng TN&MT đã hứa tại kỳ họp HĐND trước đó.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hải Bằng, Trưởng phòng TN&MT huyện Vĩnh Cửu, cho biết: UBND huyện vừa ký quyết định thành lập đoàn liên ngành để rà soát toàn bộ các trang trại heo đang hoạt động trên địa bàn để xử lý theo quy định.
Còn đại diện Phòng NN&PTNT huyện Thống Nhất cho hay huyện đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan di dời 10 trang trại ra xa suối Reo, không để các trang trại xả thải trực tiếp ra môi trường. Huyện đang nạo vét lòng suối để hạn chế ô nhiễm.
Đầu tháng 2-2017, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với các huyện kiểm tra lại toàn bộ các trang trại do tỉnh cấp ĐTM đã đi vào hoạt động. Nếu không đảm bảo môi trường phải xử lý nghiêm, buộc khắc phục. Trường hợp các trại không thực hiện đúng theo ĐTM, tiếp tục gây ô nhiễm thì đóng cửa ngưng hoạt động.
Cho ngưng hoạt động nếu tiếp tục vi phạm Chiều 13-4, ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, cho biết đã lập đoàn để kiểm tra tình trạng gây ô nhiễm môi trường của toàn bộ doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi heo trên toàn tỉnh Đồng Nai thuộc thẩm quyền quản lý của Sở. Cơ quan cũng đã có văn bản gửi UBND cấp huyện trong địa bàn rà soát tất cả trang trại chăn nuôi heo và hộ gia đình trong khu dân cư thuộc huyện quản lý. “Đến thời điểm này, Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai đã cơ bản nắm được tình hình gây ô nhiễm môi trường của tất cả doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi heo trên toàn tỉnh. Dự kiến trong tuần này, Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai sẽ mời các chủ doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi heo đến để làm bản cam kết bảo vệ môi trường. Sau khi ký cam kết, nếu trang trại nào không thực hiện hoặc tiếp tục gây ô nhiễm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Đề xuất ngưng hoạt động nếu vi phạm kéo dài và sẽ thực hiện trong tháng 4 và tháng 5 này. Cũng theo ông Đặng Minh Đức, hiện nhiều chủ trang trại cho người khác thuê nhưng không làm đầy đủ hệ thống xử lý chất thải. Khi đến kiểm tra, giữa người cho thuê và các công ty thuê trại đùn đẩy trách nhiệm. “Chúng tôi sẽ mời chủ cho thuê đến làm việc, nếu không đảm bảo môi trường sẽ đề nghị các cơ quan chức năng rút phép hoạt động” - ông Đức nói. ______________________________ Cơ sở chăn nuôi có tổng lượng nước thải lớn hơn 5 m3/ngày phải đảm bảo các thông số về độ pH, BOD5, COD, tổng chất rắn lơ lửng, tổng nitơ, tổng coliform có trong nước thải. Với các cơ sở có tổng lượng nước thải dưới 5 m3/ngày thì phải có hệ thống thu gom, xử lý đủ công suất hoặc hệ thống thu gom, lắng, ủ nước thải hợp vệ sinh. (Theo Thông tư 04/2016 của Bộ TN&MT) |