Hội làng Triều Khúc (thuộc xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) được tổ chức từ mùng 9 đến 12 tháng Giêng âm lịch hằng năm để tưởng nhớ đến Bố Cái đại vương Phùng Hưng.
Lễ hội làng Triều Khúc năm nào cũng thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương với những tiết mục đặc sắc...Trong đó không thể không nhắc tới điệu múa "con đĩ đánh bồng".
Đây là điệu múa với những động tác mô phỏng đời sống nông nghiệp của cư dân xưa, điệu múa cổ này vừa có chức năng nghi lễ, vừa là thú vui giải trí.
Ông Triệu Đình Hồng - người cuối cùng của làng dạy được điệu múa "con đĩ đánh bồng" đang giúp các học trò của mình chuẩn bị trước giờ "G".
Những chàng trai được tô son, đánh phấn, hóa trang thành phái nữ.
Tự trang điểm không kém con gái chút nào...
Sau khi trang điểm, hóa trang xong, những chàng trai với nụ cười tươi, duyên dáng như những cô gái.
Khoác trên mình chiếc áo tứ thân, váy đụp, chít khăn mỏ quạ, đeo một cái trống bồng nhỏ sơn màu đỏ trước ngực.
Chàng trai Triệu Đăng Dương (15 tuổi) cho biết Điệu múa bồng khó nhất chính là nam phải làm sao thể hiện được sự lẳng lơ, điệu đà như con gái.
Những chàng trai nhập vai phải được tuyển chọn kỹ lưỡng, đó là con trai gốc của làng Triều Khúc, chưa vợ, mặt mũi khôi ngô, học hành giỏi giang...
Bạn Bùi Văn Hảo (26 tuổi) cho biết đã tham gia đội múa được bốn năm, theo Hảo thì để phải luyện tập trước cả năm trời mới được là thành viên chính thức, biểu diễn trong những dịp tế lễ quan trọng của làng.
Khi múa bồng, những chàng trai giả gái phải thể hiện được sự lẳng lơ, những động tác uyển chuyển, miệng lúc nào cũng phải cười... thu hút người xem.
Và đôi mắt cũng phải thể hiện được sự lẳng lơ... Họ lả lướt như những "con đĩ đánh bồng" thực thụ.
"Con đĩ đánh bồng” được xem là điệu múa cổ nhất Thăng Long, có từ thời Bố Cái đại vương Phùng Hưng đánh thắng giặc Đường tại thành Tống Bình (Hà Nội bây giờ). Bố Cái đại vương Phùng Hưng đã chọn làng Triều Khúc làm nơi khao quân, cho những chàng trai đóng giả gái để múa khích lệ quân lính.