Chính phủ vừa ban hành một loạt quy định mới nhằm giải quyết các vấn đề khúc mắc trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN) thông qua Nghị định 08/2023, có hiệu lực từ ngày 5-3.
Với nghị định mới này, cơ quan quản lý nhà nước nới lỏng hoặc tạm hoãn một số điều kiện thực thi vốn khá thắt chặt trong Nghị định cũ 65/2022. Qua đó, quy định mới có thể giúp giảm áp lực và tạo sự thuận lợi hơn cho DN phát hành trái phiếu cũng như giải tỏa một số áp lực cho thị trường trong thời gian tới.
Bởi khi DN không thể phát hành mới trái phiếu hoặc tìm nguồn vốn thay thế, hoạt động sản xuất, kinh doanh có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí phải đối mặt với nguy cơ mất thanh khoản dẫn đến vỡ nợ.
Dù vậy, những tháo gỡ khó khăn trên thị trường trái phiếu DN lúc này vẫn còn một số hạn chế và mang tính chất ngắn hạn. Nhiều vấn đề vẫn chưa thể giải quyết hết trong một lúc, như DN nếu đã được trái chủ đồng ý cho kéo dài kỳ hạn trái phiếu thêm hai năm nhưng sau đó vẫn không có tiền trả thì giải quyết bằng cách nào.
Phương án đổi trái phiếu lấy tài sản khác bao gồm cả bất động sản cũng chưa có sự hướng dẫn cụ thể. Như vậy, trái chủ chưa yên tâm nên có thể sẽ từ chối các giải pháp đàm phán của DN phát hành. Điều này sẽ khiến mục tiêu hạn chế các tác động tiêu cực của thị trường trái phiếu DN trong ngắn hạn mà Nghị định 08 muốn hướng đến có thể chưa phát huy hết tác dụng.
Vì vậy, bên cạnh giảm thiểu sự rủi ro của thị trường lúc này thì cơ quan quản lý nhà nước vẫn phải kiên định thực thi xây dựng niềm tin và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trái phiếu. Qua đó đảm bảo rằng các hoạt động chào bán và giao dịch trái phiếu minh bạch, các nhà đầu tư được thông tin đầy đủ và được bảo vệ.
Bộ Tài chính mới đây cũng nhấn mạnh sẽ theo dõi, yêu cầu các DN bố trí nguồn lực để thanh toán gốc và lãi theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Đồng thời, bộ sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện chính sách theo hướng tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu DN, nâng cao chất lượng hàng hóa, cải thiện chất lượng của các tổ chức cung cấp dịch vụ, sớm phát triển thị trường trái phiếu thứ cấp minh bạch. Làm được điều này, thị trường trái phiếu DN mới phát triển một cách lành mạnh, an toàn và hiệu quả.
Tạo điều kiện cho DN phát hành trái phiếu là rất phù hợp, nhất là trong bối cảnh nhiều DN đang rất khó khăn về vốn. Thế nhưng,“tạo điều kiện cho người bán cũng cần tạo lòng tin cho người mua”. Thế nên, cũng cần đứng từ góc độ của người mua trái phiếu DN để thấu hiểu những lo lắng, băn khoăn của họ để từ đó thúc đẩy các cơ chế song song: Vừa rộng đường cho DN phát hành trái phiếu, vừa rộng cửa cho người mua cảm thấy an toàn, tự tin. Và những giải pháp như Nghị định 08 (cùng các động thái củng cố hành lang pháp lý sắp tới) sẽ là rất đúng hướng và cần thiết.