Từ đầu năm đến nay, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế, thị trường bất động sản (BĐS) ở nhiều địa phương khắp ba miền đều sốt, việc đi gom đất rồi tách thửa, phân lô diễn ra rầm rộ. Hàng loạt địa phương đã mạnh tay siết nạn phân lô, bán nền bằng văn bản hành chính tạm dừng phân lô, tách thửa.
Nhiều địa phương “cấm” phân lô,tách thửa
Kịch bản sốt đất ở nhiều địa phương lại tái diễn khi thời gian qua tình trạng cá nhân, công ty BĐS thu gom đất ở, đất vườn, đất trồng cây lâu năm… tự ý vẽ dự án phân lô, tách thửa đất diễn ra tràn lan.
Để hạ nhiệt sốt đất và ổn định thị trường, mới đây nhiều địa phương đã ra văn bản chỉ đạo tạm dừng cho phép phân lô, tách thửa đất.
Đơn cử như tại Bình Phước hồi cuối tháng 3, UBND TP Đồng Xoài đã ban hành công văn hỏa tốc tạm dừng tách thửa đối với các thửa đất nông nghiệp và tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Không thực hiện tách thửa (tất cả loại đất) đối với các thửa đất đã có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Tương tự, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Văn bản 1927/2022 về việc sửa đổi, bổ sung nội dung tại điểm 1 Văn bản 13078/2021 về việc tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn toàn tỉnh. Cụ thể, trong nội dung sửa đổi lần này, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hồ sơ xin chuyển mục đích của hộ gia đình, cá nhân.
Tỉnh Khánh Hòa yêu cầu chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đối với các thửa đất nằm trong khu dân cư hiện có, phù hợp quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc quy hoạch điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Mới đây, Sở TN&MT tp Hà Nội cũng vừa có công văn gửi đến UBND các quận, huyện, thị xã và văn phòng đăng ký đất đai tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với thửa đất nông nghiệp, thửa đất có cùng đất ở và đất nông nghiệp, thửa đất phi nông nghiệp không phải đất ở.
Chính quyền địa phương tháo dỡ các dự án phân lô, bán nền trái phép để phục hồi hiện trạng đất ban đầu. Ảnh: CTV |
Cần quy trách nhiệm lãnh đạo địa phương
Việc tạm dừng phân lô, tách thửa của các địa phương theo các chuyên gia là sẽ ngăn chặn tạm thời được việc đua nhau phân lô, bán nền trái phép. Tuy nhiên, giải pháp này đã thực hiện những năm trước đây cũng chỉ mang tính tạm thời nhằm hạn chế hiện tượng. Động thái này chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, khi mệnh lệnh hành chính này được “tháo” thì đâu lại vào đấy.
Ông Nguyễn Duy Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý nhà Toàn cầu (Global Home), cho rằng chỉ đạo tạm dừng phân lô, tách thửa chỉ mang tính chữa cháy nhất thời, vô tình ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân.
Ví dụ, đang thời điểm mùa thi, hướng nghiệp, nhiều gia đình chuẩn bị tiền cho con đi học ĐH, CĐ, học nghề. Họ muốn tách thửa để bán một phần đất để có chi phí. Thế nhưng với việc tạm dừng của địa phương khiến nhiều người dân bị ảnh hưởng.
Hệ lụy của giải pháp “cấm” phân lô, tách thửa tạm thời theo ông Thành sẽ tạo cho nguồn cung BĐS giảm, trong khi người dân đang có nhu cầu mua đầu tư tăng cao. Điều này có thể đẩy giá nhà đất ở các địa phương tiếp tục tăng.
“Tình trạng phân lô, bán nền trái phép thực tế chính quyền địa phương cấp xã, phường đều biết nhưng không kiểm soát, ngăn chặn. Thực trạng này làm lũng đoạn thị trường, gây lãng phí tài nguyên và không tạo ra phát triển kinh tế mà chỉ gây rối cho phát triển kinh tế địa phương” - ông Thành đánh giá.
Đồng quan điểm, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cũng chỉ ra rằng do lãnh đạo nhiều địa phương làm không nghiêm, buông lỏng, mỗi nơi thực hiện một kiểu làm méo quy hoạch đất nông nghiệp. Giá đất tăng do được tách thửa, làm sai lệch chính sách phát triển đất ở, đất nông thôn. Nếu địa phương làm nghiêm thì chắc chắn không xảy ra tình trạng sốt đất nhiều năm qua.
Theo TS Hiển, nếu lãnh đạo địa phương nào để xảy ra tình trạng phân lô, bán nền trái phép như tự ý san đồi, xẻ núi trên đất nông nghiệp thì phải xử nghiêm, kỷ luật lãnh đạo lẫn cán bộ địa phương đó.
Một giải pháp nữa là phải sửa luật theo hướng siết việc tách thửa đất nông nghiệp. Các địa phương không thể dễ dàng cho phép người dân tách thửa với diện tích nhỏ so với đất để làm nông nghiệp.
“Ví dụ, muốn tách thửa đất nông nghiệp cho con cái thì phải đảm bảo diện tích mỗi thửa trên 3.000 m2 mới được tách. Không thể tách thửa đất nông nghiệp mà chỉ vài trăm mét vuông bởi diện tích ấy đâu thể đủ để canh tác đúng mục đích là làm nông nghiệp” - TS Hiển phân tích.•
Lỗ hổng pháp luật tạo cơ hội phân lô, bán nền tràn lan
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), HoREA kiến nghị Chính phủ phải xem xét quy định cho phép tách thửa đối với từng loại đất, trong đó có đất nông nghiệp vì không phù hợp với Luật Đất đai và có thể dẫn đến hệ quả làm gia tăng tình trạng phân lô, tách thửa tràn lan, khó kiểm soát.
Theo quy định, Luật Đất đai 2013 chỉ cho tách thửa đất ở tại nông thôn và tách thửa đất ở tại đô thị. Thế nhưng, Nghị định 01/2017, Nghị định 43/2014 lại cho phép UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Quy định này có thể dẫn đến tình trạng các đầu nậu, doanh nghiệp trục lợi tách thửa tràn lan và biến tướng thành đất ở, làm phá vỡ quy hoạch phát triển địa phương.