Trần ai “con kiến” kiện “củ khoai” - Bài 2: Thắng kiện trên giấy

“Ủy ban vừa gọi chúng tôi lên đối thoại và một lần nữa từ chối cấp giấy hồng mới dù bản án tòa tuyên quá rõ và đã có hiệu lực pháp luật. Thậm chí cơ quan thi hành án cũng có công văn hối thúc nhưng ủy ban vẫn không chịu thi hành” - bà Triệu Thị Kính, ngụ khu phố 1, phường Tân Thuận Tây, quận 7 (TP.HCM) bức xúc giãi bày.

Đi kiện bằng xe buýt

Hồi tưởng lại những tháng ngày vất vả đeo đuổi vụ kiện “quan” này, bà Kính kể: “Tôi và chồng ly hôn từ năm 1982. Một nách bốn đứa con nheo nhóc, cực khổ lắm tôi mới dành dụm mua được mảnh đất rộng 32,6 m2 này. Vì sợ phụ nữ đơn thân hay gặp chuyện chẳng lành nên tôi cho con gái đứng tên. Khoảng năm 1997, mẹ con tôi mới có tiền cất căn nhà cấp 4 ở cho đến bây giờ”.

Theo bà Kính, quá trình sinh sống bà đều kê khai, đăng ký đóng thuế và được phường xác nhận. Năm 2004, con gái bà đi làm thủ tục cấp giấy hồng mới cho căn nhà thì té ngửa vì quận chỉ công nhận một nửa diện tích. Một nửa còn lại (14,67 m2) quận không công nhận với lý do đất lấn chiếm đường đi công cộng, nếu muốn được công nhận thì phải đóng tiền sử dụng đất (khoảng 50 triệu đồng).

50 triệu đồng có thể không lớn với nhiều người nhưng với mẹ con bà Kính thì không biết xoay đâu ra. “Chẳng lẽ phải đi vay nóng rồi lãi mẹ lãi con, chẳng mấy chốc mà mất cả nhà” - bà Kính ngậm ngùi. điều quan trọng hơn là trước đó mẹ con bà chưa bao giờ nghe nói gì về đất công cộng hay quy hoạch liên quan đến căn nhà của họ.

Trần ai “con kiến” kiện “củ khoai” - Bài 2: Thắng kiện trên giấy ảnh 1

Bà Triệu Thị Kính đang kể lại câu chuyện hơn 2.400 ngày khiếu kiện UBND quận 7. Ảnh: T.TÙNG

Bà Kính nhớ lại: “Nghe người ta chỉ, tôi tìm mua một cuốn sách về Luật Đất đai của một tác giả ở Trường ĐH Luật Hà Nội để đọc xem mình thuộc diện nào. Chữ nghĩa ít không hiểu, tôi liều gọi điện thoại cho tác giả theo số ghi ở cuối sách nhờ giúp đỡ. Ông ấy bảo vụ việc của tôi có thể kiện được nhưng vì xa xôi quá nên ông khó giúp”.

Sau đó, tác giả cuốn sách giới thiệu cho bà một luật sư ở TP.HCM. Bà được vị luật sư này hướng dẫn làm đơn từ miễn phí. Từ đầu năm 2006, bà bắt đầu hành trình khiếu kiện UBND quận. Không có xe và cũng không biết đi xe máy, con cái thì bận bịu làm thuê kiếm sống nên bà làm đại diện, một mình chuẩn bị đơn từ, chứng cứ. Mỗi lần đi lên ủy ban nộp đơn khiếu nại hay gặp luật sư nhờ cái này cái khác, bà lội bộ ra điểm xe buýt bắt xe. Bà phải bắt vài tuyến xe, cộng thêm nửa tiếng đi bộ mới đến nơi cần đến.

Sau khi UBND quận 7 bác đơn khiếu nại của bà, tháng 8-2006, bà Kính khởi kiện ủy ban ra tòa. “Cực nhất là giai đoạn này, bao nhiêu hồ sơ giấy tờ phải đi nộp theo yêu cầu của tòa, rồi thêm nhiều lần tòa gọi lên cung cấp chứng cứ, hòa giải, tôi đều phải một mình đón xe buýt lọ mọ đi làm” - bà kể.

Tháng 9-2007, khi TAND quận 7 xử sơ thẩm bác yêu cầu của bà thì sự mệt mỏi, ê chề dâng lên cực độ. “Mấy mẹ con tôi đều chán nản, ai cũng nghĩ phận con kiến làm sao kiện thắng chính quyền nổi”.

Thắng kiện vẫn khổ

Bà Kính vẫn nộp đơn kháng cáo với hy vọng còn nước còn tát. Rồi sau gần một năm chờ đợi, niềm vui bất ngờ đã đến với mẹ con bà.

Trong phiên phúc thẩm hồi tháng 5-2008, TAND TP.HCM nhận định mảnh đất của mẹ con bà Kính được chuyển nhượng từ trước ngày 15-10-1993 (ngày Luật Đất đai có hiệu lực) nên không thuộc trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất. Việc UBND quận 7 buộc phía bà Kính phải nộp tiền sử dụng 14,67 m2 đất thì mới cấp giấy hồng là chưa phù hợp, không có căn cứ pháp luật. Từ đó, tòa đã sửa án sơ thẩm, buộc UBND quận 7 phải hủy giấy hồng cũ để cấp lại giấy mới cho con gái bà Kính theo hướng công nhận toàn bộ diện tích 32,6 m2.

“Tòa tuyên án xong, người tôi nhẹ bẫng vì vui mừng quá. Rồi lúc nhận bản án, cầm bản án trên tay mà lòng cứ khấp khởi” - bà Kính kể.

Thế nhưng mọi chuyện không đơn giản thắng kiện là xong. Từ đó đến nay, UBND quận 7 không thi hành án, vẫn cho rằng mình đúng, vẫn bắt mẹ con bà Kính muốn có giấy hồng mới thì phải nộp tiền sử dụng đất.

Bà Kính lại bắt đầu hành trình khiếu nại bằng xe buýt. Ủy ban quận chỉ trả lời bà ngắn gọn là theo Công văn số 2540 ngày 15-7-2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì trường hợp của bà vẫn phải nộp tiền sử dụng đất hơn 14 m2 còn lại mới được cấp giấy hồng mới.

Đầu năm 2009, Chi cục Thi hành án quận 7 đã ra quyết định thi hành án nhưng mọi chuyện cũng giậm chân tại chỗ. Đầu năm nay, cơ quan này có công văn đôn đốc gửi UBND quận 7, nêu rõ: “Chi cục Thi hành án phải tôn trọng và thực hiện đúng theo nội dung bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM, không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích hơn 14 m2…”.

Tuy nhiên, trong văn bản phúc đáp, UBND quận 7 tái khẳng định không thi hành án. Rồi ủy ban mời bà Kính lên đối thoại, một lần nữa công bố dự thảo quyết định giải quyết khiếu nại với nội dung bác đơn.

Hằng ngày, bà Kính cặm cụi ngồi may gia công mưu sinh trong căn nhà cũ nát, nơi ở của 10 người trong ba thế hệ. Bà thành thật: “Tôi định sau khi chuyện xong xuôi sẽ bán nhà về ngoại thành mua đất cất nhà mới chứ ở đây chật chội quá. Nhưng biết đến khi nào ủy ban quận mới chịu tôn trọng và nghiêm túc thi hành bản án của tòa. Tôi tuyệt vọng vì đã gửi đơn kêu cứu rất nhiều nơi, từ TP cho đến trung ương nhưng chỉ nhận được sự im lặng”.

Trách nhiệm của UBND quận 7

Bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được cá nhân, cơ quan, tổ chức tôn trọng. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của tòa án phải nghiêm chỉnh chấp hành.

(Trích Điều 21 Luật Tố tụng hành chính)

Trách nhiệm của UBND TP

Trong Chỉ thị số 17 ngày 25-5-2012 (về việc triển khai công tác thi hành án hành chính), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận xét: “Vẫn còn tình trạng nhiều bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính chưa được thi hành nghiêm túc. Nguyên nhân chính là do tính chất phức tạp của công tác thi hành án hành chính; nhận thức về công tác thi hành án hành chính của các cấp, các ngành còn hạn chế”...

Thủ tướng cũng nêu rõ: UBND cấp tỉnh phải kiểm tra, đôn đốc các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan, tổ chức khác trên địa bàn nghiêm túc thi hành án hành chính, không để tồn đọng các bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm