Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao, vừa chủ trì hội thảo lấy ý kiến đối với 18 bản án, quyết định dự kiến phát triển thành án lệ. Tại đây, một số bản án trong dự thảo đề xuất bị các chuyên gia pháp luật không đồng tình.
Hiểu sao về phạm tội có tính côn đồ?
Gia đình T. và ông B. là hàng xóm. Cuối năm 2011, T. đang chạy xe máy trên đường thì trâu của ông B. bất ngờ đứng dậy, vướng vào xe, làm T. ngã gãy chân. T. khởi kiện và tòa tuyên buộc ông B. phải bồi thường hơn 11 triệu đồng.
Sau đó T. mang ô tô chạy ra đường tập lái thì gặp ông B. đi ngược chiều. Ông B. chạy xe máy thẳng hướng vào đầu xe, khi ô tô đến gần thì lách qua bên phải, dùng tay đập khiến gương chiếu hậu rơi xuống đất. T. đuổi theo ông B. nhưng không kịp nên quay lại nhặt gương chiếu hậu. Lúc này, ông B. chạy xe máy quay lại, đập vào gương chiếu hậu còn lại nhưng không trúng và thách thức. T. bực tức đuổi theo, lái ô tô đâm vào thẳng xe máy làm ông B. bị hất lên nóc xe và rơi xuống đường. Khi ông B. đang cố bò để đứng dậy thì T. đâm thẳng xe vào người làm ông B. tử vong.
VKSND tỉnh Đắk Lắk nhận định người bị hại cũng có lỗi nên truy tố T. về tội giết người theo khoản 2 Điều 93 BLHS và đề nghị xử phạt 13-14 năm tù. Nhưng HĐXX cho rằng VKS chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ của tội phạm. Bởi hành vi của T. đủ yếu tố để áp dụng tình tiết định khung tăng nặng là có tính chất côn đồ theo khoản 1 Điều 93 BLHS và phạt T. 20 năm tù.
Tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Tất Viễn (Viện Khoa học chính sách và pháp luật TP.HCM) đồng tình việc chọn bản án này làm án lệ do đáp ứng đủ các tiêu chí. Bản án có chứa lập luận, phân tích các tình tiết của vụ án để làm rõ quy định về tình tiết phạm tội có tính chất côn đồ.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình (đứng) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.VÂN
Chánh án tòa Đắk Lắk Nguyễn Duy Hữu thông tin thêm chỉ vì một lỗi rất nhỏ của ông B. mà T. đã hành động dã man, khi về ngang nhà nạn nhân còn nói: “Tôi tông chết chồng bà kìa, ra mà nhặt xác về”. Hành vi này không chỉ gây phẫn uất cho gia đình nạn nhân mà còn gây kinh hãi trong quần chúng. Phiên xử này diễn ra trong ngày mưa bão nhưng người dự vẫn xem đến phút cuối cùng. Tòa tuyên án xong, mọi người vỗ tay đồng loạt, cho thấy sự đồng thuận của dư luận.
Tuy nhiên, một thẩm phán TAND Tối cao phản đối: “Vấn đề không phải là hành vi có tính man rợ hay không mà là VKS truy tố tội giết người theo khoản 2 và tòa quyết định theo khoản 1. Dựa vào lỗi của người bị hại để chúng ta xác định khoản 1 hay khoản 2 nhưng lỗi ở mức độ nào?...”. Theo thẩm phán này, lỗi là hành vi trái pháp luật của người bị hại nhưng trường hợp này, lỗi của bị hại có phải là trái pháp luật nghiêm trọng hay không?
Hành vi của T. là vô cớ giết người thì mới rơi vào khoản 1. Trong khi T. hoàn toàn có cớ. Ban đầu là mâu thuẫn dân sự, sau ông B. rượt theo, đập kiếng chiếu hậu thì đã có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng là cố ý hủy hoại tài sản nên không thể cho là lỗi vô cớ được. Chúng ta nhìn thấy hành vi T. cố tình cán lên người nạn nhân và cho rằng đó là dã man nên mới phạm vào tội giết người. “Quan điểm của tôi là đồng tình với truy tố của VKS. Không nên chỉ nhìn vào một hành động của bị cáo mà chúng ta xử theo công luận” - vị thẩm phán nói.
Giành lại xe từ công an, tội gì?
Tháng 6-2009, N. mượn xe máy, cùng năm người bạn đi uống cà phê. Khi chạy ngang cầu xi măng, nhóm của N. bị một số thanh niên chặn lại, hai bên đánh nhau. Khi nghe có công an đến, cả hai bên cùng bỏ chạy. Một lúc sau, nhóm của N. bàn bạc quay lại xin xe máy cho N. Xin không được, cả nhóm bao vây xe ba gác của công an xã, dùng dao chặt đứt dây chằng, khiêng xe máy xuống và chạy đi.
Năm 2011, tòa sơ thẩm xử nhóm của N. tội cướp tài sản, chống người thi hành công vụ và tuyên từ ba năm đến bốn năm sáu tháng tù. Xử phúc thẩm TAND tỉnh Phú Yên giữ nguyên tội danh. Giữa năm 2013, Tòa Hình sự TAND Tối cao xử giám đốc thẩm, hủy cả hai bản án.
Nội dung nhận định dự kiến phát triển thành án lệ như sau: “Nếu việc thu giữ xe đã được công an xã lập biên bản, đưa về kho giữ tang vật mà các bị cáo đến khống chế, đe dọa để lấy tài sản thì mới cấu thành tội cướp. Trường hợp này, công an chưa lập biên bản thu giữ xe mà mới đưa xe về trụ sở để giải quyết. Vì muốn lấy lại xe nên N. và các bị cáo đã xô đẩy, ngăn cản công an làm nhiệm vụ. Do đó các bị cáo chỉ phạm tội chống người thi hành công vụ. Việc nhận định các bị cáo đã dùng phương tiện nguy hiểm, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc đối với công an xã nhằm chiếm đoạt xe để quy kết tội cướp tài sản là chưa đủ căn cứ”.
TS Vũ Thị Thúy (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) phản đối lập luận trên. Theo TS Thúy, N. đã bỏ chạy khỏi hiện trường nên công an đưa xe máy lên xe ba gác và chằng lại thì dù có lập biên bản hay không, chiếc xe vẫn nằm trong sự quản lý của công an xã.
Nếu lập luận rằng do công an chưa lập biên bản vi phạm hành chính hoặc biên bản thu giữ tang vật thì xe vẫn nằm trong sự quản lý của N. và N. không thể chiếm đoạt xe trong sự quản lý của mình là không thuyết phục. Không cần quá lệ thuộc vào việc đã lập biên bản hay chưa để lấy đó làm căn cứ xác định tài sản đó đang trong sự quản lý của ai.
TS Thúy nói: “Tôi ví dụ như chiếc xe đã được đưa về trụ sở nhưng công an xã quên không lập biên bản thu giữ tang vật. Vài ngày sau nhóm của N. đến xông vào lấy lại xe mà chúng ta cho rằng do chưa lập biên bản nên hành vi này là chống người thi hành công vụ là không chính xác”.
Tranh cãi về vụ án mất trâu Tháng 7-2015, gia đình ông H. bị mất một con trâu, ông đi tìm thì phát hiện trâu bị xâu mũi, buộc tại nhà ông C. Ông H. báo chính quyền địa phương yêu cầu giải quyết. Chính quyền hòa giải không thành, ông H. yêu cầu thả trâu ra, trâu đi về nhà ai thì thuộc quyền sở hữu người đó nhưng ông C. không đồng ý. Ông H. khởi kiện và tòa sơ thẩm đã tạm giao con trâu cho ông C. quản lý trong thời gian giải quyết vụ án, nếu để xảy ra thiệt hại thì phải bồi thường. Con trâu sau đó được xác định giá trị là 30 triệu đồng. Tháng 7-2016, TAND thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) xử sơ thẩm buộc ông C. phải trả lại con trâu cho ông H. Ông C. kháng cáo. Tòa phúc thẩm cho giám định ADN của con trâu. Phía ông C. đã đưa con trâu mà ông cho rằng là mẹ của con trâu đang tranh chấp, kết quả hai con trâu này không có mối quan hệ huyết thống. Nhưng để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho cả hai bên, tòa buộc ông H. phải trả tiền công lao chăm sóc trâu từ ngày 3-11-2015 đến ngày tuyên án sơ thẩm. Từ đó TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên buộc ông C. phải trả trâu lại cho ông H., còn ông H. phải trả cho ông C. hơn 10 triệu đồng. Theo PGS-TS Đỗ Văn Đại (Trưởng khoa Luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM), người phải trả trâu được tính trả công chăm sóc, nuôi dưỡng là không đúng. Bởi đây là hậu quả của việc hoàn trả trâu bị chiếm hữu không có căn cứ trong khi BLDS đã ràng buộc vào sự ngay tình của người chiếm hữu. Cụ thể, Điều 583 BLDS 2015 quy định chủ sở hữu được hoàn trả tài sản thì phải thanh toán lại chi phí cần thiết cho người chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình. Dự thảo đề xuất án lệ không cho biết người chiếm hữu trâu có ngay tình hay không sẽ dẫn tới cách hiểu là mọi trường hợp chủ sở hữu phải trả công chăm sóc cho người chiếm hữu dù không ngay tình. Như vậy không phù hợp với văn bản và không thuyết phục vì có thể dẫn tới nhiều người cố tình chiếm hữu tài sản của người khác vẫn được trả công chăm sóc. Từ đó ông Đại đề xuất không đưa bản án này làm án lệ… |