Ngày 25-1, phiên xử Phạm Công Danh, Trầm Bê và các đồng phạm cố ý làm trái quy định gây thiệt hại hơn 6.000 tỉ đồng tại Ngân hàng (NH) TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) tiếp tục phần tranh luận. Đáng chú ý là Hiệp hội NH Việt Nam có công văn hỏa tốc gửi các lãnh đạo cơ quan tố tụng trung ương và TP.HCM đề nghị xem xét lại ý kiến của VKS liên quan đến 6.000 tỉ đồng.
Lo sợ cho ba ngân hàng
Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam Nguyễn Toàn Thắng đã ký công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trưởng Ban Nội chính Trung ương Đảng, chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao, TAND TP.HCM, VKSND TP.HCM và chủ tọa phiên xử đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2.
Hiệp hội NH Việt Nam cho biết đã nhận được công văn của ba NH gồm BIDV, Sacombank và TPBank phản ảnh diễn biến phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm xảy ra tại VNCB. Qua diễn biến phiên xử, VKS đề nghị thu hồi 6.127 tỉ đồng từ ba NH trên để khắc phục hậu quả của VNCB. Theo công văn: “Các tổ chức tín dụng là thành viên hiệp hội nói chung và ba NH trên nói riêng đều rất hoang mang, lo ngại về tác động tiêu cực của việc xử lý theo hướng thu hồi số tiền 6.127 tỉ đồng”.
Công văn dẫn chứng kết luận giám định của NH Nhà nước khẳng định ba NH trên đã thực hiện việc thu hồi nợ vay của khách hàng đúng quy định, không có thiệt hại xảy ra tại các NH này. Và Hiệp hội NH Việt Nam nhận định việc thực hiện như đề nghị VKS trong vụ án sẽ gây khó khăn, cản trở cho hoạt động của các NH.
Bị cáo Phạm Công Danh bị cáo buộc làm thất thoát số tiền trên. Ảnh: HOÀNG GIANG
Bởi theo pháp luật hiện hành thì các NH cho vay không có trách nhiệm phải tìm hiểu và xác minh nguồn gốc số tiền trên tài khoản thanh toán của bên vay trước khi thu nợ. Trên thực tế, nếu buộc các NH phải xác minh về nguồn gốc số tiền thu nợ thì sẽ phát sinh nhiều khó khăn, thủ tục hành chính và chi phí cho các NH cũng như cho khách hàng. Ngoài ra, các NH không đủ điều kiện, cơ sở để thực hiện việc xác minh này. Giao dịch phát sinh từ các hợp đồng tín dụng của các NH với khách hàng là giao dịch hợp pháp thì việc thu nợ từ tài khoản của bên có nghĩa vụ là ngay tình và được pháp luật bảo vệ.
Ngoài ra, việc này có thể dẫn đến hàng loạt giao dịch vay vốn, gửi tiền với giá trị nhiều tỉ đồng có nguy cơ xảy ra tranh chấp; xáo trộn các giao dịch kinh tế, thương mại và gia tăng rủi ro pháp lý không dự liệu cho các tổ chức tín dụng, khách hàng mất niềm tin… Từ đó hiệp hội đề nghị các cơ quan xem xét, cân nhắc và có chỉ đạo xử lý phù hợp.
Nhiều quan điểm khác nhau
Trước đó, trong quá trình điều tra, VKSND Tối cao đã yêu cầu thu hồi 6.126 tỉ đồng cho VNCB để khắc phục hậu quả nhưng cơ quan điều tra chưa thực hiện. Do đó, cơ quan này đề nghị HĐXX và đại diện VKSND TP.HCM (được ủy quyền công tố) tiếp tục điều tra công khai tại tòa.
Tại phần xét hỏi, HĐXX đã hỏi điều tra viên phụ trách vụ án vấn đề này. Theo đó, điều tra viên cho biết các khoản tiền gửi tại các NH đã tất toán. Hành vi gửi tiền chưa có kết luận sai, tất toán cũng chưa có kết luận sai nên không có cơ sở để thu hồi làm bằng chứng, vật chứng của vụ án.
Còn đại diện VNCB xác định NH là người bị hại trong vụ án, số tiền thiệt hại do ông Danh và đồng phạm gây ra là 6.126 tỉ đồng. Từ đó, VNCB đề nghị 46 bị cáo và hơn 140 cá nhân liên quan được đề cập trong cáo trạng nhưng không bị xử lý hình sự (gồm cả các lãnh đạo ba NH trên) tùy mức độ phải liên đới bồi thường số tiền trên. Nhưng VNCB không yêu cầu ba NH này bồi thường.
Tuy nhiên, trong phần luận tội và tranh luận, VKS đề nghị thu hồi số tiền này từ ba NH Sacombank, TPBank, BIDV để trả lại cho VNCB. Vì theo VKS, nếu không có sự giúp sức của các NH, Danh sẽ không thể vay được tiền bằng hồ sơ khống và VNCB sẽ không bị thiệt hại. Bị cáo Danh và Tập đoàn Thiên Thanh có trách nhiệm bồi hoàn hơn 6.000 tỉ đồng cho ba NH trên.
Hiện HĐXX chưa có nhận định gì đối với các quan điểm trên vì đang trong quá trình xét xử. Theo các chuyên gia pháp lý, việc nhận định và quyết định về vấn đề này sẽ được HĐXX đưa ra trong bản án.
Vì sao thất thoát hơn 6.000 tỉ? Theo cáo buộc, trong giai đoạn tham gia tái cơ cấu VNCB, để có tiền chi chăm sóc khách hàng, trả nợ… ông Danh đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng 29 lượt pháp nhân các công ty do mình thành lập hoặc đi mượn để lập hợp đồng vay khống tiền của Sacombank, BIDV, TPBank. Do những công ty này không kinh doanh, ông Danh đã dùng tiền của VNCB để đảm bảo cho các khoản vay, dẫn đến thất thoát hơn 6.000 tỉ đồng. Trong đó, ông Trầm Bê bị cáo buộc giúp ông Danh rút 1.800 tỉ đồng của VNCB. Nhóm bị cáo thuộc NH BIDV gián tiếp gây thiệt hại cho VNCB 2.550 tỉ đồng, số thiệt hại còn lại do người của TPBank giúp sức ông Danh gây ra… |