Tranh cãi vụ án gây thương tích nhưng không thu được hung khí

(PLO)- Vụ án gây tranh cãi bởi cơ quan tố tụng dù không thu giữ được vật chứng nhưng vẫn kết luận bị cáo dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho bị hại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-9, TAND tỉnh Hưng Yên xét xử phúc thẩm bị cáo Đỗ Văn Thông (36 tuổi, trú huyện Phù Cừ, Hưng Yên) về tội cố ý gây thương tích.

Phiên tòa được mở do bị cáo có đơn kháng cáo. Đây cũng là vụ án với nhiều tranh cãi liên quan đến hung khí gây án, tỉ lệ thương tích…

Bị cáo Đỗ Văn Thông tại tòa. Ảnh: UYÊN TRANG

Bị cáo Đỗ Văn Thông tại tòa. Ảnh: UYÊN TRANG

Dùng gậy sắt hay gậy bi-a?

Hồ sơ vụ án thể hiện, sáng 21-9-2021, mâu thuẫn chuyện phơi thóc, cha mẹ Thông xảy ra cãi nhau với bà Hà Thị Đước (67 tuổi) và ông Lương Văn Khoái (60 tuổi, sống cùng nhà với bà Đước).

Khi hai bên đang to tiếng, Thông đi làm về. Thông hỏi lý do thì được biết ông Khoái chửi cha và ông của mình. Thấy vậy, Thông ra gặp ông Khoái để hỏi vì sao lại chửi. Hai bên lời qua tiếng lại, ông Khoái chạy về nhà lấy một gậy bi-a, Thông cũng về lấy một gậy sắt có gắn xích sắt.

Tại cổng nhà bà Đước, hai bên xảy ra xô xát. Thông bị cáo buộc dùng gậy sắt gắn xích sắt vụt nhiều nhát vào người ông Khoái. Trong lúc bị đánh, ông Khoái đưa gậy bi-a ra đỡ thì gậy gãy.

Phát hiện sự việc, nhiều người tới can ngăn. Thông cầm gậy sắt đi về nhà, ông Khoái được đưa đi bệnh viện.

Tháng 10-2021, kết luận giám định lần đầu xác định tỉ lệ tổn thương sức khỏe của ông Khoái là 9%. Một tháng sau, khi ông Khoái ra viện, Công an huyện Phù Cừ trưng cầu giám định bổ sung, kết luận giám định lần này xác định tỉ lệ tổn thương của ông Khoái tăng lên 50%.

Quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra không thu giữ được vật chứng là chiếc gậy sắt có gắn xích sắt, chỉ thu được hai đoạn gậy bi-a bị gãy. Thông bị truy tố tội cố ý gây thương tích, dùng hung khí nguy hiểm gây tổn hại 50% sức khỏe cho bị hại.

Tháng 6-2022, bị cáo bị TAND huyện Phù Cừ tuyên phạt năm năm sáu tháng tù về tội danh nêu trên. Bị cáo kháng cáo.

Một trong những nội dung Thông đề nghị tòa phúc thẩm xem xét là hung khí gây án. Bị cáo thừa nhận gây thương tích cho bị hại, nhưng khẳng định không sử dụng gậy sắt gắn xích sắt. Lúc cãi vã, ông Khoái dùng gậy bi-a vụt vào đầu Thông khiến gậy gãy, bị cáo giằng được đoạn gậy trong tay đối phương để đánh trả.

Đáng chú ý, vụ án này có năm người làm chứng. Hai người quan hệ thân thiết với bị hại nói rằng bị cáo dùng gậy sắt gắn xích sắt, hai người là cha mẹ bị cáo thì lại khẳng định con mình bị tấn công trước nên giằng đoạn gậy bi-a đánh trả chứ không hề có gậy sắt gắn xích sắt.

Người thứ năm - không có quan hệ thân thích với cả hai - ban đầu khai bị cáo dùng gậy sắt gắn xích sắt, nhưng trước khi tòa xét xử thì lại có đơn xin thay đổi toàn bộ lời khai, rằng thời điểm xảy ra vụ việc không chứng kiến gì, chỉ nghe kể mà thôi.

Vật chứng chỉ là suy đoán?

Bào chữa cho Thông, luật sư cho rằng vụ án có nhiều “điểm mờ” chưa được làm sáng tỏ. Điển hình là hung khí gây án. Cơ quan tố tụng không thu giữ được vật chứng, chỉ căn cứ vào lời khai không thống nhất giữa nhiều người để suy đoán, kết luận bị cáo sử dụng gậy sắt gắn xích sắt.

Luật sư viện dẫn BLTTHS quy định về chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định và vật chứng phải là vật mang dấu vết tội phạm. “Không thu thập được vật chứng thì không được đưa suy đoán để làm vật chứng” – luật sư nói, và nhận định gậy sắt có gắn xích sắt là một vật dị thường, không tồn tại trong đời sống xã hội, không đủ cơ sở xác định đây là hung khí nguy hiểm.

Vẫn theo người bào chữa, quá trình điều tra, xét hỏi, cả bị hại và một số nhân chứng đều cho rằng bị cáo dùng tay phải đánh bị hại. Thế nhưng, tay phải của bị cáo bị tật từ nhỏ, không thể cầm nắm các vật nặng như thông thường. Việc này bị cáo đã khai với cơ quan điều tra nhưng không được đưa đi giám định.

“Có rất nhiều điểm trái ngược, bất hợp lý như đã nêu, nhưng cơ quan tố tụng không tiến hành thực nghiệm điều tra, khiến vụ án không thể sáng tỏ” – luật sư nói.

Đề cập đến tỉ lệ thương tích, luật sư cho rằng có sự chênh lệch quá lớn giữa hai bản kết luận giám định; quá trình giám định có nhiều khâu thực hiện không đúng quy trình, quy định; do đó đề nghị HĐXX cho giám định lại với bị hại, giám định với bị cáo để chứng minh bị hại là người tấn công trước.

Theo luật sư, vì bị hại là người chửi cha và ông bị cáo, cũng là người dùng gậy bi-a tấn công trước, nên bị cáo thực hiện hành vi trong hoàn cảnh bị kích động mạnh, xuất phát từ lỗi của đối phương…

Từ những căn cứ trên, luật sư kiến nghị HĐXX tuyên trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ các nội dung đã nêu.

Đối đáp với luật sư, đại diện VKS giữ nguyên quan điểm cáo buộc như cấp sơ thẩm, đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị cáo.

Để giải quyết vụ án, tòa triệu tập điều tra viên và giám định viên. Trước những vấn đề mà luật sư đưa ra, cả hai đều khẳng định quá trình giám định cũng như thu thập tài liệu chứng cứ đều được thực hiện đúng quy định pháp luật. Về phía mình, bị hại cũng phủ nhận việc chửi và tấn công bị cáo.

Kết thúc phần tranh luận, HĐXX cho hay sẽ nghị án kéo dài, tuyên án vào sáng 21-9 tới đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm