Tranh chấp xe 140 triệu, bị tòa tuyên án phí... 7 tỉ
VKSND quận 10, TP.HCM vừa kháng nghị, hủy bản án của TAND quận này vì những sai sót nghiêm trọng trong việc viết án và áp dụng pháp luật. Kháng nghị đã chỉ ra hàng loạt sai sót của bản án.
Cụ thể, về nội dung, tòa thụ lý vụ án từ tháng 3-2014. Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 688 BLDS 2015 quy định về điều khoản chuyển tiếp thì trong vụ án này, tòa phải áp dụng quy định của BLDS 2005. Tuy nhiên, tòa lại căn cứ vào Điều 556 và khoản 4 Điều 557 BLDS 2015 để giải quyết là không phù hợp quy định pháp luật.
Thêm nữa, ông Hoàng là người khởi kiện đòi bồi thường nhưng tòa lại căn cứ Điều 170 BLDS 2015 để giải quyết và tuyên xử bị đơn phải bồi thường cho... em gái ông Hoàng.
VKS phân tích: Ông Hoàng là người trực tiếp gửi xe, có lấy thẻ xe nên các bên đã thực hiện xong hợp đồng gửi giữ tài sản. Ông Hoàng là chủ thể của hợp đồng nên căn cứ khoản 2 Điều 561 BLDS 2005, ông Hoàng có quyền yêu cầu bồi thường nếu bên giữ tài sản làm mất tài sản. Do đó, bị đơn có trách nhiệm bồi thường cho ông Hoàng. Còn việc em gái ông Hoàng cho ông mượn xe là giao dịch dân sự mượn tài sản, khi có tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu tòa giải quyết bằng vụ án khác.
Về án phí, theo VKS thì việc tòa giải quyết, tính án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án này là trái pháp luật. Cụ thể, ông Hoàng kiện đòi bồi thường chiếc xe có giá trị 140 triệu đồng và được tòa chấp nhận toàn bộ yêu cầu. Tuy nhiên, số tiền án phí mà tòa tuyên buộc bị đơn phải chịu lại lên đến... 7 tỉ đồng.
Theo quy định, ông Hoàng phải được hoàn trả tạm ứng án phí đã nộp là 3,5 triệu đồng. Tuy nhiên, tòa không ghi nhận số tiền hoàn trả là không phù hợp quy định.
Bị đơn có yêu cầu phản tố, đã đóng tạm ứng án phí là 3 triệu đồng. Tòa đình chỉ yêu cầu phản tố thì lẽ ra chỉ được tuyên hoàn trả số tiền này cho bị đơn. Tuy nhiên, tòa đã tuyên hoàn trả cho bị đơn số tiền lên đến... 3 tỉ đồng.
Phiên tòa xử vụ tranh chấp hợp đồng gửi giữ giữa ông Hoàng và chủ quán Dê núi Ninh Bình.
Về tố tụng, theo VKS, về nguyên tắc thì nguyên đơn sẽ được bồi thường đối với chiếc xe bị mất, do chiếc xe này không thể tìm lại nữa nên nếu hai bên không thỏa thuận được mức bồi thường thì tòa phải tổ chức định giá tài sản theo khoản 5 Điều 2 TTLT 02/2014 về định giá trong trường hợp tài sản định giá không còn. Trường hợp này, tòa không thành lập hội đồng định giá tài sản theo quy định tại Điều 104 BLTTDS 2015 mà căn cứ vào biên bản khảo sát giá có đại diện Phòng Tài chính-Kế hoạch quận 10 tham gia để áp mức bồi thường là chưa đảm bảo đúng thủ tục tố tụng.
Ngoài ra, bản án không nêu quyền kháng cáo, thời hạn kháng cáo, quyền kháng nghị, thời hạn kháng nghị theo Điều 273 BLTTDS 2015.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 3-1, HĐXX TAND quận 10 do thẩm phán Lê Thị Hoàng Hoa làm chủ tọa đã tuyên án buộc chủ quán Dê núi Ninh Bình phải bồi thường giá trị chiếc xe SH 150i bị mất là 140 triệu đồng cho ông Đinh Văn Hoàng. Chủ quán dê không kháng cáo.
Theo nội dung vụ kiện thì một buổi trưa tháng 3-2013, ông Hoàng mượn xe của em gái đi nhậu. Ông gửi xe cho người giữ xe và có nhận thẻ giữ xe. Khi ông ra về thì chiếc xe đã mất. Ông Hoàng yêu cầu chủ quán bồi thường. Tuy nhiên, chủ quán cho rằng công ty bảo vệ phải bồi thường.
Tại tòa, đại diện VKSND quận 10 nhận xét quá trình giải quyết vụ án, tòa đã có vi phạm như: Không gửi thông báo thụ lý vụ án cho VKS. Không ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án khi lý do tạm đình chỉ không còn. Không thông báo cho người liên quan khi người này vắng mặt tại phiên kiểm tra, tiếp cận, công khai chứng cứ. Vi phạm về thời hạn chuẩn bị xét xử, 16 tháng sau khi tiếp tục giải quyết vụ án tòa mới có quyết định đưa vụ án ra xét xử...
Theo Điều 268 BLTTDS 2015 về sửa chữa, bổ sung bản án thì sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai.
Trước đó, Điều 38 Nghị quyết 05/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn việc sửa chữa, bổ sung bản án theo Điều 240 BLTTDS 2004 quy định chỉ được sửa chữa, bổ sung bản án trong các trường hợp sau đây: a) Phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả như: Lỗi do viết không đúng từ ngữ, dấu, chữ viết hoa, viết thường, phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, bỏ sót không ghi tên đệm trong họ, tên của đương sự,… b) Số liệu do nhầm lẫn hoặc do tính toán sai (kể cả án phí) như: cộng, trừ, nhân, chia sai,… mà phải sửa lại cho đúng.
(PLO)- Nhậu xong ra về mới hay xe đã không cánh mà bay, người mất xe kiện chủ quán nhậu đòi bồi thường. Chủ quán nói trách nhiệm bồi thường là của công ty bảo vệ, chủ quán không làm mất xe nên không có trách nhiệm gì...