Tránh gây sốc cho doanh nghiệp

Việc Đồng Nai ra công văn khẩn ngày 5-6 tạm thời nới một phần đi lại với người về, đến từ TP.HCM (so với biện pháp áp dụng trước đó) khiến các doanh nghiệp (DN) thở phào, bớt lo lắng.

Tuy nhiên, các DN cho rằng tam giác kinh tế TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương gắn liền với chuỗi cung ứng nguyên liệu, hàng hóa thông thương và hàng chục ngàn lao động di chuyển qua ba địa phương này. Do vậy, trước khi đưa ra quy định quan trọng, các cơ quan chức năng, địa phương cần bàn bạc thấu đáo và có giải pháp cẩn trọng để vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế; cần tránh những quy định đột ngột kiểu cấm cái rụp. Bởi nó khiến cả người dân lẫn DN lúng túng, trở tay không kịp.

Lo gián đoạn mạch vận chuyển, lưu thông hàng hóa

Bà Nguyễn Cẩm Vân, Phó Chủ tịch Tập đoàn VPIC Group (vốn đầu tư Đài Loan) kiêm Tổng giám đốc Công ty Hữu hạn Cơ khí Động lực Toàn Cầu (Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, Đồng Nai), cho biết từ hôm qua công ty khá xáo trộn khi văn bản nói trên ban hành, do nguồn cung ứng hoặc đối tác chủ yếu tại TP.HCM, nếu không có giải pháp sẽ gây ách tắc cho các nhà máy đang hoạt động tại Đồng Nai.

Bà Vân cho hay văn bản nói trên nếu không có giải pháp tháo gỡ thì thiệt hại kinh tế của các DN rất lớn, ảnh hưởng đến mạch sản xuất của DN và đời sống của người lao động. Rất may là sau đó, chính quyền tỉnh Đồng Nai đã có các hướng dẫn điều chỉnh để khơi thông việc đi lại của chuyên gia, lao động và vận chuyển hàng hóa nên DN yên tâm phần nào.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, kiêm Chủ tịch Hội Dệt - May - Thêu - Đan TP.HCM, cho biết nếu Đồng Nai đưa ra quy định chặt, cách ly người đến, về từ TP.HCM 21 ngày thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của công ty. Đặc biệt, nếu siết cách ly như vậy thì việc lưu thông hàng hóa cũng sẽ chậm lại, DN khó khăn hơn. Vì vậy, sau khi TP.HCM làm việc với Đồng Nai để nới lỏng lại việc phòng chống dịch là rất cần thiết và hợp lý.

Các tài xế đang thực hiện khai báo y tế khi di chuyển vào địa phận
tỉnh Đồng Nai. Ảnh: VŨ HỘI 

Phải tính kỹ mọi đường, tránh gây sốc

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA), cho rằng Đồng Nai có các biện pháp phòng chống dịch bệnh là cần thiết. Tuy nhiên, nếu Đồng Nai áp dụng biện pháp cách ly 21 ngày đối với người đi và về từ TP.HCM sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển của TP.HCM cũng như các DN Đồng Nai.

Ông Hưng cho biết theo số liệu của Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza), có hơn 6.000 người lao động cư trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, hằng ngày di chuyển đến các khu chế xuất, khu công nghiệp thuộc TP.HCM để làm việc. Đồng thời, lượng lớn hàng hóa xuất nhập qua cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và vận chuyển qua lại giữa Đồng Nai và TP.HCM, trong đó có nguồn nguyên liệu sản xuất của các DN.

Trong khi đó, số lượng lao động, chuyên gia nước ngoài ở TP.HCM về làm việc trong các khu công nghiệp tại Đồng Nai cũng lên đến 10.000 người. Như vậy, khoảng 16.000 lao động sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định này của UBND tỉnh Đồng Nai.

Nếu tỉnh Đồng Nai áp dụng cách ly 21 ngày thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nguyên liệu sản xuất của DN, việc lưu thông hàng hóa và di chuyển của người lao động sẽ gặp khó khăn, khả năng sẽ không đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh của các DN.

Ông Hưng rất đồng tình với thông báo mới UBND tỉnh Đồng Nai điều chỉnh một số nội dung đi lại với TP.HCM, trong đó chuyên gia, công nhân, người lao động được đi về trong ngày nhưng phải thực hiện nghiêm quy định chống dịch.

Đối với giải pháp bố trí chỗ ở cho lao động tại nhà máy, ông Hưng cho rằng không phải DN nào cũng làm được. Các địa phương cần có lộ trình hoặc thông báo sớm để DN chủ động phương án phòng chống dịch mà vẫn đảm bảo sản xuất, kinh doanh.

“Ngoài ra, không phải lao động nào cũng bố trí làm việc online, chỉ có nhân viên văn phòng, còn chuyên gia cũng phải kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật trực tiếp, công nhân phải đứng máy. Đồng Nai nên áp dụng biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như Long An đang thực hiện là phù hợp. Theo đó, các chuyên gia và công nhân lao động sẽ được quản lý, giám sát đối với lịch trình di chuyển của công nhân lao động từ nhà (ở Long An) đến công ty làm việc (ở TP.HCM) và ngược lại, đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ và an toàn” - ông Hưng nói.•

Sở GTVT Đồng Nai đã có văn bản hướng dẫn về vận tải hàng hóa

Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai Dương Mạnh Hưng cho biết sở này đã có văn bản về hướng dẫn hoạt động vận tải hàng hóa vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa. Các đơn vị vận tải nghiên cứu, xây dựng phương án thu mua, lưu thông hàng hóa với các tổ chức, cá nhân của các tỉnh trong vùng có dịch trên cơ sở đảm bảo thực hiện đúng các quy định về biện pháp phòng chống dịch của Bộ Y tế.

Theo ông Hưng, đối với hàng hóa vận chuyển ở các địa phương vùng dịch, trước khi xuất đi phải đảm bảo an toàn phòng dịch.

Đối với tài xế, người bốc xếp, dỡ hàng hóa theo xe phải khai báo y tế điện tử và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Trong quá trình vận chuyển phải thực hiện ghi chép lại hành trình vận chuyển, các điểm dừng, hạn chế tiếp xúc với người khác, đảm bảo thông thoáng phương tiện…

VŨ HỘI 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm