Kỹ năng của người lái là vô cùng cần thiết để tránh những thiệt hại không đáng có khi đi dã ngoại
Các chuyến đi off-road luôn tiềm tàng những hỏng hóc có thể xảy ra với chiếc xe. Từ những chiếc xe nguyên bản, việc trang bị thêm những dụng cụ như tời cứu hộ, khóa vi sai, ống thở, lốp gai có thể coi như ta chuẩn bị những sự trợ giúp khi gặp khó khăn. Tuy nhiên, kể cả với những sự trợ giúp này, nếu điều khiển xe thiếu quan sát, không cẩn thận thì ngay với những chiếc xe tốt nhất cũng có thể bị hỏng và việc khắc phục tại chỗ nơi cách xa mọi điều kiện sửa chữa sẽ là khó khăn và tốn kém.
Bùn và những hệ lụy
Nếu là mùa mưa khi di chuyển vào những cung đường lầy lội, việc ngâm xe dưới bùn có thể làm thứ chất lỏng sền sệt đó lọt vào động cơ từ đầu trục cơ dẫn đến làm hỏng bạc biên. Đơn giản hơn, khi phải giãy giụa trong bùn, bùn sẽ bám một lớp dày vào két nước và như vậy làm ảnh hưởng đến việc làm mát trong khi động cơ luôn ở trạng thái làm việc công suất lớn, vòng tua cao. Kết quả là máy sẽ quá nóng và nếu không chú ý đến nhiệt độ của máy có thể dẫn đến việc bục két nước, thổi gioăng mặt máy.
Nếu xe đã bị mắc lầy, không nên cố thốc ga để thoát mà tốt nhất là cứu hộ
Với những xe sử dụng phanh đĩa, bùn với đất kẹt chặt vào cơ cấu của các má phanh và đĩa phanh. Khi quay trở lại đường nhựa, sau một quãng đường dài, ma sát giữa lớp bùn khô quánh, má phanh, đĩa phanh sẽ có thể làm nóng đỏ đĩa và má phanh dẫn đến bó phanh. Một điều hết sức nguy hiểm. Chính vì vậy, kinh nghiệm là:
- Không nổ máy cố thoát khỏi vũng bùn khi nước và bùn sâu chạm khoang máy. Điều tốt nhất là kéo hoặc dùng tời của xe khác để thoát ra.
- Luôn chú ý nhiệt độ máy sau khi điều khiển xe vào khu vực nhiều bùn. Nếu máy nóng quá mức trung bình thì tắt máy, để nguội trước khi tiếp tục.
- Khi ra khỏi đường nhiều bùn đất, việc đầu tiên cần làm là phun nước rửa sạch bốn cụm phanh, mặt trong và ngoài két nước.
Cát, tưởng đơn giản nhưng dễ “chết”
Cát phù sa là địa hình nguy hiểm ngay cả với những xe hai cầu cỡ lớn
Những bãi cát trắng rộng mênh mông chạy dài dọc bãi biển là những điểm đến thú vị của bất kỳ ai sở hữu những chiếc xe hai cầu. Nhưng những bãi cát sau một mùa khô ở các bãi biển miền Trung và miền Nam tơi và mịn chính là những cái bẫy có thể “hạ gục” bất kỳ chiếc xe dẫn động bốn bánh hiện đại nhất. Cát khô dễ dàng làm lún cả bốn bánh. Lúc này càng cố đạp ga để thoát càng dễ bị lún sâu. Sau đây là những nguyên tắc cơ bản nhất khi di chuyển trên cát.
- Xịt lốp còn khoảng 1,2 đến 1,5kg/cm2. Giảm áp suất lốp sẽ giúp bề mặt tiếp xúc với cát rộng, tránh bị lún.
- Tránh đánh lái những vòng cua gấp. Khi cua gấp, lực li tâm đẩy bánh trước lún sâu vào cát và dễ bị lầy.
- Khi đi trên cát khô, luôn di chuyển ổn định tốc độ, tránh đi chậm vì khi đó dễ bị lún. Khi dừng xe trên cát nên dừng chỗ nền cát cứng.
Đá, sát thủ dàn gầm
Khi leo đá, kinh nghiệm có tầm quan trọng số 1 là kiểm soát côn và số nhịp nhàng để xe di chuyển tốc độ thấp, đều và lực kéo lớn
Đường off-road thường xuyên là những cung đường nhiều đá, có khi là những tảng đá lớn nằm giữa đường hoặc đá lở chắn đường đi. Mối quan ngại đầu tiên khi gặp đường đá là những chiếc lốp. Cạnh sắc của đá có thể làm rách những thành lốp khi chiếc xe cố thoát do mắc vào đá. Những chiếc la-zăng khi bị đập vào đá cũng có thể méo dẫn đến xì hơi lốp. Những tảng đá khi lùa vào gầm xe sẽ có thể va vào bi chữ thập nối trục các đăng hoặc chính vào các trục các đăng này làm cong hoặc gẫy.
Đối với những xe với cầu trước là dạng độc lập lò xo xoắn, đá dễ dàng làm hỏng, gẫy bộ phận chuyển động láp trước hoặc rô-tuyn. Nhiều off-roader quan tâm đến việc độ công suất máy lớn để sức kéo khỏe, lốp to nhiều gai để lội bùn nhưng lại quên mất không nâng cấp các cơ cấu chuyển động. Chính vì vậy, khi trên đường có đá lổn nhổn thì cần:
- Chú ý xuống xe quan sát khi phải vượt những đoạn đường nhiều đá lớn để có thể định hình được việc đặt từng vị trí bánh xe.
- Sử dụng cầu chậm để tránh hỏng côn và ga thật nhẹ nhàng để không hỏng lốp.
Nước, thủy thần của những chiếc xe off-road
Nước luôn tiềm ẩn rủi ro nhưng cũng luôn hấp dẫn những tay lái xe địa hình chinh phục. Vượt suối, lội bãi sông cạn mùa khô hay đơn giản là di chuyển qua những con phố ngập nước sau mưa đòi hỏi sự chuẩn bị của chiếc xe cũng như người lái khi độ sâu có thể bất ngờ lớn lên làm chiếc xe chìm sâu xuống.
Đà tốt và tốc độ đều là điều kiện tất yếu khi di chuyển dưới nước
Ở địa hình nước, các chướng ngại vật như đá tảng có thể làm hỏng các kết cấu gầm xe. Nước vào khoang máy qua đường khí nạp gây hiện tượng thủy kích làm gẫy tay biên. Những chiếc xe máy dầu do không có bộ phận điện đánh lửa nên thật sự lợi hại so với những chiếc máy xăng khi lội nước.
- Chỉ lội nước khi xe đã trang bị ống thở.
- Nếu nước chảy mạnh (dòng suối) nên di chuyển chéo hướng về phía suôi dòng, vừa giảm lực cản của nước tác động lên thân xe, vừa an toàn cho động cơ.
- Khi lội nước, cố gắng giữ tốc độ ổn định, không dừng xe để rẽ nước, tránh nước tràn vào khoang máy.
- Khi chết máy dưới nước, không đề nổ lại, tìm phương án cứu hộ.
Theo Trường Sơn/AutoCar