Tranh luận sôi nổi sau bài 'Quán ế không thể đổ thừa khách bị CSGT thổi nồng độ cồn'

(PLO)-   Sau bài viết "Quán ế không thể đổ thừa khách bị CSGT thổi nồng độ cồn", nhiều bạn đọc bày tỏ quan điểm quanh việc xử phạt người lái xe sau khi uống rượu bia.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, báo Pháp Luật TP.HCM có đăng tải một số bài viết “Thổi nồng độ cồn có ảnh hưởng đến nền kinh tế đêm”, “Quán ế không thể đổ thừa khách bị CSGT thổi nồng độ cồn” nhận được rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc, từ đây cũng xuất hiện hai luồng ý kiến trái chiều.

Dưới đây là những ý kiến bạn đọc bình luận sau các bài viết mà PLO đăng tải.

Luồng ý kiến thứ nhất: Không nên cứ uống một ly bia cũng bị phạt

Một số bạn đọc cho rằng việc xử phạt nồng độ cồn cần dựa trên một mức độ nhất định, không thể cứ uống một hoặc hai ly bia cũng bị phạt. Theo những bạn đọc này, việc uống một hoặc hai ly bia là xã giao trong các mối quan hệ và việc uống ít như vậy cũng không ảnh hưởng gì đến hệ thần kinh. Việc xử phạt nghiêm quá, kể cả những người uống có 1 ly xã giao cũng có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế đêm.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn của một người vi phạm. Ảnh: NY

CSGT kiểm tra nồng độ cồn của một người vi phạm. Ảnh: NY

- “Không lẽ để ngon miệng trong bữa ăn uống một ly rượu, một lon bia cũng phải bỏ ra một số tiền để đón xe về hay sao. Và chắc cũng không ai mất kiểm soát với liều lượng này. Tôi ủng hộ việc phạt khi có nồng độ cồn kể cả tăng mức phạt nhưng phải ở mức nào mà không phải cứ có cồn là phạt” - bạn đọc Tâm.

- “Rượu bia là truyền thống, giao tiếp cuộc sống, làm ăn kinh doanh, công việc. Nói thật tôi đi với khách hàng uống một ly vang, một lon bia cũng phạt. Thực tế dân còn nghèo, đi taxi để xe lại, mai lại đi đến lấy, chưa nói đến tiền gửi xe rồi xe đâu đưa con cái đi học, đi làm... Phải có nồng độ tối thiểu và kiểm tra độ say để hài hòa phát triển kinh tế dịch vụ, tạo công ăn việc làm, chuỗi hàng hóa” - bạn đọc Phát.

- “Chưa ở đâu trên thế giới quy định nồng độ cồn bằng 0, nó cho thấy quy định cứng nhắc, tùy tiện, cảm tính. Quy định nồng độ cồn là để an toàn chứ không phải là triệt tiêu ngành nghề khác” - bạn đọc Peihgus.

- “Thiết nghĩ uống một vài ly bia xã giao chẳng ảnh hưởng gì đến sức khoẻ cũng như thần trí, tôi vẫn có thể tỉnh táo lái xe về nhà an toàn. Sợ là sợ bợm rượu kìa. Uống ít mà cũng bị xử phạt nữa” - bạn đọc Trí Dũng.

- “Thấy mấy anh CSGT hay đứng trước các quán nhậu để xử phạt nồng độ cồn, theo tôi việc này thì chả có gì đáng nói vì đó là trách nhiệm của các anh. Tuy nhiên, uống nhiều cũng bị phạt mà uống ít cũng bị, chưa kể làm như vậy dân sợ rồi ai dám đi ăn nhậu nữa. Từ đó hàng quán ế cũng là đúng thôi” - bạn đọc Hiểu Minh.

Luồng ý kiến thứ hai: Đã uống rượu bia thì không được lái xe

Bên cạnh một số ý kiến đề nghị cân nhắc lại mức phạt nồng độ cồn thì hầu hết các bình luận của bạn đọc cho rằng việc xử phạt nồng độ cồn cần phải được thực hiện chặt chẽ theo tiêu chí "đã uống rượu bia thì không lái xe" như hiện nay. Có như vậy mới đủ răn đe việc sử dụng rượu bia vô tội vạ rồi lái xe gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Ngoài ra, bạn đọc chia sẻ những hậu quả của việc lái xe khi sử dụng rượu bia và ủng hộ việc CSGT kiểm tra, xử phạt nghiêm những ai vi phạm nồng độ cồn.

- “Tôi đã từng chứng kiến anh trai của mình do sử dụng rượu bia rồi gặp tai nạn qua đời để lại sự đau khổ cho cả gia đình. Dù lúc đó anh của tôi uống rất ít nhưng cũng đã gây ra tại nạn đó. Từ đó trở thành nổi ám ảnh trong tôi” - bạn đọc Ngọc Mai.

- “Đã xác định đi nhậu thì tuyệt đối không lái xe, đó là luật bất di bất dịch cần phải tuân theo. Có tiền nhậu thì sẽ có tiền đi taxi, xe ôm,… Vừa an toàn cho bản thân và an toàn cho người đi đường. Luật là luật không nên đem ra bàn cãi hay tranh luận. Quán ế là do kinh tế khủng hoảng…” - bạn đọc Pham Thang.

- “Đã uống rượu bia vào là không còn ý thức được nữa rồi. Chỉ có lúc tỉnh táo mới có ý thức. Nếu chỉ vì nền kinh tế đêm mà bất chấp hậu quả và pháp luật thì nên xem xét lại” - bạn đọc Ngo Duong.

- “Ủng hộ phạt nồng độ cồn, nhờ có phạt tôi từ chối không đi ra quán nhậu được nhiều lần, nếu có ra thì uống nước suối ăn rồi về. Ai rủ đi nhậu thì nói cafe, hay ăn sáng đi, nhậu gì nữa. Mấy tháng nay ra quán nhậu đếm chưa hết 1 bàn tay, khoẻ người lắm” - bạn đọc Holy.

- “Uống rượu bia thì không được lái xe, đó là luật rõ ràng rồi, không đổ lỗi cho công an được, các đồng chí CSGT rất khổ khi phải làm nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng” - bạn đọc Dang Kim Thuy.

- "Đã rượu bia mà lái xe lại còn chống chế càng nguy hiểm! Cứ phạt thẳng tay vào cho chừa... An toàn giao thông là ưu tiên hàng đầu!" - bạn đọc Minh Tuấn.

- "Pháp luật bảo vệ người dân vô tình bị những kẻ nhậu say tông phải chứ không phải để bảo vệ người cố tình nhậu say không chấp hành luật"- bạn đọc Tâm Thiện Nhẫn.

- "Chúng ta đã từng chứng kiến biết bao vụ tai nạn nghiêm trọng khi người sử dụng rượu bia lái xe gây ra. Những mất mát đó ai sẽ là người gánh chịu? Chúng ta nên học hỏi những đất nước khác trong việc cấm sử dụng rượu bia để được văn minh hơn” - bạn đọc Thuý Liễu.

- "Hình như nghe có vẻ thà mất mạng người hơn để mất doanh thu. Toàn những thành phần ma men vào ý kiến vì bị phạt. Nói công bằng, pháp luật không có cấm ai sử dụng bia rượu. Chỉ cấm lái xe khi đã sử dụng chúng. Do đó rất nhiều cách để thực hiện. Đi nhậu xong thuê taxi, đi xe công cộng, đi Grab về. Vợ con chở về, bạn bè chở về. Còn những chỗ kinh doanh lớn thì mở cái dịch vụ đưa rước. Đâu có phải không có cách nào để về. Bản thân một nhà kinh doanh thì phải suy nghĩ ra mô hình đưa rước. Đừng có nói với tôi là bán không được bao nhiêu tiền đâu tính tới chuyện đó. Xin thưa quán nhậu nói riêng, khu vui chơi ăn nhậu nói chung, kinh doanh lợi nhuận vào con số khủng. Còn riêng các bác đi du lịch, không có tiền đi taxi thì khác nào nói cho qua buổi. Các bác đi nhậu một chầu bằng chục lần đi taxi. Đến lúc người thân trong gia đình mấy bác bị bọn say rượu đụng phải mới thấu. Chẳng có ai dám đảm bảo dùng bia rượu mà vẫn tỉnh táo. Chỉ một lúc không tỉnh táo là toi thiên hạ" - bạn đọc Mr Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm