ĐB Cảnh nói ông ấn tượng với kết quả tăng trưởng 7,38% quý I-2018. Tuy nhiên, ông góp ý trong xây dựng văn bản pháp luật còn nhiều vấn đề chưa phản ánh đúng thực tế, chưa thể hiện nguyện vọng cử tri.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh.
Ông dẫn chứng về kho số viễn thông, kho số khác là tài sản công, trong đó có biển số xe. Nếu triển khai đấu giá biển xe, hằng năm ngân sách thu về hơn 12.000 tỉ đồng nhưng Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn đấu giá biển số lại chỉ nêu đấu giá biển số đẹp, chiếm chưa tới 1% kho số.
Theo ông Cảnh, trong kho số có hơn 12% biển số xe có thể được xếp vào diện biển đẹp nhưng dự thảo Nghị định khống chế số lượng chưa đến 1%. Cạnh đó, quy định này cũng không cho người dân sở hữu biển số đẹp này với xe tiếp theo, như vậy sẽ hụt thu ngân sách.
"Từ chỗ có thể thu về hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm thì khi vào chính sách chỉ thu vài chục tỉ đồng, rất lãng phí" - ông nói và đề nghị cho đấu giá với kho số đẹp được mở rộng hơn.
ĐB Nguyễn Thanh Hồng.
ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho hay trên thế giới có một số nước thực hiện đấu giá biển số đẹp nhưng nhiều nước không đấu giá. "Bản chất của biển số đẹp giống như số tài khoản ngân hàng, căn cước công dân là để thực hiện việc quản lý nhà nước, nếu đấu giá sẽ phá sẽ phá vỡ hệ thống quản lý" - ông Hồng nói.
Theo ĐB Bình Dương, nhiều cử tri đặt vấn đề "nếu nhà nước tổ chức đấu giá biển số đẹp, công dân có quyền từ chối biển số xấu hay không?". ĐB Hồng cũng cho rằng nhận xét Nhà nước đang lãng phí hàng ngàn tỉ do không đấu giá biển số đẹp là chưa có cơ sở, do giá cả thay đổi theo từng thời kỳ, tâm lý của người dùng.