Sáng 26-3, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Đề án 896 về đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Đề án 896).
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Đề án 896, phòng tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã tại 43 tỉnh, thành trên toàn quốc đã cấp được gần 1,9 triệu số định danh cá nhân; đồng thời cung cấp dữ liệu có liên quan đến trẻ, cha, mẹ của trẻ được đăng ký khai sinh cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình.
Song song với đó, Bộ Công an đã tiến hành cấp thẻ căn cước công dân cho công dân (từ đủ 14 tuổi trở lên) cho 12 triệu trường hợp tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ Công an cũng đang thực hiện xây dựng hệ thống phần mềm phục vụ kết nối giữa hệ thống căn cước công dân với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ cấp số định danh cá nhân và thực hiện kết nối thử nghiệm khai thác thông tin trong cơ sở giữ liệu quốc gia về dân cư giữa VNPT và Bộ Công an.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc băn khoăn về đề xuất thu phí sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo ông Ngọc, toàn bộ các dữ liệu thông tin liên quan đến cá nhân của con người thuộc bí mật đời tư. Chỉ có hai đối tượng có thể tiếp cận là người đó và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
“Nếu giữa các cơ quan với nhau thu tiền thì chỉ là lấy từ túi nọ sang túi kia. Nếu thu tiền của người dân, họ không dùng nữa thì có lẽ không đạt được mục tiêu đề ra khi xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu này”- ông Ngọc nói và nhắc tới một trong những mục tiêu của Đề án 896 là đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, để tất cả các cơ quan có quyền truy cập, khai thác cũng như giúp người dân sử dụng được tối đa.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh thì khẳng định dữ liệu quốc gia về dân cư là “tài sản chung của quốc gia” nên về nguyên tắc, chúng ta phải cung cấp miễn phí người dân. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm xây dựng dữ liệu về doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Mạnh cho biết các tổ chức mua thông tin dữ liệu về doanh nghiệp “rất tốt”, khoảng vài chục tỉ đồng mỗi măm.
“Thông tin về các cá nhân chúng ta đã gộp lại thành thông tin “tổng” thì thông tin đó hoàn toàn có thể bán và cung cấp cho các cơ quan khác nhau”- ông Mạnh nói và khẳng định những thông tin này hoàn toàn không vi phạm đời tư của các cá nhân, trong khi chúng ta sẽ tạo ra được nguồn kinh phí lớn bảo đảm việc “duy tu” hệ thống cơ sở dữ liệu sau này.
“Đây là tài sản cực lớn và tài sản này thừa sức để tạo ra dòng tiền để nuôi nó. Chúng ta không cần quá lo lắng về vấn đề chi thường xuyên trong tương lai”- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Ngay sau đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay Bộ này đã có công văn gửi cho Bộ Công an về việc kết nối và trao đổi thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia của ngành tài chính với cơ sở dữ liệu dân cư, đồng thời cử đoàn sang làm việc để sẵn sàng chia sẻ dữ liệu thông tin.
Cũng theo ông Tuấn, Bộ Tài chính đã làm việc với Bộ Công an, thống nhất cần phải xây dựng một quy định liên quan đến việc thu phí nói trên. Quy định này bảo đảm nguyên tắc tuân thủ theo đúng Luật về phí và lệ phí, tuân thủ theo danh mục phí theo nghị định Chính phủ đã ban hành…
Ông Tuấn cũng khẳng định “sản phẩm đầu ra” được thu phí vẫn bảo đảm được bí mật của cơ sở dữ liệu, bí mật của người dân cũng như bí mật của doanh nghiệp.
Giải trình thêm sau đó, Thượng tá Trần Hồng Phú (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an) dẫn lại Điều 10 Luật căn cước công dân quy định về việc quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo đó, đối tượng đầu tiên được miễn phí sử dụng là cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (được khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình). Đối tượng thứ hai được khai thác hoàn toàn miễn phí là công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tuy nhiên, điều luật này cũng quy định ngoài cơ quan tổ chức trên, cơ quan tổ chức, cá nhân có nhu cầu chính đáng khác cũng có thể được quyền khai thác nếu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và phải thu phí.
“Chúng tôi đang phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo lần cuối. Chúng ta không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin đời tư nhưng chúng ta cung cấp thông tin tổng hợp về dân số”- ông Phú cho biết và minh hoạ những thông tin có thể thu phí, như tỉnh A có bao nhiêu người trong độ lao động, hay cơ quan, tổ chức yêu cầu xác thực về một người cụ thể có đúng hay không, khi đó Bộ Công an sẽ thu phí.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà bình đề nghị hai Bộ Công an - Tài chính xác định cho rõ các trường hợp thu phí và không thu phí.
Phó Thủ tướng cho rằng việc đầu tư cho hạ tầng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia được lấy từ ngân sách, tức là từ tiền thuế của dân. Do vậy, những thông tin người dân có nghĩa vụ phải kê khai thì người dân được quyền thu thập (thông tin) miễn phí, nếu không phục vụ nhu cầu kinh doanh, thương mại). Nhưng người nào hoạt động kinh doanh, thương mại hay làm công việc nghiên cứu, đề án, dự án có kinh phí… khi lấy các dữ liệu thống kê hay thông tin hệ thống thì phải thu phí.
Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có tổng mức đầu tư hơn 3.085 tỉ đồng. Số kinh phí đã được bố trí là 230 tỉ đồng (từ nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ Công an) để thực hiện trước một số hạng mục. Số kinh phí còn lại (2.855 tỉ đồng) chưa được bố trí để triển khai gói thầu tổng thể của dự án. |
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng việc triển khai thu thập dữ liệu về dân cư (để cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) chưa có sự phối hợp tốt giữa cơ quan công an và tư pháp ở địa phương. “Rất nhiều người dân, đặc biệt là những người cao tuổi trước đây không có đầy đủ dữ liệu về hộ tịch, phải đi làm lại giấy khai sinh”- ông Ngọc nói và cho biết theo phản ánh của các địa phương, có nơi hàng trăm trường hợp đi làm lại giấy khai sinh mỗi ngày, có những ngày tăng 250%. “Giá anh em công an và tư pháp phối hợp rà soát lại thông tin, thay vì bắt người dân phải làm lại giấy khai sinh khiến áp lực công việc tăng lên rất lớn”- ông Ngọc nói. |